Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở Đồng Nai
Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể là một trong những nội dung quan trọng được xác định trong Nghị quyết 12 của Tỉnh ủy Đồng Nai. Ngày 5-12-2024, Bảo tàng Đồng Nai tổ chức hội thảo khoa học về di sản văn hóa phi vật thể ở Đồng Nai. Nhiều tham luận và ý kiến phát biểu đã phân tích thực tế, kiến nghị khách quan để cấp thẩn quyền nhận diện, đánh giá, xác định nhiệm vụ và giải pháp khả thi nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể ở Đồng Nai.
Có ý nghĩa vô cùng lớn lao về mặt lịch sử, văn hóa và khoa học
Di sản văn hóa phi vật thể (tiếng Anh: Intangible cultural heritage) là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan; có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học; thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn, hoạt động thực hành và các hình thức khác. Đó là những giá trị được cảm nhận bằng định tính, không thể định lượng cân đo đong đếm bằng vật thể nhưng lại có ý nghĩa vô cùng lớn lao về mặt lịch sử, văn hóa và khoa học.
Ở Việt Nam, tính đến tháng 12-2023, có 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận. Theo tiêu chí của Việt Nam, đến tháng 1-2018, cả nước có 248 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc; trong đó, di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Chùa Ông thành phố Biên Hòa ở Đồng Nai được đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 3440/QĐ-BVHTTDL ngày 10-11-2023.
Ở Đồng Nai có đa thành phần, đa hệ, đa nguồn và đa dạng di sản văn hóa phi vật thể. Có đờn ca tài tử vốn là bộ phận cấu thành di sản đờn ca tài tử Nam Bộ đã được UNESCO vinh danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2013; cũng có nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể đồng dạng với các di sản đã được đưa vào danh sách văn hóa phi vật thể quốc gia như ở nhiều nơi khác. Có thể kể đến những di sản văn hóa phi vật thể hiện tồn mang sắc thái của Đồng Nai: Lễ hội Cúng Yangpri (người Chơro), Lễ hội Xây chầu đại bội (cúng đình, người Việt), Lễ Tống phong ở các đình làng, Lễ Cúng chợ xô giàn thí thực ở các chợ làng, Lễ hội Làm chay (chùa Bà Thiên Hậu), bóng rỗi - địa nàng (cúng miễu); Lễ hội Lồng Tồng (người Tày ở Lý Lịch, Tân Phú); nghề dệt thổ cẩm người Mạ (Tà Lài, Tân Phú), nghề đúc gang (Thạnh Phú), nghề gốm (bách hoa, men xanh Biên Hòa), nghề đá Bửu Long, nghề làm nem bưởi, rượu bưởi (ở Tân Triều), nghề làm rượu cần người Mường (ở Tân Lập, Phú Túc, Định Quán); nghề làm bánh tráng Thạnh Phú (ở Vĩnh Cửu), canh bồi người Chơro, canh thụt người S’tiêng, cháo môn lươn Bà Đốc (ở Hiệp Hòa, Biên Hòa), hát tuồng Bàu Làm (ở An Hòa, Biên Hòa)…
Kể tên như thế vẫn chưa hết, chưa nhận diện, đánh giá đầy đủ. Có nhiều vấn đề cần phải nghĩ và bàn.
Hợp sức trong việc bảo tồn, phát triển
Trước hết, về nhận thức, cần đến các giải pháp thường xuyên, phổ quát tuyên truyền, giáo dục, làm rõ để trong cộng đồng và toàn hệ thống xã hội nhận biết về giá trị, vai trò, ý nghĩa của từng di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống. Có thực tế đáng buồn, giới trẻ chủ thể của một số di sản văn hóa phi vật thể còn thiếu hiểu biết, không quan tâm đến giá trị di sản đang có của ông bà mình, của dân tộc mình, ở địa phương mình.
Hiện nay, chương trình giáo dục lịch sử văn hóa địa phương được Sở Giáo dục và đào tạo chủ trì đưa vào sách giáo khoa là một cách làm hay, mang lại kỳ vọng về giáo dục nhận thức cho thanh thiếu niên học sinh về di sản văn hóa phi vật thể ở địa phương trong hệ thống giá trị văn hóa ở Đồng Nai. Cách làm này chỉ mới khởi động ở phần học liệu, đang trong lộ trình thực hành để mục đích, yêu cầu của chương trình được sâu rễ bền gốc trong tim óc của các thế hệ thanh niên học sinh.
Việc điều tra, sưu tầm, nghiên cứu, lập hồ sơ để quản lý cần được thực hiện đầy đủ hơn, có hệ thống hơn, đồng bộ hơn để quản lý tốt hơn. Đến nay, các tiêu chí để xác định giá trị văn hóa phi vật thể chưa được thành hệ tiêu chí rõ nét, chưa được cộng đồng hiểu biết đầy đủ.
Di sản văn hóa phi vật thể ở Đồng Nai vốn đã được tạo dựng, lưu truyền từ bao thế hệ, vượt qua chiến tranh, nghèo khổ, duy trì sự sống đến hôm nay. Phần lớn những di sản này đang có nguy cơ mai một hoặc gặp nhiều trở ngại phát triển trong thời kỳ trọng kim tiền, hướng về công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa. Nó có thể sống tiếp hay không?, sống như thế nào? chỉ là di sản hay trở thành tài sản?; thảy đều tùy thuộc vào nhận thức và hoạt động ở toàn hệ thống điều hành của chính quyền và xã hội hôm nay.
Công tác lập hồ sơ, xét chọn, trình cấp thẩm quyền quyết định còn chậm, chưa thành kế hoạch ổn định, thường xuyên. Đến nay, ở Đồng Nai, mới chỉ 1 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh sách cấp quốc gia (Lễ hội Chùa Ông thành phố Biên Hòa), 1 hồ sơ vừa được Hội đồng cấp tỉnh thông qua, trình Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch (Lễ hội Sayangva của người Chơro), 2 hồ sơ vừa xác lập, đang lấy ý kiến chuyên gia trình UBND tỉnh (Lễ hội Kỳ yên đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh và Lễ hội Miếu Tổ Sư ở Biên Hòa). So với các tỉnh, thành trong khu vực Đông Nam Bộ, các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước và Thành phố Hồ Chí Minh đều có hơn 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đối với di sản văn hóa phi vật thể đã được xếp hạng (hoặc chưa được xếp hạng) cần được quản lý và phân cấp quản lý rạch ròi về thẩm quyền, rõ ràng về trách nhiệm, phối hợp tốt giữa quản lý nhà nước với quản lý cộng đồng. Việc tổ chức Lễ hội Chùa Ông thành phố Biên Hòa (di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vừa được công nhận) là bài học kinh nghiệm quý có thể áp dụng cho nhiều trường hợp khác.
Di sản văn hóa phi vật thể không thể tách rời môi trường vật thể, việc tái hiện các hoạt động vật chất để tạo điều kiện cho di sản văn hóa phi vật thể có môi trường sống là nội dung quan trọng. Như trường hợp nghề dệt thổ cẩm của người Mạ ở Tà Lài (Tân Phú), nghề dệt còn, nghệ nhân còn, nhưng sản phẩm dệt khó bán, cần đến sự phát triển về mẫu mã hàng tiêu dùng và các chính sách khuyến nghệ, bảo hộ sản phẩm, như nhiều nơi khác đã làm được.
Chủ trương và giải pháp tôn vinh, phát huy nghệ nhân và công tác truyền nghề là việc còn thiếu và yếu ở Đồng Nai. Đối với di sản văn hóa phi vật thể, nghệ nhân là hồn cốt của di sản, việc thực hành nghề và truyền nghề thường bằng thực hành, kinh nghiệm, truyền khẩu, không bằng giáo trình giáo án và bằng cấp chuyên môn như thông thường, cho nên công tác khuyến nghệ, tôn vinh nghệ nhân, chú trọng việc truyền nghề là rất quan trọng, cần thiết và đặc thù.
Di sản văn hóa phi vật thể có tính hội tụ và lan tỏa cho nên các hoạt động phối hợp và liên kết liên ngành nội vùng luôn chờ đợi sự quan tâm của các cơ quan quản lý các tỉnh, thành để tạo điều kiện cho các di sản phi vật thể được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và hợp sức trong việc bảo tồn, phát triển. Về việc này, ở Đồng Nai đã thực hiện khá tốt trong việc tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc, hội diễn đờn ca tài tử, Liên hoan Bóng rỗi - địa nàng, Lễ hội Chùa Ông thành phố Biên Hòa … Những hoạt động này có ý nghĩa làm hồi sinh di sản văn hóa phi vật thể ở cấp độ vùng, liên vùng và có ý nghĩa hội nhập quốc gia, quốc tế.
Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở Đồng Nai có mục tiêu gắn với phát triển du lịch, tạo hồn cho hoạt động du lịch, vừa thu hút khách tham quan đến với Đồng Nai, vừa quảng bá sắc thái văn hóa từ Đồng Nai. Cần đến các giải pháp ứng dụng công nghệ, công nghệ AL trong việc tuyên truyền, giáo dục; sáng tạo sản phẩm mới, biến thành hàng hóa và vật phẩm giao lưu.
Ngoài việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của quá khứ, cần thiết và cấp thiết có hình thức động viên, khuyến khích, tạo điều kiện cho việc sáng tạo giá trị phi vật thể mới đáp ứng nhu cầu của đời sống đương đại và hiện đại; như đối với nghệ thuật MOISAC (trường hợp tranh ghép gốm của họa sĩ Mai Văn Nhơn, họa sĩ Đào Tấn Hưng) hoặc nghề chạm khắc củ quả nghệ thuật (nghệ nhân Phạm Văn Hoàng - Hiệp hội Du lịch Đồng Nai).