Chuyện giảm nghèo nhờ Chương trình 1719 ở nơi người Kinh là thiểu số
Một số đồng bào dân tộc không nói được tiếng Kinh, cán bộ triển khai Chương trình 1719 phải dùng tiếng Tày, Nùng để hướng dẫn...
Thu nhập tăng gấp đôi nhờ Chương trình 1719
Xã Vân Trình (huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng) có hơn 2.800 hộ dân với khoảng 60% là người Tày, Nùng, còn lại là người Dao, Kinh, Mường… Trong đó, số lượng người Kinh chỉ "đếm trên đầu ngón tay".
Đời sống vật chất và tinh thần ở đây còn nhiều khó khăn, khoảng 100 hộ dân vẫn thuộc diện hộ nghèo.
Kế sinh nhai của bà con chủ yếu dựa vào nông nghiệp thuần túy, nên chuyện làm thế nào nâng cao thu nhập luôn là “bài toán khó” đối với lãnh đạo xã miền núi.
Kể từ khi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 1719) được triển khai tại Vân Trình, lãnh đạo xã đã bớt đau đầu.

Ông Đinh Xuân Chiến, Phó chủ tịch UBND xã Vân Trình. Ảnh: Thạch Thảo
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Đinh Xuân Chiến - Phó chủ tịch UBND xã Vân Trình - cho biết từ nguồn vốn của Chương trình 1719, xã đã triển khai khá hiệu quả một số mô hình sản xuất nông nghiệp như trồng lạc, khoai lang, ngô thương phẩm…, chăn nuôi lợn, trâu, bò, gà…
Bao năm qua, người dân chỉ trồng những giống cây bản địa có năng suất, sản lượng kém, khó tiêu thụ sản phẩm vì chỉ biết mang ra chợ bán. Thu nhập bình quân của người dân nơi đây vỏn vẹn khoảng 20 triệu đồng/người mỗi năm, thậm chí còn thấp hơn.
Khi các mô hình sản xuất nông nghiệp được triển khai, xã thông qua một số kênh như Phòng Nông nghiệp, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp của huyện, doanh nghiệp liên kết… chọn những giống cây, con chất lượng tốt, năng suất cao mang về cho bà con. Nhờ sự liên kết bao tiêu của doanh nghiệp, bà con có thể tiêu thụ được hết sản phẩm với giá cả hợp lý. Thu nhập bình quân dần tăng lên mức 30-40 triệu đồng/người/năm.
“Trước khi triển khai mô hình nào, xã đều tìm hiểu nguyện vọng của bà con, tìm hiểu các giống cây trồng phù hợp thổ nhưỡng của địa phương. Đôi lúc, cán bộ xã phải xắn tay làm trước, thấy hiệu quả bà con mới nghe theo.
Đồng thời, cán bộ xã đi từng thôn xóm, vận động tuyên truyền trực tiếp hoặc thông qua những chương trình truyền thanh để bà con hiểu rõ về những loại cây con giống mới; tập huấn cách làm cho bà con theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Tất cả những nỗ lực, cố gắng đó cũng chỉ vì muốn người dân địa phương từng bước xóa đói giảm nghèo” - ông Chiến chia sẻ.
Với một xã miền núi như Vân Trình, quá trình đưa Chương trình 1719 vào thực tiễn không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc.
Ví dụ như một số bà con chưa hiểu hết ý nghĩa, nội dung Chương trình 1719, nhiều lúc còn ỷ lại, hoàn toàn trông chờ nhà nước hỗ trợ. Cán bộ xã cũng chưa có nhiều tài liệu, kiến thức để phổ biến kinh nghiệm, cách làm hay cho bà con...
“Đặc thù của Vân Trình là một xã thuần nông. Chúng tôi rất mong thời gian tới, cấp trên tiếp tục xem xét, hỗ trợ những giống năng suất cao, hợp thổ nhưỡng địa phương, mở rộng bao tiêu sản phẩm cho bà con được giá tốt và ổn định.
Mặt khác, trong bối cảnh xã còn nhiều khó khăn trong chuyển đổi số nông nghiệp, đề nghị cấp trên hỗ trợ máy móc, thiết bị và tập huấn thêm cho chúng tôi về cách làm việc đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số” - ông Chiến bày tỏ.
Cần tăng cường công tác kiểm tra giám sát tại cơ sở
Đưa chúng tôi đi tham quan thực tế một số mô hình kinh tế tiêu biểu tại xã Vân Trình, bà Nông Thị Điềm - chuyên viên Phòng Nông nghiệp huyện Thạch An - cho hay Chương trình 1719 hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, giúp người dân nâng cao kiến thức sản xuất, tăng thu nhập.
Trong giai đoạn 2021-2024, Phòng Nông nghiệp được giao nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đơn vị đã phối hợp với UBND các địa phương triển khai nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt.

Nuôi trâu bò sinh sản là một trong những mô hình được người dân và chính quyền địa phương đánh giá cao. Ảnh: Thạch Thảo
Một số mô hình nổi bật, được người dân và chính quyền địa phương hưởng ứng, đánh giá cao là chăn nuôi trâu bò sinh sản, lợn nái, hỗ trợ chăm sóc cây hồi...
Mặc dù được các cấp chính quyền địa phương ủng hộ và đồng hành, song bà Điềm cũng cho biết còn không ít khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai Chương trình 1719 tại cơ sở.
Chẳng hạn, địa bàn triển khai rộng, giao thông không thuận lợi gây khó khăn cho đơn vị triển khai và quản lý Chương trình. Người dân sống rải rác ở địa hình đồi núi phức tạp, nên nhiều lúc cán bộ mất khá nhiều thời gian mới cập nhật được thông tin cần thiết tới các hộ dân ở xa ủy ban xã. Không ít người dân không có mạng Internet, máy tính nên công tác tuyên truyền, vận động còn hạn chế...
Theo bà Điềm, một trong những kinh nghiệm hay giúp địa phương đạt kết quả đáng khích lệ khi triển khai Chương trình 1719 thời gian qua chính là sự sáng tạo, linh hoạt, chủ động, vận dụng hiệu quả những yếu tố truyền thống để bà con "dễ nghe, dễ hiểu, dễ làm theo".
“Ở đây có nhiều dân tộc thiểu số đang sinh sống. Một số bà con không nói được tiếng Kinh, và phổ biến là tiếng Tày. Vậy nên, cán bộ ở địa phương phải dùng tiếng Tày khi tiếp xúc với bà con thì mới đạt hiệu quả tuyên truyền” - bà Điềm cho biết.
Để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả Chương trình 1719, bà Điềm đề xuất thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra giám sát tại cơ sở; có thể phối hợp với cả cấp xóm để tiếp cận, hỗ trợ người dân và đánh giá sát sao hơn hiệu quả của những mô hình sản xuất nông nghiệp đang triển khai.