Nghệ sĩ Diễm Hương: Làn gió mới trên sân khấu truyền thống Đồng Nai

Nhỏ nhắn, hiền lành và luôn giữ nụ cười trên môi, nghệ sĩ Diễm Hương không chỉ khiến người đối diện quý mến bởi vẻ ngoài giản dị mà còn bởi tình yêu sâu sắc dành cho nghệ thuật truyền thống.

Nghệ sĩ Diễm Hương (đứng thứ 2, từ trái qua) trong vở cải lương Hào khí Hoan Châu. Ảnh: L.Na

Nghệ sĩ Diễm Hương (đứng thứ 2, từ trái qua) trong vở cải lương Hào khí Hoan Châu. Ảnh: L.Na

Từng là công nhân may tại Khu công nghiệp Amata, thành phố Biên Hòa, Diễm Hương âm thầm theo học đờn ca tài tử (ĐCTT) rồi bén duyên với cải lương chuyên nghiệp. Hành trình của chị không chỉ là chuyện của đam mê, mà còn là minh chứng cho sức sống mãnh liệt của văn hóa truyền thống giữa đời sống hiện đại.

Từ “xưởng máy” đến lớp học đờn ca

Sinh ra tại Tiền Giang, Diễm Hương từng có cuộc sống như bao công nhân khác: ngày đi làm, tối về sum họp bên gia đình và bạn bè. Tuy nhiên, ít ai biết cô công nhân nhỏ nhắn ấy lại mang trong mình tình yêu đặc biệt với nghệ thuật truyền thống. Mỗi tối, sau giờ tan ca, chị tranh thủ đến Câu lạc bộ (CLB) ĐCTT tỉnh Đồng Nai do nghệ nhân dân gian Phạm Lơ làm chủ nhiệm để học hát. Không có sân khấu hoành tráng, chỉ có những bài bản tài tử, cải lương mộc mạc vang lên từ trái tim yêu nghệ thuật.

Chính từ lớp học ấy đã nhen nhóm hành trình theo đuổi nghệ thuật của nghệ sĩ trẻ Diễm Hương. Không theo học trường lớp chính quy, với nền tảng chuyên môn ít ỏi, chị vừa đi làm, đi học sau giờ tan ca, vừa tham gia các chương trình giao lưu do CLB tổ chức. Với giọng ca ngọt ngào, các bài bản tài tử, cải lương do chị biểu diễn sớm chạm vào cảm xúc của người nghe.

“Có hôm tăng ca xong là tôi chạy vội đi học các bài bản tài tử, cải lương. Chỉ cần được ca một câu vọng cổ là bao mệt mỏi trong tôi tan biến. Đó cũng là động lực để tôi tham gia các chương trình giao lưu, biểu diễn tài tử, cải lương, phục vụ công nhân khu công nghiệp và bà con ở cơ sở” - nghệ sĩ Diễm Hương chia sẻ.

Dưới sự chỉ dẫn tận tâm của nghệ nhân Phạm Lơ, nghệ sĩ Diễm Hương tiến bộ nhanh chóng. Từ một công nhân biết ca vài điệu lý, chị trở thành gương mặt quen thuộc trong các cuộc thi, liên hoan văn nghệ, trình diễn ĐCTT trong và ngoài tỉnh. Không chỉ ca hay, chị còn học diễn xuất, rèn luyện phong cách trình diễn, từng bước tiến xa hơn trên con đường nghệ thuật.

Nghệ sĩ Huỳnh Thị Diễm Hương sinh năm 1992, quê ở tỉnh Tiền Giang. Hiện chị công tác tại Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai, tích cực tham gia biểu diễn các chương trình cải lương, ca cổ, phục vụ văn hóa cộng đồng, đặc biệt tại các khu công nghiệp và vùng sâu, vùng xa.

Bước lên sân khấu chuyên nghiệp

Năm 2024, Diễm Hương đầu quân về Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai. Đây là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của một người từng chỉ xem ca hát là đam mê sau giờ tan ca. Từ đây, chị được tạo điều kiện bước lên sân khấu lớn, được tham gia nhiều chương trình nghệ thuật, biểu diễn ca cổ và bắt đầu thử sức với các vai diễn lớn trong vở diễn, trích đoạn cải lương.

Vai diễn đầu tiên nghệ sĩ Diễm Hương nhận được là Út Tâm trong trích đoạn Ông Sáu rừng Sác. Sau đó, chị tiếp tục tham gia vở cải lương Đồng chí, vào vai nữ thanh niên trẻ, tích cực tham gia hoạt động trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, góp phần bảo vệ môi trường sống của cộng đồng. Hay trong vở Hào khí Hoan Châu, chị cùng với vai diễn hoàng hậu Phạm Thị Uyển ra trận, chiến đấu chống kẻ thù xâm lược... Mỗi lần xuất hiện, chị tạo ấn tượng trong lòng người xem bởi sự trẻ trung, năng động, hóa thân trọn vẹn vào từng nhân vật, từng vai diễn.

Bên cạnh diễn xuất, nghệ sĩ Diễm Hương không ngừng rèn luyện ca cổ - một trong những thế mạnh của chị. Với chất giọng ngọt, ấm, ngân vang, chị thể hiện xuất sắc các bài ca cổ, vọng cổ nổi tiếng, làm sống dậy tinh thần tài tử, cải lương trên sân khấu hiện đại. Ngoài ra, chị còn tích cực tham gia các hoạt động biểu diễn, đưa lời ca, tiếng hát về phục vụ bà con ở cơ sở, công nhân các khu công nghiệp, đồng bào vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Nghệ sĩ Diễm Hương trong vở cải lương Đồng chí.

Nghệ sĩ Diễm Hương trong vở cải lương Đồng chí.

“Tôi may mắn khi được nghệ nhân Phạm Lơ hướng dẫn những bước đi đầu tiên, Ban giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai, các đồng nghiệp yêu thương, tin tưởng, tạo điều kiện thuận lợi để tham gia những vai diễn, vở diễn mới cũng như hỗ trợ, giúp đỡ tôi trong diễn xuất. Mỗi lần đứng trên sân khấu là một lần trái tim tôi bật lên nhịp mới, rất hồi hộp và xúc động. Tôi cố gắng diễn thật tốt, như một cách tri ân, đáp lại tình cảm mà những người xung quanh, những khán giả dõi theo mình” - nghệ sĩ Diễm Hương nói.

Nói về Diễm Hương, nghệ nhân Phạm Lơ chia sẻ: “Diễm Hương là một trong số ít học trò đã nỗ lực theo đuổi đam mê, không chỉ học nhanh, mà còn có tâm với nghề - điều mà không phải ai cũng có. Từ những ngày đầu còn rụt rè học ca sau giờ tăng ca, đến khi bước lên sân khấu chuyên nghiệp, em chưa bao giờ ngừng cố gắng. Mỗi bài ca, mỗi vai diễn em thể hiện đều chứa đựng cảm xúc thật, rung động thật. Tôi tin, với môi trường chuyên nghiệp đang sinh hoạt, Diễm Hương sẽ còn tiến xa hơn nữa trong con đường nghệ thuật”.

Giữa nhịp sống hối hả, nghệ sĩ trẻ Diễm Hương vẫn kiên định theo đuổi ước mơ, góp phần gìn giữ và làm sống lại những giá trị nghệ thuật truyền thống đang dần mai một. Trong ánh mắt của chị luôn ánh lên tình yêu nghề - thứ ánh sáng âm thầm nhưng đủ ấm để nuôi dưỡng ngọn lửa nghệ thuật truyền thống sống mãi giữa lòng Đồng Nai.

Ly Na

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202505/nghe-si-diem-huong-lan-gio-moi-tren-san-khau-truyen-thong-dong-nai-30f2df8/
Zalo