Nghe gốm sứ 'kể chuyện'

Những ngày tháng 10, hòa trong không khí kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, đến với Không gian gốm sứ Xưa và Nay (Công ty cổ phần Sứ Bát Tràng, Hà Nội), người yêu nghệ thuật gốm sứ sẽ được chiêm ngưỡng những tác phẩm từ triển lãm 'Hồn của đất', để từ đó cảm nhận sâu sắc hơn tình cảm dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và mảnh đất 'rồng bay' nghìn năm văn hiến.

Tham quan không gian triển lãm "Hồn của đất".

Tham quan không gian triển lãm "Hồn của đất".

Vào ngày 20/2/1959, khi đến thăm làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thăm hỏi, động viên một số gia đình, cơ sở sản xuất, đồng thời căn dặn: "Làng Bát Tràng mới phải làm sao trở thành một trong những làng kiểu mẫu của nước Việt Nam mới, nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa".

65 năm đã trôi qua, nhưng lời dạy của Bác vẫn luôn là nguồn động lực to lớn để người dân làng nghề không ngừng cố gắng, nỗ lực đưa thương hiệu gốm sứ Bát Tràng nức tiếng khắp trong, ngoài nước.

Và cũng chính lời căn dặn ấy đã tạo cảm hứng để Bảo tàng Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần Sứ Bát Tràng, Hội Mỹ thuật Việt Nam cùng phối hợp thực hiện triển lãm "Hồn của đất", với hơn 300 tác phẩm nghệ thuật gốm, sứ mỹ nghệ do các nghệ nhân Bát Tràng, các họa sĩ, nhà điêu khắc tài năng sáng tác, cùng kể câu chuyện về Bác Hồ và Thủ đô Hà Nội.

Ở đó, công chúng được thưởng lãm bộ sưu tập các tác phẩm sứ men lam, sứ men nhiều màu thể hiện hình ảnh Bác Hồ về thăm Bát Tràng và chân dung Người ở nhiều thời điểm lịch sử khác nhau, như: Bình sứ khắc họa hình ảnh Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Ðộc lập; tranh sứ Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân; tranh đĩa sứ Bác Hồ ở Pác Bó; đĩa sứ Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hỏi, động viên các cháu thiếu niên, nhi đồng nhân dịp Tết Trung thu…

Ðáng chú ý, với sưu tập sứ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, người yêu Thăng Long còn được khám phá vẻ đẹp của một Hà Nội thân thương, cổ kính, thanh lịch và lãng mạn qua những tác phẩm như: Hà Nội tứ quý thể hiện cảnh sắc Hà Nội 4 mùa; tranh sứ sự kiện lịch sử 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô; các bình sứ thể hiện hình ảnh những địa danh nổi tiếng của Hà Nội: Cầu Long Biên, cầu Thê Húc, chùa Một Cột, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Ô Quan Chưởng, Khuê Văn Các, Hoàng thành Thăng Long…

Triển lãm cũng dành một góc không gian giới thiệu các tác phẩm gốm sứ có giá trị mỹ nghệ cao được các họa sĩ Hội Mỹ thuật Việt Nam thực hiện. Không chỉ là những hiện vật giàu giá trị nghệ thuật, mỗi sản phẩm còn chứa đựng những câu chuyện về văn hóa, lịch sử, chuyển tải tâm tư, tình cảm của các nghệ nhân, họa sĩ, nhà điêu khắc về ý nghĩa của hòa bình, tình yêu con người, gia đình, quê hương, đất nước.

Ðúng như nhận định của Tiến sĩ Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, mỗi tác phẩm trong Triển lãm "Hồn của đất" đều là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa phương pháp thủ công tinh xảo và khả năng sáng tạo nghệ thuật. Từ những khối đất sét thô ráp, qua bàn tay tài hoa, óc thẩm mỹ và cảm hứng sáng tác của nghệ sĩ đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật có hồn, sống động.

Tham gia triển lãm với tác phẩm gốm sành "Ước nguyện hòa bình", nghệ nhân Ngô Doãn Kinh (sinh năm 1941, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam) cho biết, đây là món quà đặc biệt ông muốn dành tặng Hà Nội-Thành phố vì hòa bình. Tác phẩm được đầu tư công phu về cả ý tưởng nghệ thuật và kỹ thuật giữ lửa, có màu lửa táp, chất men nâu truyền thống mộc mạc, sử dụng tạo hình hoa, chim bồ câu, thiếu nữ để diễn tả khát vọng hòa bình.

Gần 30 năm kinh nghiệm trong nghề, nghệ nhân Ngô Doãn Kinh chia sẻ cái khó nhất với người làm gốm mỹ thuật là phải nhìn ra được vẻ đẹp riêng của gốm và tìm được cách thể hiện vẻ đẹp đó.

Hành trình làm ra tác phẩm gốm nghệ thuật phải trải qua nhiều công đoạn thủ công, từ việc có ý tưởng tới tạo hình trên đất, rồi đem phơi nắng để tạo độ bền, cuối cùng là nung sao cho nhiệt độ phải được căn chỉnh phù hợp giúp gốm lên màu đẹp, không bị nứt vỡ. Vì thế, bên cạnh kỹ thuật, khả năng sáng tạo, không thể thiếu sự kiên trì, tỉ mỉ và cẩn trọng.

Tham quan triển lãm, hẳn ai cũng sẽ tò mò về nghệ nhân Lê Hồng Dũng (Công ty cổ phần Sứ Bát Tràng), người được gắn tên với khoảng 100 tác phẩm trưng bày về đề tài Hà Nội, trong đó có nhiều tác phẩm giàu tính hội họa, đòi hỏi sự kỳ công trong thực hiện như: Bình sứ Hà Nội tứ quý, tranh Cuốn thư "Chiếu dời đô" chất liệu sứ hoa lam, tranh sứ Giải phóng Thủ đô…

Càng bất ngờ hơn khi biết nghệ nhân sinh năm 1967 không hề học qua trường lớp chuyên nghiệp nào, tất cả đều là thành quả của quá trình nghiên cứu, làm nghề suốt hơn 30 năm qua.

Anh chia sẻ, là người con sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, tình yêu với Thủ đô cứ thế hình thành, lớn dần lên trong anh như một lẽ tự nhiên. Ðó là lý do anh luôn khao khát được kết hợp tình yêu dành cho Hà Nội và tình yêu dành cho gốm thành những tác phẩm nghệ thuật. Và 100 tác phẩm xuất hiện trong triển lãm mới chỉ là một phần trong sưu tập các tác phẩm về Hà Nội anh từng thực hiện…

Theo ông Nguyễn Tuấn Hưng, thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sứ Bát Tràng, kế thừa tinh hoa nghề truyền thống cha ông một cách có sáng tạo, gốm sứ Việt Nam đã đạt tới đỉnh cao về cả nghệ thuật và kỹ thuật, tự hào có thể sánh vai với các nước có ngành gốm sứ tiên tiến. Không chỉ phục vụ đời sống dân sinh, gốm sứ Việt Nam còn đóng góp cho trang trí nội, ngoại thất và tham gia vào các công trình kiến trúc đặc biệt. Công ty cổ phần Sứ Bát Tràng đang kỳ vọng sẽ trở thành điểm đến văn hóa thu hút du khách trong nước, quốc tế. Nơi bảo tồn, phát huy giá trị di sản gốm Việt Nam và giao lưu, học hỏi kinh nghiệm giữa các nghệ nhân, mang đến cơ hội để những người trẻ tiếp cận, tìm hiểu tinh hoa gốm Việt, tiếp tục đưa sản phẩm gốm Bát Tràng vươn ra khu vực và thế giới

Theo Baonhandan

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/nghe-gom-su-ke-chuyen-200192.html
Zalo