Nghệ sĩ Diễm Quỳnh mong mang văn hóa Việt Nam lên phố phường New York
Diễm Quỳnh thúc đẩy tầm nhìn sáng tạo theo hướng siêu thực, mong muốn đưa ảnh hưởng văn hóa Việt Nam đến New York.
Trần Diễm Quỳnh là nhà thiết kế trẻ, sinh năm 2000 tại Hà Nội, rời Việt Nam năm 15 tuổi để học tại trường phổ thông Stuart Hall, Virginia, Mỹ.
Lần đầu học mỹ thuật chuyên sâu vào lớp 11, cô được giáo viên phát hiện năng khiếu, kèm cặp kỹ và khuyên tham gia câu lạc bộ mỹ thuật.
Năm 2017, cô thắng giải cuộc thi vẽ tranh ngày Martin Luther King của Đại học James Madison (Virginia). Dù được nhận vào Cao đẳng Âm nhạc Berklee (Boston), cô chọn học Thiết kế đồ họa tại Savannah College of Art and Design (SCAD).
Khi dịch Covid-19 bùng phát, Diễm Quỳnh tạm ngừng học, về Việt Nam. Cô cùng cửa hàng Collective Memory ra mắt hai dòng tranh về văn hóa và cảnh quan Hà Nội.
Dòng tranh đầu tiên lấy cảm hứng từ cốc cà phê sữa đá, đặt trước danh lam thắng cảnh và phố phường Hà Nội. Dòng thứ hai nảy ra khi cô dạo quanh phố cổ Hà Nội là nhận ra mỗi khu phố bán chuyên một mặt hàng và hầu như nhà nào cũng có thú cưng trông nhà, "giữ hàng".

Hai dòng tranh cho Collective Memory. Ảnh: Collective Memory
Khi dịch Covid-19 lắng xuống, Diễm Quỳnh trở lại Mỹ, tốt nghiệp SCAD và gia nhập Business Insider. Tại đây, cô phát triển phong cách mỹ thuật như được thấy trong các bức tranh về Hà Nội, bao quát được nhiều nội dung và quy mô lớn hơn. Nhiều tranh minh họa của cô xuất hiện trên website chính của báo và mạng xã hội dành riêng cho chuyên mục Kỹ thuật và Kinh tế.

Ảnh minh họa lên báo Insider và Business Insider. Ảnh chụp màn hình
Rời Business Insider, cô tiếp tục làm thiết kế tại công ty quảng cáo Six Plus One. Cô thực hiện quảng cáo cho những tổ chức có tiếng như Vườn thú Bronx, quận thương mại Hudson Square và khách hàng toàn quốc như công ty viễn thông Spectrum. Từ bày tranh trong phố cổ Hà Nội, nay ấn phẩm của cô xuất hiện khắp New York.

Các ẩn phẩm cho Vườn thú Bronx. Ảnh: Noah Rojas

Ấn phẩm cho quận thương mại Hudson Square. Ảnh: Noah Rojas
Cùng thời gian này, Diễm Quỳnh duy trì các dự án mỹ thuật độc lập. Cô tận dụng kiến thức văn hóa Hà Nội để trở thành giám đốc sáng tạo cho các dự án âm nhạc riêng - “nghề tay trái” giúp cô cân bằng cảm hứng sáng tạo với các thiết kế “công nghiệp” ở nơi công sở.
Trong MV Last Time in New York, cô tái tạo phòng khách thời bao cấp, lấy cảm hứng từ nhà ông bà. Với đĩa đơn Any Other Way, cô lấy cảm hứng từ bàn ăn vỉa hè Hà Nội và đặt vào ga tàu điện ngầm New York, gợi lên cảm giác lạc lõng của những người con xa xứ.

Dự án Any Other Way. Ảnh: Hà Trần.
Có thể thấy, tính Việt trong thiết kế hình ảnh của Diễm Quỳnh đã và đang thúc đẩy tầm nhìn sáng tạo của cô theo chiều hướng siêu thực, với quy mô và độ táo bạo ngày càng tăng. Tương lai không xa, Diễm Quỳnh ước vọng sẽ mang ảnh hưởng văn hóa Việt Nam lên phố phường New York.

Dự án Last Time in New York. Ảnh: John Warner.