Nghệ nhân Lưu Xuân Khuyến: Gửi gắm tình yêu quê hương và lòng tôn kính vô hạn với Bác Hồ

Đúng dịp kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5 (1890-2024), Đảng bộ, chính quyền TP Bắc Giang trang trọng tổ chức lễ khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo di tích Khán đài B (trước đây là Khán đài A) sân vận động Bắc Giang trong niềm phấn khởi của cán bộ, đảng viên cùng đông đảo nhân dân thành phố. Điểm nhấn đặc sắc trong toàn cảnh di tích là bức phù điêu gốm men nâu đơn sắc mang tên 'Bác Hồ với cán bộ và nhân dân Bắc Giang'.

Khán đài B sân vận động được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1958 - 1960 mang dấu ấn lịch sử đặc biệt: Hai trong số 5 lần về thăm tỉnh, Bác Hồ đã gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ và nhân dân Bắc Giang vào ngày 6/4/1961 và ngày 17/10/1963. Trên diện tích tổng thể hơn 2,2 nghìn m2, các hạng mục được tôn tạo, sửa chữa bao gồm: Biển di tích, cổng, cột cờ, bia đá, tường rào, cây xanh, sân, đường đi, khán đài và không gian trưng bày các di vật lịch sử. Hôm nay, đến thăm di tích, được chiêm ngưỡng bức phù điêu “Bác Hồ với cán bộ và nhân dân tỉnh Bắc Giang” du khách cảm nhận sự thiêng liêng, cùng đó là sự ấm áp, gần gũi như Bác vẫn còn đây.

 Toàn cảnh bức phù điêu "Bác Hồ với cán bộ và nhân dân Bắc Giang". Ảnh: Hoàng Tuấn.

Toàn cảnh bức phù điêu "Bác Hồ với cán bộ và nhân dân Bắc Giang". Ảnh: Hoàng Tuấn.

Kể câu chuyện lịch sử qua tác phẩm nghệ thuật

Tác giả của bức phù điêu không ai khác chính là nghệ nhân Lưu Xuân Khuyến - ông chủ “lò gốm” làng Ngòi (thôn Tân Ninh), xã Tư Mại (Yên Dũng). Lưu Xuân Khuyến (SN 1977) đã nổi tiếng lâu năm trong giới. Khi đảm nhận nhiệm vụ sáng tạo tác phẩm đặc biệt này, anh cho biết đây là niềm vinh dự và tự hào rất lớn bởi không phải ai cũng có thể được lựa chọn, là dịp bày tỏ lòng tôn kính vô hạn đối với vị Cha già của dân tộc mà anh hằng thần tượng. Phù điêu đá hay đồng đều có thể biểu đạt tốt nội dung cũng như giá trị nghệ thuật, tuy vậy đó lại không phải là những chất liệu đặc trưng của vùng đất Bắc Giang. Với công trình mỹ thuật này, anh hiểu đó là trọng trách bởi qua đây, Đảng bộ, nhân dân Bắc Giang muốn gửi gắm tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc đối với Bác.

Bức phù điêu không phải là bức tranh cổ động đơn thuần mà nó phải kể được câu chuyện lịch sử - văn hóa đặc trưng Bắc Giang, khắc họa được hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu - người mang tầm vóc vĩ nhân của thời đại song cũng vô cùng bình dị, gần gũi; phải thể hiện được tình cảm của Bác với Bắc Giang và Bắc Giang với Bác; đồng thời đòi hỏi sự công phu về yếu tố mỹ thuật, kỹ thuật.

Ngay khi đề tài được duyệt, anh đến Bảo tàng tỉnh nghiên cứu các bức ảnh của Bác, làm việc với cán bộ chuyên môn để sưu tầm sách báo, tài liệu tìm hiểu kỹ về những lần Bác về thăm Bắc Giang. Từ ý tưởng ban đầu, qua quá trình nghiền ngẫm, anh quyết định chọn thể hiện bức phù điêu đơn sắc nâu vàng. Bởi đây là màu có thể chuyển tải được hơi thở trầm sâu của miền đất trung du quê hương với bề dày lịch sử mấy nghìn năm, với lớp lang địa tầng lịch sử, văn hóa gắn với công lao trời biển của Bác và đạo đức khiêm tốn, giản dị của Người lúc sinh thời; đồng thời vẫn phải bảo đảm sự hài hòa với kiến trúc, không gian toàn cảnh của di tích.

8 tháng là thời gian kể từ khi bắt đầu mọi thủ tục cho đến khi hoàn thiện công trình với nhiều cộng sự là các nhà điêu khắc cùng hàng chục người liên tục làm việc. Từ phác thảo giấy rồi đắp nổi tạo hình (phác thảo bằng đất), qua nhiều lần chỉnh sửa, bản cuối cùng được duyệt mới chuyển chất liệu (đất), đổ khuôn.

 Nghệ nhân Lưu Xuân Khuyến tại xưởng gốm.

Nghệ nhân Lưu Xuân Khuyến tại xưởng gốm.

“Công đoạn đổ khuôn phải làm đi làm lại hai lần, riêng phần gương mặt Bác phải kỳ công đổ khuôn 4 lần cho chắc ăn với kích thước vượt khổ (80x45) để bảo đảm gương mặt của Bác liền khổ trọn vẹn, không có các vết ghép. Suốt quá trình tạo tác, đất phải được giữ ở độ ẩm tiêu chuẩn, tính toán kỹ càng tỷ lệ co ngót của phôi khi nung để gốm thành phẩm đồng đều về kích thước, độ dày. May mắn quá trình làm việc vào tiết xuân mưa phùn nên khâu giữ ẩm không quá khó khăn. Toàn bộ gần 1,7 nghìn mảnh gốm được đánh số thứ tự từ 1 cho đến mảnh cuối cùng, số lượng phôi lớn nên phải chia làm 3 mẻ lò. Vì là phù điêu đơn sắc lại chia 3 mẻ lò nên nếu thời tiết bất lợi và tay điều chỉnh nhiệt không đều, gốm thành phẩm rất dễ bị lệch tông màu”, anh Khuyến chia sẻ.

Suốt 2 tháng trời thi công trong điều kiện thời tiết giao mùa lại cùng các cộng sự dốc toàn bộ thời gian, tâm sức vào công việc; có những ngày đêm gần như quên ăn, quên ngủ, một trận ốm dài ngày làm anh sụt mất 3 kg. Để cho ra thành phẩm đủ mịn, không bị lỗi, đất nguyên liệu phải chọn lọc kỹ, làm sạch không còn một hạt sạn nhỏ. Còn nữa, gốm thành phẩm phải đều màu, các sắc thái đậm, nhạt đúng ý đồ nghệ thuật và ngôn ngữ tạo hình khi ra tác phẩm hoàn chỉnh. Nếu như các tấm phôi phải phơi, sấy đủ khô, đánh giấy ráp làm sạch (sửa sống), sau đó vẽ màu men rồi mới vào lò thì khi sản phẩm đã nung chín, ra lò, anh vẫn phải tiếp tục tự tay mài, cắt (sửa chín) để bảo đảm từng tấm một vuông vắn, gọn gàng, độ dày đồng đều, họa tiết và hình khối khớp nhau mới có thể thực hiện khâu cuối cùng hoàn thiện tác phẩm.

Bức tranh toàn cảnh về lịch sử và văn hóa Bắc Giang

Để gắn bức phù điêu diện tích 60 m2 hoàn chỉnh, 10 người làm việc liên tục trong 4 ngày. Men màu và các họa tiết sắc nét, sống động, tạo sự mới lạ, độc đáo. Với các hình tượng được sắp xếp thành lớp lang, tạo hình toàn cảnh bức phù điêu như một cuốn sách sinh động đang mở ra. Trung tâm bức phù điêu là hình tượng Bác Hồ trong bộ quần áo nâu, khoác áo kaki sáng màu quen thuộc đang nói chuyện với cán bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang. Lời huấn thị của Người tại buổi gặp: "Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công...” khi về thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân dân Bắc Giang ngày 17/10/1963 được bố trí trên cuốn thư phía trên bên phải, nhấn mạnh giá trị của sức mạnh đoàn kết trong kháng chiến và xây dựng đất nước.

Tổng thể bức phù điêu cho thấy một bức tranh toàn cảnh với đầy đủ đặc trưng của vùng đất và con người Bắc Giang mà ở đó hơi ấm và tình cảm của Người đối với cán bộ và nhân dân Bắc Giang luôn còn mãi.

Hình tượng cờ Đảng và cờ Tổ quốc ở vị trí cao nhất; hoa sen cách điệu - biểu tượng của vẻ đẹp cao quý, khiêm nhường; trống đồng Bắc Lý, sản phẩm độc đáo và tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn ở Bắc Giang (khai quật tại huyện Hiệp Hòa năm 1975 và 1995); dòng sông Thương, dãy núi Nham Biền trùng điệp, mặt trời trên núi... Ngọn bút và thanh kiếm cách điệu biểu đạt truyền thống khoa bảng, hiếu học và tinh thần quật cường, anh dũng đấu tranh, xây dựng và bảo vệ vùng đất Bắc Giang.

Xuất hiện như một điểm nhấn là cây cầu sông Thương nơi ghi dấu chân Người; cùng đó là Di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm chiến thắng Xương Giang; các tầng lớp nhân dân, công - nông - binh - trí thức, chức sắc tôn giáo đang chào đón, lắng nghe Bác nói chuyện. Hình tượng cổng làng gợi nhắc lần Bác Hồ về thăm xã Tân An (Yên Dũng); cây Dã Hương nghìn năm tuổi ở xã Tiên Lục (Lạng Giang). Ngôi chùa Vĩnh Nghiêm nơi lưu giữ 3.050 mộc bản được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng hiện hữu trong tác phẩm. Cuối cùng, không thể thiếu các công trình bề thế, hiện đại của TP Bắc Giang đang trên đà phát triển hôm nay.

Nói về tác phẩm nghệ thuật công phu này, nghệ nhân Lưu Xuân Khuyến cho biết, anh gửi gắm vào đây tâm huyết, tình yêu và niềm tự hào về quê hương, hơn hết là lòng kính yêu Bác Hồ - vị Cha già mang tâm hồn và nhân cách cao cả, vĩ đại của dân tộc. Vừa hoàn thành trọng trách, ông chủ lò gốm làng Ngòi tiếp tục hành trình đam mê sáng tạo của mình, đó là bắt tay vào phác thảo phù điêu cho Khu di tích lịch sử Khởi nghĩa Yên Thế.

Kim Hiếu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/nghe-nhan-luu-xuan-khuyen-gui-gam-tinh-yeu-que-huong-va-long-ton-kinh-vo-han-voi-bac-ho-090854.bbg
Zalo