Nghề nuôi ong mật ở Tân Sơn
Nằm giữa vùng rừng núi trùng điệp của huyện Tân Sơn, xã Mỹ Thuận không chỉ được biết đến với cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ mà còn là nơi hội tụ những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của người Mường. Trong hành trình phát triển kinh tế dựa trên lợi thế bản địa, nghề nuôi ong lấy mật đã trở thành một trong những sinh kế bền vững, đồng thời là nơi gìn giữ kho tàng tri thức dân gian phong phú của cộng đồng nơi đây.
Từ lâu, người Mường ở vùng đất Mỹ Thuận đã gắn bó mật thiết với núi rừng. Họ sống cùng rừng, nương nhờ vào rừng để sinh tồn và phát triển. Trong quá trình ấy, những hiểu biết sâu sắc về quy luật của tự nhiên, về mùa hoa nở, thói quen của ong rừng đã dần trở thành tri thức bản địa, một loại “kho báu” truyền đời, không sách vở nào ghi lại nhưng thấm sâu trong từng nếp nghĩ, cách làm của người dân nơi đây.
“Muốn ong khỏe thì phải chọn đất cao, đón nắng sớm, gần nguồn hoa nhưng phải tránh gió lùa. Còn muốn mật thơm thì phải biết mùa, biết loài hoa nào đang nở, hoa nào cho mật đậm đặc như mùa hoa nhãn, hoa xuyến chi, hoa keo...” - chị Hoàng Thị Thơm - một trong những người nuôi ong lâu năm và hiện là Tổ trưởng Tổ liên kết nuôi ong Mường Vác (khu Bình, xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn) chia sẻ những kinh nghiệm được đúc kết từ năm tháng quan sát, sống chan hòa cùng tự nhiên.

Một số người trẻ trong vùng cũng đang tham gia vào chuỗi sản xuất và quảng bá mật ong trên các sàn thương mại điện tử như: Zalo, Facebook, Shoppe...
Người Mường còn có những cách rất riêng để “nghe” thiên nhiên. Họ nhận biết mùa mật thông qua mùi hương của gió đầu ngày, màu sắc trời khi hoàng hôn buông, hay thậm chí là tiếng ong vo ve trở về tổ sau mỗi chuyến bay xa, mỗi mùa hoa sẽ cho ra vị mật đặc trưng. Họ quan sát hành vi của đàn ong để dự đoán thời tiết, để nhận ra khi nào ong đang gặp bệnh, khi nào là lúc thích hợp để khai thác mật mà không ảnh hưởng đến đàn trong thời gian.
Bén duyên hơn 20 năm với nghề nuôi ong lấy mật, chị Hoàng Thị Thơm cho biết: “Hồi mới bắt đầu, con tôi lên đồi bắt ong về bỏ vào thùng gỗ, rồi từ đó chúng tôi dần dần nhân đàn. Vì chưa có kinh nghiệm, tôi cho con vào tận miền Nam học hỏi cách làm ong và mua thêm giống về phát triển. Nuôi ong cũng như chăm con mọn, phải tỉ mỉ từng chút một, không thể vội vàng hay lơ là. Thời điểm hiện tại nhà tôi có gần 1.000 đàn. Trong đó 800 đàn đánh mật, 200 đàn bán giống, thu về 25 tấn mật ong/năm”.
Theo chị Thơm, điều đáng quý là dù hiện nay đã tiếp cận nhiều kỹ thuật chăn nuôi hiện đại, sử dụng các dụng cụ hỗ trợ để nâng cao năng suất nhưng các hộ nuôi ong trong tổ vẫn giữ gìn cốt cách của nghề truyền thống. Đó là sự tôn trọng tự nhiên, khai thác mật ong theo hướng bền vững và đặc biệt là duy trì phương pháp thu mật thủ công, không pha chế, không sử dụng hóa chất. Nhờ vậy, mật ong của người Mường nơi đây luôn giữ được hương vị nguyên sơ, đậm đà tinh chất của hoa rừng, núi đá và cả nắng gió vùng cao.

Khu vườn nuôi ong lấy mật của chị Hoàng Thị Thơm.
Nếu như trước kia nghề nuôi ong ở Mỹ Thuận chỉ xuất hiện lẻ tẻ trong vài hộ gia đình với quy mô nhỏ, thì nay, dưới sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã và các tổ chức đoàn thể, nghề này đã dần hình thành hướng phát triển có tổ chức. Năm 2022, Tổ liên kết nuôi ong lấy mật Mường Vác do chị em dân tộc Mường thành lập chính thức ra đời của 13 thành viên, chủ yếu là dân tộc Mường, mở ra một giai đoạn mới cho mô hình kinh tế gắn với tri thức bản địa. Cho đến nay, Tổ liên kết đã thành công nuôi khoảng hơn 5.000 nghìn tổ ong ngoại và tổ ong ta. Mỗi năm, khoảng 200 tấn mật ong ngoại và trên 4.000 lít mật ong ta đã được sản xuất, giúp các chị em dân tộc Mường làm nghề có thu nhập ổn định, mức thu nhập từ 7 -10 triệu đồng/tháng.
Ông Hoàng Văn Mến, một trong những thành viên của Tổ liên kết nuôi ong lấy mật Mường Vác cho biết: “Nhà tôi nuôi khoảng 300 đàn ong, trung bình thu về khoảng 15 tấn mật ong/năm. Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi và chất lượng sản phẩm, tổ liên kết nuôi ong lấy mật đã thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn dành cho hội viên, tập trung vào kỹ thuật chăm sóc ong, phương pháp nhân đàn và quy trình thu mật an toàn, hiệu quả. Song song với đó, các hộ nuôi ong còn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội với tổng số tiền giải ngân lên tới 1,2 tỷ đồng”.

Nhờ di chuyển đàn ong theo những mùa hoa nên chất lượng mật ong ở mỗi mùa, mỗi thời điểm là khác nhau.
Để mở rộng nguồn mật, ngoài huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, nhiều hộ đã chủ động di chuyển tổ ong đến các vùng khác theo mùa hoa như: Lên Hà Giang lấy mật bạc hà, vào Tây Nguyên, Đắk Lắk, Đắk Nông lấy mật cà phê, đến Sơn La lấy mật hoa xuyến chi, cây chó đẻ, hoa nhãn... Vì vậy, mật ong Mường Vác có nhiều loại đa dạng theo các mùa hoa.
"Tinh thần cốt lõi vẫn là nuôi ong theo cách “thân thiện” và thuận theo tự nhiên nên nhiều chuyến di cư cũng mang theo sự may rủi. Mỗi chuyến di chuyển hàng trăm thùng ong là những chuyến mưu sinh thấm đẫm sự nhọc nhằn, thậm chí đối mặt với nguy cơ phá sản. Nếu thời tiết không ủng hộ rất có thể sẽ chết hết ong. Nuôi ong sinh thái với quy mô lớn thì di chuyển đàn ong theo mùa hoa là điều bắt buộc vì nếu thiếu hoa, ong sẽ rã đàn. Còn nếu cho ăn thêm đường thì mật ong sẽ không còn chất lượng" - ông Mến chia sẻ thêm kinh nghiệm.
Tri thức bản địa không bị lãng quên mà được tiếp tục áp dụng, điều chỉnh linh hoạt cho phù hợp với điều kiện mới. Vì thế giá thành của mật ong cũng tùy thuộc vào từng mùa hoa. Mật ong nhãn được bán với giá 200.000 đồng/lít, mật ong xuyến chi, chó đẻ có giá 150.000 đồng/lít, mật ong hoa keo bán giá 100.000 đồng/lít.
Không chỉ dừng lại ở giá trị kinh tế, mô hình nuôi ong của người Mường còn mang đậm ý nghĩa văn hóa khi mỗi giọt mật không chỉ là sản phẩm tiêu dùng, mà là sự kết tinh của mối quan hệ hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Đó là cách mà người Mường thể hiện triết lý sống “thuận thiên”, sống cùng rừng, sống cùng ong chứ không chiếm đoạt hay tận diệt.

Chị Hoàng Thị Thơm, Tổ trưởng Tổ liên kết nuôi ong đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề.
Nhờ sự đồng hành tích cực từ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã và sự hỗ trợ của các ban, ngành địa phương, Tổ liên kết không ngừng phát triển về quy mô. Đặc biệt, sản phẩm “Mật ong hoa rừng thiên nhiên Mường Vác” của Tổ đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu và tạo được lòng tin với người tiêu dùng trên thị trường.
Nghề nuôi ong của người Mường ở Mỹ Thuận đang phát triển mạnh mẽ nhưng không theo lối ồn ào, lặng lẽ như cách ong làm mật: Cần mẫn, chắt chiu, từ những gì tinh túy nhất của núi rừng. Trong từng giọt mật, có hương của đất, của hoa và cả hồn cốt văn hóa dân tộc được gìn giữ qua bao thế hệ.
Nơi rừng núi Tân Sơn, người Mường ở xã Mỹ Thuận vẫn ngày ngày miệt mài bên những đàn ong, giữ lấy nghề truyền thống gắn bó bao đời. Không chỉ là sinh kế, nghề nuôi ong nơi đây còn là kho tàng tri thức dân gian phong phú, là biểu tượng cho triết lý sống thuận theo tự nhiên của đồng bào vùng cao. Giữa nhịp sống hiện đại, từng giọt mật vẫn thấm đẫm hương hoa rừng, nắng gió và cả hồn cốt văn hóa của dân tộc Mường.