Nghề dệt truyền thống - sinh kế bền vững của đồng bào dân tộc thiểu số

Từ trọng tâm là sản xuất trang phục trong nội bộ dân tộc, trên nền quy trình dệt truyền thống, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã sáng tạo thêm nhiều sản phẩm mới để bán ra thị trường, tạo ra sinh kế bền vững.

Ông Mohamad vẫn luôn nặng lòng với nghề dệt truyền thống của dân tộc Chăm. Ảnh: Phương Liên

Ông Mohamad vẫn luôn nặng lòng với nghề dệt truyền thống của dân tộc Chăm. Ảnh: Phương Liên

Những người nặng lòng với nghề

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất gian khó xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, nơi đa phần dân số là người dân tộc Mông, chị Giàng Thị Say sớm gắn bó với tiếng thoi đưa lách cách nhịp nhàng trên khung dệt của bà, của mẹ. Bởi vậy, chị luôn đau đáu với ý nghĩ làm sao bảo tồn, phát huy nghề dệt truyền thống của dân tộc mình. Chị quyết định cùng với một số người tâm huyết thành lập Hợp tác xã (HTX) dệt lanh Cán Tỷ.

"Nếu như trước đây, sản phẩm thổ cẩm truyền thống của người Mông chỉ để phục vụ nhu cầu của gia đình thì nay, qua bàn tay tài hoa của chị em trong HTX, váy, áo, khăn quàng, túi đựng điện thoại... đã trở thành những vật phẩm lưu niệm được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng khi đến với cao nguyên đá. Từng bước, các thành viên HTX đã vượt ra sự tự ti, đoàn kết, vượt khó vươn lên, đóng góp ngày càng nhiều cho gia đình, xã hội, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc" - chị Giàng Thị Say chia sẻ.

Ông Mohamad, chủ cơ sở dệt thổ cẩm Châu Giang, ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang là người dân tộc Chăm. Ông chia sẻ, để làm ra những tấm thổ cẩm đẹp cần trải qua nhiều công đoạn với những bí quyết riêng, lưu truyền trong gia đình qua nhiều đời. Sản phẩm thổ cẩm do cơ sở dệt của ông Mohamad sản xuất hiện vẫn giữ được những hoa văn truyền thống tinh xảo, đặc trưng của người Chăm Islam. Đó là hoa văn hình con thoi, lồng đèn, ô vuông, cánh quạt, răng cưa, mặt trời, hoa lá... Những hoa văn đó chứa đựng quan niệm về thế giới quan, về thiên nhiên, những triết lý về đời sống, phong tục tập quán, tôn giáo của người Chăm... Nhờ lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống nên sản phẩm tiêu thụ rất thuận lợi, mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên của cơ sở dệt.

Biến di sản thành tài sản

Chị Giàng Thị Say, ông Mohamad là những người đã thành công trong việc biến di sản văn hóa của dân tộc mình thành sinh kế bền vững cho đồng bào ngay tại quê hương.

Việt Nam có 53 DTTS và trong lịch sử hàng nghìn năm, mỗi dân tộc qua quá trình lao động đã sáng tạo, chọn lọc và tích lũy nên kinh nghiệm dệt truyền thống của dân tộc mình, với những nét riêng có. Sự đa dạng đó giúp sản phẩm dệt thủ công truyền thống đứng trước cơ hội trở thành “đặc sản” trong di sản văn hóa đặc sắc của người DTTS. Vấn đề quan trọng là cần phát huy nó trở thành tài sản, tức là trở thành sinh kế bền vững, mang lại thu nhập cho đồng bào.

Bà Hà Thị Nga, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng, đồng bào DTTS vừa là người bảo tồn, lưu giữ, vừa là người trao truyền các giá trị truyền thống cho các thế hệ sau. Thực tế cho thấy, để biến di sản thành tài sản, các DTTS đã chọn cách hòa nhập, tiếp thu có chọn lọc những giá trị mới và tích hợp chúng vào văn hóa dân tộc mình.

“Chúng tôi sử dụng mạng xã hội Zalo, Facebook... để tìm đến khách hàng và bán hàng. Nhờ đó mà tổ hợp tác vẫn sản xuất bình thường ngay cả hồi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, duy trì việc làm cho 10 chị em người dân tộc Mạ, với thu nhập khoảng 6 triệu đồng/người/tháng” - chị H’Bình, Tổ trưởng Tổ hợp tác dệt thổ cẩm Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông nói.

Tuy vậy, bên cạnh sự tự thân vận động của đồng bào, cần có vai trò kiến tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ của cơ quan Nhà nước. Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới đã yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể nhân dân các cấp chú trọng “gắn kết du lịch với giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa các DTTS”. Triển khai Kết luận 65-KL/TW của Bộ Chính trị và các nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, trong đó có Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch.

Xoay quanh việc triển khai kết luận của Bộ Chính trị và chương trình mục tiêu quốc gia, ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, sẽ bám sát nguyên tắc “trao cần câu chứ không phải trao xâu cá”, nghĩa là giúp đồng bào có những kiến thức, kỹ năng để họ chủ động xây dựng, phát triển và bảo tồn văn hóa của dân tộc mình. Từ giá trị văn hóa đó gắn với phát triển du lịch cộng đồng sẽ tạo ra cơ hội để đồng bào làm giàu ngay tại quê hương.

Hiện nay, thông qua các hoạt động như: Hỗ trợ đóng mới, cải tạo, nâng cấp khung dệt; mua nguyên liệu, phụ kiện trang phục; truyền dạy kỹ năng dệt, may thổ cẩm..., các địa phương đang tích cực giúp đồng bào khôi phục nghề dệt truyền thống, nhất là với các dân tộc đang đứng trước nguy cơ cao mai một nghề này như: Dân tộc Kháng, Khơ Mú ở tỉnh Lai Châu, Điện Biên; dân tộc Ơ Đu ở tỉnh Nghệ An; dân tộc Chứt ở tỉnh Quảng Bình...

Trong bối cảnh bùng nổ nhiều phương thức giao tiếp xã hội trên các nền tảng công nghệ và phụ nữ DTTS là chủ thể chính trong bảo tồn, phát triển nghề dệt truyền thống của dân tộc, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ tiếp tục khuyến khích các mô hình tổ hợp tác, HTX có ứng dụng công nghệ 4.0 trong xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Triển khai các lớp tập huấn giúp chị em có thêm kỹ năng bán hàng online nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, để di sản văn hóa vừa là động lực, vừa là mục tiêu góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phương Liên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nghe-det-truyen-thong-sinh-ke-ben-vung-cua-dong-bao-dan-toc-thieu-so-post488037.html
Zalo