PGS.TS Bùi Chí Trung: Hà Nội trong tiếp biến và sàng lọc văn hóa

Cuộc trò chuyện của chúng tôi với PGS.TS Bùi Chí Trung – Phó Viện trưởng Viện đào tạo Báo chí và truyền thông (trường ĐH KHXH và NV Hà Nội) diễn ra vào một ngày thu, Hà Nội đẹp rực rỡ cờ hoa kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô. Quán cafe Bốn Mùa là chỗ ngồi quen của anh, một người sinh ra và lớn lên ở phố cổ Hà Nội, ở đó, anh vừa hoài niệm về một Hà Nội xưa, vừa nhìn Hà Nội ở nhiều việc nhiều chuyện còn ngổn ngang hôm nay.

Người Hà Nội có thói quen khó bỏ, gọi là bảo thủ cũng được

PV: Hà Nội mấy hôm nay mùa thu đẹp như này, ngồi giữa quán café ven Hồ Gươm đẹp như này, giữa những ngày Thành phố rộn ràng cho những lễ hội kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô, là người sinh ra lớn lên ở phố cổ, anh có cảm xúc như nào?

PGS.TS BÙI CHÍ TRUNG: Cụ Lý Công Uẩn chọn dời đô về Thăng Long vào mùa Thu. Rồi đến mùa Thu tháng Tám 1945, mùa Thu tháng Mười 1954, thì đúng là Hà Nội có duyên với mùa Thu. Nói điều này không phải sách vở, mà mùa Thu Hà Nội đẹp thực sự. Tôi không phải người khó tính, cũng chưa đến tuổi già, nhưng có thói quen khó thay đổi, gọi là bảo thủ cũng được, là đã thích món gì, thích ngồi chỗ nào là chỉ ăn ở đấy, chỉ ngồi ở đấy.

Ví dụ cái quán café tôi với chị đang ngồi, có phải lúc nào cũng đẹp cũng dễ chịu như hôm nay đâu. Có hôm mùa hè nóng nực chết người lên được, có những hôm mùa đông lạnh căm căm… Nhưng đó là thói quen của tôi. Tôi chỉ ngồi ở đây, quanh năm, không thay đổi.

Đấy có thể là cái sự bảo thủ của người Hà Nội. Nhưng mà khó lý giải được. Người ta nói nhiều đến câu chuyện người Hà Nội với người Thủ đô khác nhau. Thế người Hà Nội là ai? Xét cho cùng, có nhất thiết phải trả lời câu hỏi đó một cách tường minh theo kiểu máy móc là người Hà Nội thế nào? Theo tôi nên quan tâm là cái hồn cốt Hà Nội, khí chất Hà Nội.

Tôi sinh ra và có 46 năm ở khu phố cổ tức là gần một nửa thế kỷ thì mình được chứng kiến Hà Nội thời kỳ còn bao cấp, lúc ấy còn bé nhưng đã nhìn thấy cách mẹ tôi đặt chỗ xếp hàng mua gạo, mua thực phẩm. Kiểu gì thì mẹ tôi cũng đặt một cái làn chứ không phải một hòn gạch. Mẹ tôi chỉ có vài bộ quần áo mà một tuần thì 6 ngày đi làm. Thế mà bà vẫn biết cách để thay đổi trang phục mỗi ngày, kết hợp cái này với cái kia cho khác đi. Cái việc mà dù thế nào thì đi ra đường vẫn phải tươm tất ấy nó thể hiện việc tôn trọng mọi thứ xung quanh mình.

Những cái sự cầu kỳ ấy, nếp Hà Nội có vẻ thong thả, an nhàn ấy là vì Hà Nội dù thời bao cấp cũng đỡ vất vả hơn nơi khác phải không anh?

Không phải. Hà Nội cũng khổ lắm chứ, khó khăn lắm chứ. Nhưng trong hoàn cảnh khó khăn người ta vẫn nhìn thấy một tinh thần lạc quan và đáng sống. Đấy không phải là bảo thủ, mà muốn bảo lưu năng lượng tích cực ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn. Tôi không nghĩ chỉ có vùng đất khác mới khó khăn, Hà Nội cũng khắc nghiệt chứ, nắng lắm, mưa nhiều, lúc thì nồm ẩm lúc thì rét cắt da cắt thịt. Hà Nội ngày xưa cũng suốt ngày chạy lụt. Hà Nội ngày xưa có nước sạch để dùng đâu, thức đêm xếp hàng chỉ để lấy được 1 xô nước để dùng… Trong tất cả những khó khăn ấy người Hà Nội luôn luôn tìm được giải pháp phù hợp nhất để vẫn thể hiện ra bên ngoài một đời sống tươm tất, đàng hoàng. Ví dụ thời bao cấp có rau xanh đâu, có tủ lạnh đâu, mà người ta vẫn có cách để bảo quản rau được tươi ngon mỗi ngày. Đấy là cái ưu điểm của người Hà Nội, cách người ta duy trì cuộc sống trong khó khăn, nhìn lại cái giai đoạn Covid-19 vừa rồi thì thấy rất rõ tính thích ứng của người Hà Nội.

Cây đa Đền Bà Kiệu. Ảnh: Hoàng Thu Phố.

Cây đa Đền Bà Kiệu. Ảnh: Hoàng Thu Phố.

Thị dân có phần dễ bằng lòng

Tôi hoàn toàn đồng tình với PGS Bùi Chí Trung ở chỗ người Hà Nội lạc quan và có tính thích ứng cao. Nhưng chủ quan mà nói thì thị dân cũng đồng thời có vẻ dễ bằng lòng và ít có khả năng thăng tiến. Anh có đồng tình với nhận định này không?

- Đúng! Đây là một điểm rất đặc trưng của thị dân Hà Nội. Tôi phát hiện ra rằng, người Hà Nội “di truyền” cho nhau cái nghề, cái nghiệp chứ không “di truyền” cho nhau cái chức. Các phố cổ, làng cổ, các nghề cổ Hà Nội người ta truyền nghề hết người này đến đời người kia, nhất nghệ tinh nhất thân vinh. Chứ có duy trì theo kiểu có bố “tể tướng” thì con phải làm “tể tướng” đâu? Có nghĩa là định nghĩa, triết lý, mục tiêu cuộc sống của người Hà Nội từ xưa đến nay có thể khác với một số vùng đất khác.

Tôi quan sát cả ở thời hiện đại này thì việc chí tiến thủ không cao ấy có phải xuất phát từ việc người sống ở Hà Nội thì họ không bị chất lên vai nhiều trách nhiệm với gia đình, dòng họ, những kỳ vọng kiểu “một người làm quan cả họ được nhờ”?

- Có thể, bởi vì người ta không phải kéo theo một trách nhiệm họ tộc ở đằng sau.

Điều này có phải cũng là một “hạn chế” của người Hà Nội không khi họ không thích bị làm phiền bởi những thứ gọi là “dây mơ rễ má”?

- Người Hà Nội, theo tôi, mối quan hệ ở trong nội bộ gia đình hơi khác, nếu so sánh với các miền quê khác ở khía cạnh gia phong. Ở trong gia đình Hà Nội cũng có những “niêm luật” của nó. Nhiều gia đình trong phố cổ Hà Nội hay các làng ngoại thành cũng duy trì nề nếp tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường hết đời này đến đời khác chứ. Trong đó điểm tương đối nổi bật là người ta biết nhìn nhau mà sống. Trong gia đình con thứ giỏi hơn thì cũng không lên mặt, mà cái ông trưởng cũng không cậy mình là trưởng. Ví dụ trong gia đình 7, 8 người con bao giờ cũng biết phận ai thì làm việc gì, ở trong gia đình tôi, giả sử cháu ruột đi học mà tiện đường thì bác đón, tức là những công việc nội bộ ở trong gia đình người ta người ta san sẻ với nhau.

Nhưng nói gì thì nói, người Hà Nội cũng không có kiểu “nồng nhiệt” hứa hẹn “xẻ cửa xẻ nhà”?

- Cái này chị nói đúng. Người Hà Nội trong giao tiếp tương đối lạnh nhạt khách sáo. Họ không có thói quen vừa mới gặp đã vồn vã giao đãi ngay lập tức. Nhưng người Hà Nội có khả năng chịu đựng và thử thách lâu dài. Tức là nếu mà chị đã chơi được thì càng ngày càng sâu đậm và trở thành mối quan hệ lâu bền. Trong một cuộc gặp gỡ đông người bao giờ người ta cũng ngồi nghe đã. Có khi có những cái nghe thấy chưa ổn, người ta cũng không bột phát phản ứng ngay mà có khi đợi đến lúc không có đông người người ta nói riêng hoặc mượn một việc gì đấy, để cho người kia tự rút kinh nghiệm. Nhưng đúng là tôi trở lại với câu chuyện ở trên chúng ta đang nói là thị dân có một thứ “yếm thế” hơn người nơi khác là khả năng phát triển, nói như nào nhỉ, tức là nói nôm na là cái khả năng “tranh đấu” để lên chức, lên quyền thì kém. Có thể xuất phát từ hai yếu tố, một là họ không đặt ra sở cầu trong việc đấy, hai là họ có vẻ dễ bằng lòng với mình. Bây giờ chúng ta hay nói đến khái niệm “chữa lành” với “sống chậm” chứ thực ra người Hà Nội đã làm việc ấy từ lâu rồi. Mấy ông thị dân Hà Nội từ đầu thế kỷ 20 được miêu tả trong văn chương sáng ra uống ấm trà nhẩn nha khéo đã mất nửa ngày.

Sự “yếm thế”, dễ bằng lòng, không quyết liệt “bon chen” của thị dân có bắt nguồn cả từ chỗ “ngại việc” không?

- Cũng có người bảo do người Hà Nội lười, ngại việc. Tôi thì không nghĩ người Hà Nội lười, không hề lười, thậm chí là chăm chỉ và rất có kỷ luật. Nhưng cái cách kỷ luật của người ta là tiết kiệm sức chứ không phải làm hùng hục. Cũng như người Hà Nội không lấy thi đấu đỉnh cao là mục tiêu mà lấy nền tảng giáo dục làm chuẩn mực. Đấy là cái triết lý giáo dục. Chị cứ ngẫm mà xem, người Hà Nội ngày xưa không gửi con đến nhà thầy đồ học “gạo” để đi thi đỗ đạt mà chú trọng dạy con từ tấm bé cái nồi cơm thì để đây, cái bát thì để kia. Rồi dạy cách biết thu vén cuộc sống. Cách ra ngoài đường thì ăn mặc, chào hỏi như nào.

Ảnh: Hoàng Thu Phố.

Ảnh: Hoàng Thu Phố.

Sự tiếp biến và sàng lọc văn hóa

Từ đầu đến giờ chúng ta đang chỉ nói gói gọn đến người sống ở phần lõi Hà Nội. Nghe cách anh nói thì thấy rõ anh là một người gắn bó với khu vực phố cổ và là người quá yêu Hà Nội. Nhưng như lúc đầu chúng ta đã nói, chúng ta không có ý phân biệt rạch ròi ai là người Hà Nội. Bởi vì có những người Hà Nội lịch lãm, nhưng cũng có những người ở nơi khác về mà lịch lãm còn hơn cả người Hà Nội. Ví dụ ông KTS Hoàng Đạo Kính nhiều đời ở Hà Nội lịch lãm, nhưng cũng có cả cố nhạc sĩ Hồng Đăng lịch lãm vô cùng dù ở nơi khác về sống ở Hà Nội. Nói thế, để thấy Hà Nội là nơi tinh hoa hội tụ.

Đúng vậy, những người tinh hoa đến với Hà Nội, bởi vì họ nhìn thấy mình ở trong đó. Nhưng ngược lại, Hà Nội cũng sẵn sàng tiếp thu tinh hoa bốn phương. Đấy là cái khác với các vùng khác. Người nơi khác đến Hà Nội thì không bị phân biệt. Nhưng nếu ở địa phương khác thì khác đấy, chỉ xét trong phạm vi một làng thôi, nếu anh không phải người thuộc dòng họ đó, không phải người làng đó thì khó sống lắm, dân ngụ cư sống làm sao nổi. Cái thứ hai là người Hà Nội biết biến những sản vật của địa phương khác thành nét riêng của mình. Sản vật của địa phương khác khi mang về đây lại tạo ra một cách thưởng thức khác với bản địa, nó không còn giống như ban đầu nữa. Cái này gọi là quá trình tiếp biến văn hóa, nó không phải là sự sao chép. Tôi nói ví dụ như từ món nem chua của nơi khác, người Hà Nội ăn kiểu khác như nem chua rán chẳng hạn. Hay bún mắm ở miền Nam mang ra Hà Nội thì thành món quà chiều ăn một chút, tức là có sự tiếp biến và sàng lọc văn hóa.

Cho nên tôi nhất trí là chúng ta không sa lầy vào việc thế nào là người Hà Nội mà cái mình quan tâm là hồn cốt của Hà Nội là gì. Trong cuộc sống hiện đại hôm nay thì hồn cốt đấy, cái nào tốt nên giữ, cái nào không tốt lắm, cũng nên điều chỉnh.

Ở khía cạnh cá nhân mỗi người, ví dụ như anh, anh sẽ giữ cái đặc tính gì đang được truyền dạy từ một gia đình Hà Nội, ngoài những đặc điểm Hà Nội mà chúng ta đã nói từ đầu đến giờ?

Thị dân Hà Nội hồi xưa rất giỏi trong việc biết cách nào đó để “giắt lưng” được chút vốn liếng phòng thân hoặc để dấm dúi cho con cho cháu. Tôi không biết gọi là gì nhưng công chức Hà Nội ngay cả thời bao cấp cũng luôn biết cách để ngoài đồng lương ba cọc ba đồng có một nguồn thu nhập thụ động. Giờ có thể chúng ta gọi bằng thuật ngữ “nhà đầu tư”, nhưng thường là anh em trong gia đình biết cách rủ nhau góp vốn vào việc buôn bán làm ăn của một người, rồi được nhận chia về phần lãi. Cái này tôi phải công nhận qua thực tế gia đình, họ hàng là người Hà Nội làm rất giỏi đấy. Nên vào những lúc khó khăn thì họ vẫn vượt qua được do có nguồn tích trữ. Tôi tự nhận là được “di truyền” cái này. Và tôi cũng là người như lúc đầu đã nói, một người Hà Nội “bảo thủ”, giữ tất cả những nề nếp và cốt cách Hà Nội trong ăn mặc, giao tiếp, ứng xử. Ví dụ tôi được dạy là ăn phở bò không vắt chanh. Hay cách ăn một bát phở tôn trọng người làm ra nó. Tức là khi nhận được bát phở thì không được vắt chanh vào trước xong rồi cho ộc tương ớt, tiêu vào, mà đầu tiên là dùng cái thìa nếm một thìa nước phở, thưởng thức xem nước dùng của người ta như thế nào đã, sau đó nếu ăn ớt thì lấy hai miếng ớt cho vào một góc, chứ không phải là cho 1 thìa tương ớt vào xong nước trong nó bị đục hết…

Hồi tôi còn bé, tôi rất ngạc nhiên ở trong tại sao trong nhà có những bộ bàn ghế lúc ấy mình nhìn không thấy đẹp ở chỗ nào như sập gụ, tủ chè. Mỗi tháng phải lấy giẻ lau móc vào từng kẽ chạm trổ. Rồi đồ đồng phải đánh mẻ bóng loáng lên, làm xong thì mùi chua lòm cả tay. Khi đó thì thấy bức bối, rồi nhìn thấy nhà người ta mua sofa rất ngưỡng mộ có thể vừa nằm vừa ngồi, xem tivi thoải mái. Thế là tôi đòi ông bà già thay hết đi. Mang cái bộ sập gụ tặng người quen ở Thái Bình. Nhưng đến bây giờ tôi lại thấy tiếc. Cho nên, cái tôi lo bây giờ là con mình cũng giống mình lúc mới lớn ngày xưa, sẽ thấy việc giáo dục nề nếp gia đình là việc phiền phức.

Nhưng việc duy trì cái vẫn được gọi chung là “văn hóa Hà Nội” như ăn phải thế này, uống trà thế kia, hoa cúng bày như nào… đúng là cũng có những thứ không phù hợp với thời hiện đại. Tôi nói ví dụ trong ẩm thực, quán phở này, quán bún kia mới đúng chất Hà Nội đang tạo ra những nhếch nhác mất vệ sinh ở vỉa hè Hà Nội, một sự rất cố chấp trong thời buổi này.

Ví dụ tôi được dạy là ăn phở bò không vắt chanh. Hay cách ăn một bát phở tôn trọng người làm ra nó. Tức là khi nhận được bát phở thì không được vắt chanh vào trước xong rồi cho ộc tương ớt, tiêu vào, mà đầu tiên là dùng cái thìa nếm một thìa nước phở, thưởng thức xem nước dùng của người ta như thế nào đã, sau đó nếu ăn ớt thì lấy hai miếng ớt cho vào một góc, chứ không phải là cho 1 thìa tương ớt vào khiến nước phở đang trong bị đục ngầu lên…

Cái này thì đúng. Nhưng thực ra mà nói phần bảo thủ cũng có một số người thôi. Ngoài ra số đông còn lại là sản phẩm của truyền thông. Ví dụ xếp hàng để đi ăn bát phở chẳng hạn là sản phẩm của truyền thông. Bởi vì những người xếp hàng đấy có bao nhiêu người là có thói quen ăn hàng ngày, hay là những người vì nhìn thấy một câu chuyện từ sản phẩm truyền thông mà tìm đến. Ví dụ Phở Bát Đàn, đã lâu rồi, người Hà Nội trong phố không còn xếp hàng ăn phở Bát Đàn. Người ta biết những quán phở khác nhỏ hơn, xinh hơn, ngon hơn, thái độ phục vụ tốt hơn.

Hà Nội còn nhiều tiếc nuối

Tôi không biết cảm giác của anh thì thế nào, nhưng cá nhân tôi thì thấy Hà Nội nhiều thứ phát triển nhưng có một thứ giờ kém hơn trước là ô nhiễm không khí đã đành, mà đường phố, vỉa hè cũng bẩn hơn trước?

- Người Hà Nội hồi xưa có cái việc là lao động vào ngày thứ bảy và chủ nhật để vệ sinh tập thể. Sáng thứ bảy, 6-7h sáng bà con khu phố ra quét đường. Bây giờ cái quét đường đấy không còn. Hồi xưa, bảo nhau ra không phải là chỉ quét ngõ nhà mình mà quét từ đầu phố tới cuối phố. Ngày xưa sau mỗi trận mưa, các ông lại nhận việc nặng là ra thông cống. Ngày xưa không có nhiều công nhân vệ sinh, những người đàn ông trong khu phải ra thông cống. Ngày xưa kể cả sau bão, làm gì có vệ sinh môi trường với cả công ty cây xanh đến dọn, dân phố bảo nhau làm. Hà Nội là làng trong phố, mỗi phố là một làng, người ta biết bảo nhau. Giữ cái nếp làng, giữ nếp phố là giữ nết người. Còn bây giờ nó không có nếp gì cả. Tại vì cái làng đấy, hôm nay tôi mua nhà này, mai tôi bán nhà khác hoặc ở chung cư thì làm gì còn làng đâu. Người ta nghĩ họ không có lợi ích chung ở đó.

Anh tiếc nhất điều gì cho Hà Nội?

Tôi tiếc những cái chợ truyền thống của Hà Nội. Chợ Hà Nội ngày xưa hay lắm. Rồi cái này thì cũng có nhiều tranh cãi, là cái hàng rong. Hàng rong cũng có 3-7 loại nhưng cái cảnh ngày xưa người ta gánh hai cái thúng trên vai cũng là hình ảnh đẹp. Tiếc nữa là gì, tiếc cái nét con gái Hà Nội. Con gái bây giờ hiện đại quá, màu mè quá. Con gái Hà Nội cũ có cái nét rất sang, trang điểm ít, ăn mặc kín đáo, ăn nói, cử chỉ nhỏ nhẹ, không cảnh vẻ như Huế, mà vẫn có nét yểu điệu, thướt tha.

Còn về quy hoạch và kiến trúc Hà Nội thì ai cũng nhận thấy rồi, cái này lại ở tầm quản lý vĩ mô. Làn sóng nhập cư mạnh mẽ đang lấn át văn hóa Hà Nội, không đủ thời gian để tiếp biến văn hóa. Rồi những cái hồ của Hà Nội đang mất dần. Rồi cách đặt tên đường Hà Nội. Tôi tiếc cả không gian ban đêm Hà Nội. Rồi chị nhìn sang bên kia đường ấy, vì sao cũng trang trí dịp lễ lạt thành phố khác làm đẹp mà Hà Nội lại xấu thế. Nói chung Hà Nội còn ngổn ngang và nhiều điều vô cùng tiếc nuối.

Đến lượt mình, anh dạy con thế nào để giữ nếp Hà Nội như một mạch nguồn chảy trong huyết quản?

Tôi dạy tỉ mỉ, ví dụ như cách mời khi ăn cơm, ăn cơm xong dọn bát, dọn xoong nồi thế nào để không gây ra tiếng động. Khi đi ra ngoài đường thì ăn mặc như nào. Mặc cái áo không là cho phẳng thì đừng đi, ra đường thì không cầm cái bánh vừa đi vừa ăn…Cũng may mắn là con trai tôi thích môn lịch sử, con gái thích âm nhạc.

Xin cảm ơn anh!

CẨM THÚY (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/pgs-ts-bui-chi-trung-ha-noi-trong-tiep-bien-va-sang-loc-van-hoa-10292520.html
Zalo