Nghề nuôi ong truyền thống: Sứ giả gieo duyên của người Tày

Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải không chỉ hấp dẫn du khách với nét văn hóa độc đáo của người Tày mà cả nghề nuôi ong truyền thống.

Ông Trần Huy Khoa chia sẻ về kỹ thuật nuôi ong. (Ảnh: Phương Thảo)

Ông Trần Huy Khoa chia sẻ về kỹ thuật nuôi ong. (Ảnh: Phương Thảo)

Chia sẻ câu chuyện về nguồn gốc của ngôi làng, Trưởng làng Nguyễn Thị Thanh Hải kể, bắt nguồn từ lời hứa với người ông đã khuất, bà lập nên ngôi làng với mong muốn giữ được phong tục, tập quán của dân tộc mình.

Tại đây, hàng ngày bà con cùng lao động, canh tác, sản xuất thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn. Khi có du khách đến thăm thì họ cùng nhau phục vụ khách du lịch. Mọi hoạt động đều mang tính tự cung, tự cấp, thậm chí nguồn nước uống cũng được phục vụ riêng cho bản làng. Mỗi tối sau giờ làm việc, bà con, các cháu nhỏ trong làng lại quay quần tập các bài hát Then truyền thống của người Tày và cùng tham gia các hoạt động sinh hoạt cộng đồng.

Bà con làng Thái Hải luôn có ý thức gìn giữ các nét phong tục tập quán của dân tộc mình. Làng có một trường mầm non, một trường tiểu học, một phòng khám Đông y do làng xin cấp phép cơ quan chính quyền mở ra. Bên cạnh các chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, làng cũng đưa chương trình giáo dục học tập, gìn giữ văn hóa Tày cho thế hệ trẻ.

Với người dân nơi đây, vạn vật cỏ cây xung quanh đều được coi là bạn đồng hành. Đặc biệt, ong được người Tày coi như sứ giả gieo duyên, là một thành viên không thể thiếu của bản làng.

Câu chuyện ong tìm người

Chị Nga, một người dân trong làng, kể lại câu chuyện đầy thú vị về việc “ong tìm người” từ thuở làng mới hình thành. Trong một buổi làm việc, Trưởng làng bất ngờ phát hiện một tổ ong xuất hiện ngay dưới gầm bàn. Thay vì xua đuổi, bà nhẹ nhàng dời chiếc bàn đó đi và chuyển sang làm việc ở một chiếc bàn khác.

Điều kỳ lạ là chỉ sau hai, ba ngày, tổ ong lại tìm đến chiếc bàn mới của bà. Điều đó khiến Trưởng làng và người dân trong bản đều tin rằng ong mang theo một thông điệp thiêng liêng, như muốn khẳng định mối gắn kết sâu sắc với bản làng.

Sau đó, Trưởng làng đã quyết định giao trọng trách nuôi ong cho ông Trần Huy Khoa, một người dân trong làng. Từ tổ ong ban đầu, ông Khoa và Trưởng làng đã dần dần gây giống, phát triển lên 10 đến 15 tổ, và cho ong vào thùng gỗ để chăm sóc.

Năm 2017, làng Thái Hải đón một vị khách đặc biệt – ông Michel Feintrenie, một người Pháp được mệnh danh là “vua ong”. Trong ba tuần lưu trú tại làng, ông ngạc nhiên khi thấy những đàn ong nhộn nhịp bay đi lấy mật hoa khắp nơi.

Ông Feintrenie vốn là chủ một ngôi làng ở Pháp, nơi nuôi đến 3.000 tổ ong, và có khả năng đặc biệt là nói chuyện với ong. Ông thậm chí có thể để ong bâu kín người mà không bị đốt.

Theo lời ông Michel Feintrenie, ong đã nói với ông rằng bản làng Thái Hải là nơi đất lành, nên chúng đã chọn nơi đây để xây dựng tổ ấm. Từ đó, ông Feintrenie xin được trở thành một người con của làng, cùng ông Khoa chăm sóc những đàn ong mỗi khi có dịp trở lại Việt Nam.

Người Tày quan niệm rằng con người có nhà thì ong cũng phải có nhà, và chỉ một tổ ong thôi chưa đủ để hình thành một cộng đồng. Vì thế, năm đó, ông Michel Feintrenie đã đề xuất thiết kế một ngôi nhà đặc biệt dành cho ong. Ngôi nhà được đặt tên là Nhà ong Pháp - Tày với biểu tượng hình lục lăng, vừa đại diện cho tổ ong vừa gợi nhớ đến nước Pháp.

Hiện tại, Nhà ong Pháp - Tày có 30 tổ ong, tọa lạc ở vị trí đẹp nhất trong làng, trên đỉnh ngọn đồi cao nhất, được xem là nơi hội tụ linh khí trời đất.

Nhà ong Pháp-Tày với hình lục lăng độc đáo. (Ảnh: Phương Thảo)

Nhà ong Pháp-Tày với hình lục lăng độc đáo. (Ảnh: Phương Thảo)

Sự trân quý giọt mật trời cho

Với kinh nghiệm nuôi ong trong gần chục năm qua, ông Khoa chia sẻ rằng nuôi ong ban đầu không hề dễ.

Kỹ thuật nuôi ong của Pháp cũng phải được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện Việt Nam, nơi thời tiết khắc nghiệt và nguồn hoa thay đổi theo mùa, khác hẳn với phương pháp nuôi ong quanh năm trong thời tiết lạnh ở châu Âu.

Khi chưa hiểu nguyên lý sinh hoạt của ong, việc giữ tổ ong đối với ông là một thách thức lớn. Mùa hoa từ tháng Hai đến tháng Năm là thời điểm ong phát triển mạnh mẽ, tạo nhiều mật và dẫn đến nhu cầu tách đàn, chia đàn, tìm ong chúa mới. Vì không biết điều đó nên một nửa đàn ong ông nuôi từng bay đi mất.

Để khắc phục tình trạng thiếu hoa vào mùa Đông, ông Khoa đã học cách bổ sung thức ăn thay thế, ông không dùng đường mà dùng bột đậu tương rang, lòng đỏ trứng gà, sữa chua và bia, để tạo ra hỗn hợp giúp ong dễ tiêu hóa.

Ông Feintrenie đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu, như việc sử dụng chính mật của chúng để bổ sung năng lượng cho đàn. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc dưỡng ong chúa, giúp chúng duy trì sức sinh sản trong ba đến bốn năm.

Việc nuôi ong tại làng không nhằm mục đích thương mại mà chủ yếu phục vụ nhu cầu của người dân trong làng, nếu có dư mật thì mới bán cho khách du lịch.

Mật ong là sản vật quý được dân làng sử dụng trong đời sống hàng ngày. Mọi người thường pha mật ong với chè Thái Nguyên và uống vào buổi sáng để lưu thông khí huyết, làm đẹp da và cải thiện sức khỏe tim mạch.

Đời sống của ong là một bảo tàng sống để du khách đến tìm hiểu và trải nghiệm. Người Tày thường lấy hình ảnh tổ ong để giáo dục con cháu về tính cộng đồng, lối sống hòa hợp và tinh thần đoàn kết.

Tổ ong là biểu tượng của sự trật tự, mỗi thành viên đều có vai trò riêng, nhưng luôn gắn bó chặt chẽ vì lợi ích chung. Khi tổ ong bị đe dọa, cả đàn sẵn sàng đồng lòng bảo vệ tổ, thể hiện rõ nét triết lý sống gắn kết mà người dân tại bản làng Thái Hải luôn trân trọng.

Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải nằm ở xã Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên, được xây dựng từ năm 2003 nhằm bảo tồn giữ gìn những ngôi nhà sàn truyền thống cùng văn hóa của dân tộc Tày. Đến năm 2011, ngôi làng chính thức đi vào hoạt động khai thác du lịch, được nhiều du khách gần xa trong nước và quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới biết đến ghé thăm trải nghiệm.

Đến năm 2014, Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải đã được vinh danh là khu du lịch điển hình về xã hội hóa bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch và được công nhận là điểm đến du lịch địa phương. Năm 2016-2017, ẩm thực của Làng lọt vào top 10 nhà hàng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch hàng đầu Việt Nam, được vinh danh tại một sự kiện ở Hà Nội. Năm 2019, khu ẩm thực của làng đạt danh hiệu Top 5 Nhà hàng ăn uống phục vụ khách du lịch tốt nhất Việt Nam năm 2019.

Tháng 11/2017, Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải được Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam cấp Bằng bảo trợ là “Công trình có giá trị bảo tồn văn hóa truyền thống và giáo dục tinh thần đoàn kết dân tộc”. Tháng 9/2018, Liên chi hội Di sản Văn hóa Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải được thành lập. Từ năm 2018 - 2023, Khu bảo tồn đã bốn lần được vinh dự đón nhận giải thưởng Du lịch ASEAN.

Gần đây nhất, tháng 3/2023, làng Thái Hải được nhận Giải thưởng Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2022 do Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) trao tặng.

PHƯƠNG THẢO

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nghe-nuoi-ong-truyen-thong-su-gia-gieo-duyen-cua-nguoi-tay-297140.html
Zalo