Nghề dancer: Để sống được với đam mê là một hành trình đầy thử thách
Phía sau những bước nhảy cuốn hút trên sân khấu của dancer là vô vàn giờ luyện tập cật lực và không ít những lần đau âm ỉ cả thể xác lẫn tâm hồn. Để sống được với nỗi đam mê đó là một hành trình đầy thử thách…

Để sống được với nỗi đam mê đó là một hành trình đầy thử thách. Ảnh: Huy - Khánh
Nghề dancer ở Việt Nam ngày càng phát triển với nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn. Các sân khấu, vị trí nghề nghiệp cũng đa dạng và có nhiều sự lựa chọn hơn như các chương trình, cuộc thi về nhảy múa chuyên nghiệp hay trở thành vũ công cho các phần biểu diễn của ca sĩ.
ĐAM MÊ NGHỆ THUẬT NHƯNG VẪN PHẢI ĐỐI MẶT VỚI BA NỖI LO
Trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động, giới trẻ đam mê nghệ thuật, đặc biệt là bộ môn nhảy múa – đang phải đối mặt với khá nhiều vấn đề trong cuộc sống. Đó là: (i) bài toán về tài chính cá nhân; (ii) định kiến xã hội; (iii) chấn thương trong khi thực hiện các động tác nhảy khó. Làm sao cân bằng giữa cảm hứng sáng tạo và những áp lực trên không chỉ là câu chuyện cá nhân, mà còn phản ánh một xu hướng xã hội của lớp trẻ mà chúng ta cần lưu tâm.
Trong xã hội đề cao sự sáng tạo, nhiều bạn trẻ chọn nghệ thuật làm con đường thể hiện bản thân. Tuy nhiên, giữa đam mê và nhu cầu tài chính ổn định - vấn đề quan trọng nhất - đã làm không ít bạn trẻ phải đứng trước ngã ba đường, bởi thù lao cho một bài diễn chỉ khoảng 800.000 đồng/người. Chưa kể, không ít phụ huynh coi nhảy múa là hoạt động giải trí chứ không phải nghề nghiệp nghiêm túc.

Các bạn trẻ tranh thủ buổi tối, cuối tuần để luyện tập, dạy học, hoặc quay clip... Ảnh: Huy - Khánh
Điều này khiến nhiều bạn trẻ vừa muốn theo đuổi đam mê nhưng phải đi làm văn phòng để “ổn định”. Họ tranh thủ buổi tối, cuối tuần để luyện tập, dạy học, hoặc quay clip – một cuộc sống hai mặt đầy áp lực nhưng vẫn giữ lửa sáng tạo.
Nghề nào cũng có “tai nạn nghề nghiệp”, nhưng với dancer, rủi ro chấn thương xảy ra thường xuyên hơn ta tưởng. Mai L., sinh viên năm tư Học viện Ngân hàng kiêm dancer bán chuyên, đã phải dừng biểu diễn một thời gian vì chấn thương đầu gối. Với chấn thương nghiêm trọng thì sẽ không có thu nhập. Chấn thương không chỉ lấy đi cơ hội biểu diễn mà còn ảnh hưởng đến tinh thần, sự tự tin của các dancer trẻ.
Với nhiều người, dancer chỉ là nghề “phụ”, là một trải nghiệm tuổi trẻ. Nhưng với sự chuyên nghiệp hóa ngày càng cao, nghề này hoàn toàn có thể trở thành công việc chính khi bạn trẻ có đủ đam mê, nghiêm túc và kiên định.
Về thu nhập, một dancer chuyên nghiệp hiện chỉ có thể nhận mức thù lao từ 600.000 – 700.000 đồng mỗi bài diễn kéo dài năm phút nhưng phải mất tới hàng giờ luyện tập, tổng duyệt, đầu tư trang phục, makeup và cả việc di chuyển giữa các sân khấu. Mức thu nhập này không hề hấp dẫn. Mặc dù vậy, vẫn không ít bạn trẻ đã thành công vì niềm đam mê này.
NGHỆ THUẬT VÀ “CƠM ÁO GẠO TIỀN” KHÔNG CÒN LÀ HAI THẾ GIỚI TÁCH BIỆT
Khi được hỏi về yếu tố then chốt để thành công, anh Ngô Quang Hiệp (nickname Bắp) chia sẻ:“Đam mê là điều kiện cần, nhưng để sống lâu với nghề thì phải cực kỳ chăm chỉ và luôn tìm tòi cái mới. Phong cách biểu diễn thay đổi nhanh, nếu mình đứng yên là sẽ bị vượt qua ngay".

Ngô Quang Hiệp trong một buổi tập luyện. Ảnh: Huy - Khánh
Anh Hiệp hiện đang giảng dạy tại trung tâm 1m48.class, cũng bén duyên với nghề từ thời sinh viên. Xuất phát điểm không có điều kiện học các lớp bài bản, anh tự mày mò qua nhóm nhảy, học hỏi phong cách làm việc, luyện tập đều đặn suốt 3 năm để tìm ra hướng đi riêng. Đến năm 2022, tên tuổi của anh bắt đầu được biết đến rộng rãi. Hiện anh sở hữu hơn 10 lớp học mỗi tuần, thu nhập ổn định, đủ trang trải cho bản thân và hỗ trợ gia đình.
Còn chị G., một cựu sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tốt nghiệp loại giỏi khoa Quan hệ quốc tế, là một dancer đã có 9 năm tập luyện, cho biết: “Ban đầu mình chỉ coi nhảy là một trải nghiệm cho vui, ai ngờ cái duyên giờ lại dẫn mình đi xa đến vậy”. Bây giờ chị G. vẫn đang theo đuổi con đường biểu diễn nhảy chuyên nghiệp kết hợp với huấn luyện, giảng dạy. Chị cho biết dancer là nghệ sĩ biểu cảm bằng cơ thể. Mỗi chuyển động đều mang một thông điệp, mỗi ánh mắt hay nụ cười là cầu nối với khán giả. Sự chuyên nghiệp, kỷ luật và sáng tạo là điều giúp họ tồn tại và phát triển.
Bàn về thu nhập nuôi đam mê, chị G. tâm sự: “Thời gian đầu thu nhập rất thấp, chỉ khoảng 3–4 triệu đồng/tháng. Chỉ vào thời điểm cuối năm, Tết đến, các doanh nghiệp tổ chức sự kiện Year End Party thì kiếm được nhiều tiền hơn, có thể lên tới 40- 50 triệu đồng. Thời sinh viên còn phải cân đối giữa học và làm nên khó khăn hơn rất nhiều. Nhưng do vì thích và thấy mình hợp với môi trường này, nên mình quyết định đi lâu dài”.

Dancer Nguyễn Đức Dương (Zuky). Ảnh: Huy - Khánh
Nói về niềm đam mê, anh Nguyễn Đức Dương (Zuky), dancer có hơn 10 năm kinh nghiệm và là giám khảo tại nhiều giải đấu, chia sẻ: “Tôi gộp cả đam mê và công việc vào một. Sau nhiều năm kiên trì, tôi đã mở được studio riêng, nơi vừa kết nối cộng đồng, vừa tạo thu nhập ổn định. Bí quyết là quản lý thời gian và có kế hoạch rõ ràng. Một ngày có 24 tiếng, mình có thể dành 1–2 tiếng mỗi ngày cho đam mê, duy trì đều đặn 5 năm là có thể đạt trình độ tốt”.
Nghệ thuật và “cơm áo gạo tiền” không còn là hai thế giới tách biệt. Giới trẻ hiện nay đang chứng minh rằng nếu có đủ đam mê, nỗ lực và chiến lược đúng đắn, hoàn toàn có thể vừa sống với nghệ thuật, vừa sống được từ nghệ thuật.