Nghệ sĩ còn sống 'đắt giá' nhất thế giới nói gì về AI?

Nghệ sĩ Jeff Koons bày tỏ quan điểm rằng trí tuệ nhân tạo chỉ nên là công cụ hỗ trợ sáng tạo, không thể thay thế cảm xúc và giác quan của con người trong nghệ thuật.

 Jeff Koons sử dụng công nghệ trong nghệ thuật, nhưng ông tin rằng quá trình sáng tạo phải xuất phát từ giác quan và cảm xúc tự nhiên của con người. Ảnh: Keith Major/FAD Magazine.

Jeff Koons sử dụng công nghệ trong nghệ thuật, nhưng ông tin rằng quá trình sáng tạo phải xuất phát từ giác quan và cảm xúc tự nhiên của con người. Ảnh: Keith Major/FAD Magazine.

Nghệ sĩ người Mỹ Jeff Koons, được biết đến là nghệ sĩ còn sống "đắt giá" nhất thế giới, nổi tiếng với những tác phẩm biểu tượng như Balloon Dog (Chó bóng bay) Rabbit (Thỏ thép không gỉ), đã chia sẻ quan điểm của mình về trí tuệ nhân tạo (AI) trong nghệ thuật.

Chia sẻ với The Guardian trong khuôn khổ triển lãm Reflections ở cung điện Alhambra (thành phố Granada, Tây Ban Nha), Jeff Koons khẳng định ông không muốn AI thay thế vai trò của con người trong sáng tạo nghệ thuật.

Ông Koons, sở hữu khối tài sản hơn 400 triệu USD, giải thích rằng AI giúp ông đưa ra các lựa chọn, ví dụ hình dung một chiếc bàn làm từ gỗ, đá cẩm thạch hoặc thép phản chiếu. Tuy nhiên, đối với Koons, quá trình sáng tạo tác phẩm phải xuất phát từ suy nghĩ và cảm nhận riêng của người nghệ sĩ.

 Tác phẩm Gazing Ball (David Intervention of the Sabine Women) của Jeff Koons được trưng bày cạnh Head With Helmet của Picasso tại Granada. Ảnh: The Guardian.

Tác phẩm Gazing Ball (David Intervention of the Sabine Women) của Jeff Koons được trưng bày cạnh Head With Helmet của Picasso tại Granada. Ảnh: The Guardian.

Dù AI hiện là chủ đề nóng trong giới nghệ thuật nhờ khả năng mô phỏng phong cách và tạo ra tác phẩm mới, Koons vẫn giữ quan điểm rằng công nghệ này chỉ nên là công cụ hỗ trợ, chứ không thể thay thế con người.

Ông so sánh điều này với sự ra đời của nhiếp ảnh vào thế kỷ 19, khi nhiều người lo ngại rằng nó sẽ thay thế hội họa. Tuy nhiên, thực tế, nhiếp ảnh lại góp phần thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật trừu tượng.

"Nếu AI là một công cụ mạnh mẽ, chúng ta có thể tận dụng nó để làm lợi thế, hoặc nó cũng có thể giúp chúng ta nhìn nhận lại và cải thiện các giác quan của mình", ông chia sẻ.

Koons là một nghệ sĩ luôn biết tận dụng các tiến bộ công nghệ trong sáng tạo nghệ thuật. Ví dụ điển hình là tác phẩm Rabbit của ông, làm từ thép không gỉ đánh bóng gương, được chế tác bằng công nghệ máy móc tinh vi để mô phỏng hình dáng và chất liệu của một quả bóng bay.

Năm 2019, tác phẩm Rabbit của Jeff Koons đã được bán với giá kỷ lục 91 triệu USD, trở thành tác phẩm đắt giá nhất của một nghệ sĩ còn sống cho đến nay.

Trước đó, tác phẩm Balloon Dog (Orange) bằng thép cao 3 m đã được bán với giá khoảng 58 triệu USD vào năm 2013.

Đặc biệt, tháng 2/2024, trong một dự án hợp tác với SpaceX, 125 bức tượng mặt trăng mini của Jeff Koons đã được vận chuyển ra khỏi quỹ đạo trái đất, trở thành những tác phẩm nghệ thuật đầu tiên được cấp phép trên mặt trăng, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp của người nghệ sĩ.

 Jeff Koons bên cạnh tác phẩm Gazing Ball (Standing Woman). Ảnh: The Guardian.

Jeff Koons bên cạnh tác phẩm Gazing Ball (Standing Woman). Ảnh: The Guardian.

Trong loạt tác phẩm Gazing Ball, Koons đã tái hiện những kiệt tác nghệ thuật bằng cách kết hợp chúng với những quả cầu thủy tinh xanh, tạo nên cách tiếp cận độc đáo và đầy sáng tạo. Ông đã đặt mua 350 quả cầu và lựa chọn ra 35 quả tốt nhất.

Khi được hỏi về định hướng tương lai, Koons cũng chia sẻ rằng ông đang phát triển một số dự án mới và có những cuộc trao đổi với các chuyên gia trong lĩnh vực phát triển trí tuệ nhân tạo (AI).

Tuy nhiên, ông khẳng định rằng hiện tại, ông vẫn chủ yếu dựa vào các giác quan và trải nghiệm cá nhân để sáng tạo nghệ thuật. Theo Koons, chính cảm xúc và các giác quan như thị giác, xúc giác mới tạo nên giá trị đặc biệt của nghệ thuật, điều mà AI không thể thay thế.

 Tác phẩm Three Graces của Jeff Koons trưng bày tại Alhambra. Ảnh: The Guardian.

Tác phẩm Three Graces của Jeff Koons trưng bày tại Alhambra. Ảnh: The Guardian.

Tại triển lãm lần này, ba tác phẩm của Koons, bao gồm Three Graces, Gazing Ball (David Intervention of the Sabine Women) Gazing Ball (Standing Woman), được trưng bày cùng các tác phẩm của Picasso và bộ sưu tập nghệ thuật thời Phục Hưng của Alhambra. Những tác phẩm này không chỉ thể hiện sự kết hợp giữa công nghệ, nghệ thuật và văn hóa, mà còn là minh chứng cho sự sáng tạo vượt thời gian.

Với tài sản ước tính khoảng 400 triệu USD, Jeff Koons là một trong những nghệ sĩ đương đại nổi tiếng và giàu có hàng đầu trong lĩnh vực thị giác. Ông cũng là một nhà sưu tầm các tác phẩm của Picasso, trong đó có hai tác phẩm yêu thích được ông trưng bày trong thư viện và phòng bida tại dinh thự ở thành phố New York (Mỹ).

Koons bày tỏ niềm tự hào khi tác phẩm của mình được trưng bày bên cạnh các tác phẩm của danh họa Picasso.

"Triển lãm này có 3 yếu tố chính: Picasso, tôi và bộ sưu tập của bảo tàng. Khi kết hợp với nhau, chúng tạo ra giá trị vượt trội hơn nhiều. Đó chính là khả năng sáng tạo tự nhiên của con người, điều mà AI chưa thể đạt được”, ông chia sẻ.

Tường Uyên

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nghe-si-con-song-dat-gia-nhat-the-gioi-noi-gi-ve-ai-post1522039.html
Zalo