Nghề rèn trong đời sống hiện đại

Mỗi độ xuân về, các nương trên sườn đồi, sườn núi đồng bào dân tộc Mông huyện tủa Chùa bắt đầu phát quang, chờ mưa để gieo trồng mùa vụ mới. Những lò rèn lại đỏ lửa ngày đêm bởi đây là thời điểm nhu cầu mua bán, sửa chữa nông cụ tăng cao.

Huyện Tủa Chùa đa số là đồng bào dân tộc Mông, chiếm hơn 70% dân số với nhiều nghề thủ công độc đáo. Trong đó nghề rèn là một trong những nghề gắn liền với đời sống lao động, sản xuất trên nương rẫy của bà con, là một nét văn hóa truyền thống đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông. Trải qua bao thăng trầm, nghề rèn vẫn được đồng bào dân tộc Mông lưu giữ, phát triển như một nét văn hóa truyền thống được hun đúc qua các thế hệ.

Đời sống đồng bào dân tộc Mông gắn liền với các nông cụ được rèn, đúc thủ công.

Đời sống đồng bào dân tộc Mông gắn liền với các nông cụ được rèn, đúc thủ công.

Các sản phẩm rèn thủ công của đồng bào Mông rất phong phú, từ rìu, cuốc, dao phát. Trong đó chủ yếu thường thấy nhất là dao nhọn, bởi dao nhọn đa dụng được sử dụng trong từ bếp núc, đi nương…

Ông Cứ A Khua, thôn Dê Dàng, xã Sính Phình chia sẻ: Tôi biết đến nghề rèn từ nhỏ, đối với người Mông mỗi thôn bản thường sẽ có một lò rèn đáp ứng nhu cầu của mọi người. Điểm khác biệt trong cách rèn của người Mông với các dân tộc khác thường là khâu chọn nguyên liệu rèn bằng các loại nhíp ô tô, cùng với đó là cách tôi luyện bằng nước, thân chuối sao cho sản phẩm vừa có độ bền bỉ, cứng cáp mà lại sắc bén.

Các sản phẩm được làm phải trải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mỉ, sức khỏe, kinh nghiệm của người thợ, việc sở hữu một con dao tốt, nông cụ tốt không chỉ thể hiện chất lượng, tay nghề của người thợ, đối với người Mông còn thể hiện sự dẻo dai, chăm chỉ, tháo vát của những người đàn ông trong lao động sản xuất. Chính vì vậy đồng bào dân tộc Mông rất thích sử dụng những sản phẩm thủ công do chính tay mình làm ra.

Thợ rèn sửa chữa nông cụ cho người dân.

Thợ rèn sửa chữa nông cụ cho người dân.

Ngày nay, việc mua bán sử dụng các nông cụ rẻ và dễ dàng hơn, mặc dù vậy nghề rèn truyền thống dân tộc Mông vẫn được bảo lưu, phát triển bởi đối với người Mông nó không chỉ đơn thuần là nông cụ, mà còn là một phần quan trọng của văn hóa truyền thống.

Rèn đúc là một trong những nghề truyền thống gắn bó lâu đời của đồng bào dân tộc Mông.

Rèn đúc là một trong những nghề truyền thống gắn bó lâu đời của đồng bào dân tộc Mông.

Tại thôn bản người Mông, các lò rèn thường đỏ lửa quanh năm, với những người tâm huyết, gắn bó cả đời với nghề rèn, việc nâng cao chất lượng, phẩm chất, độ bền, tinh xảo của mỗi sản phẩm dần tạo chỗ đứng, góp phần gìn giữ nghề truyền thống gắn liền phát triển kinh tế hộ gia đình.

Các sản phẩm rèn được bày bán tại chợ phiên.

Các sản phẩm rèn được bày bán tại chợ phiên.

Ông Thào A Cháng, thông Làng Sảng, xã Tả Sìn Thàng chia sẻ: Trước kia rèn nông cụ chỉ làm trong thời gian rảnh, mỗi tuần vài sản phẩm phục vụ nhu cầu mua bán của các hộ dân xung quanh. Sau năm 2023, nghề rèn được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, các sản phẩm rèn dân tộc Mông được biết tới nhiều hơn, tiêu thụ tốt hơn nên lò rèn gia đình lúc nào cũng đỏ lửa. Trung bình một tuần tôi rèn khoảng 10 - 15 nông cụ, chủ yếu là dao để bán tại chợ phiên Tả Sìn Thàng. Khách mua là người dân, khách du lịch hoặc khách ngoại tỉnh hỏi mua và được gửi qua xe khách. Giá mỗi sản phẩm tùy thuộc độ dài ngắn, mục đích sử dụng như dao thái, dao chặt… Mà có giá khác nhau, dao động từ 300.000 đồng - 350.000 đồng, trừ chi phí thu nhập khoảng 2,5 triệu/tuần.

Các sản phẩm dao mới rèn chuẩn bị bán tại chợ phiên của ông Thào A Tráng.

Các sản phẩm dao mới rèn chuẩn bị bán tại chợ phiên của ông Thào A Tráng.

Hòa cùng nhịp sống ngày nay, các sản phẩm thủ công được biết đến nhiều hơn, dần có chỗ đứng thương hiệu riêng. Cùng với đó là những người thợ tâm huyết, sống được với nghề đã góp phần gìn giữ, phát triển nghề rèn, để những lò rèn luôn đỏ lửa, là một sản phẩm văn hóa đặc trưng của đồng bào Mông trong cuộc sống hiện đại.

Trần Nhâm

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/van-hoa/nghe-ren-trong-doi-song-hien-dai
Zalo