Nghệ An yêu cầu điều chỉnh chi tiết nguồn vốn 33 dự án đầu tư công

Sở Tài chính tỉnh Nghệ An vừa có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư của 33 dự án sử dụng ngân sách tỉnh khẩn trương rà soát, điều chỉnh chi tiết cơ cấu nguồn vốn, nhằm đảm bảo tính minh bạch, hợp lý trong quản lý đầu tư công...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sở Tài chính Nghệ An vừa ban hành văn bản gửi các chủ đầu tư của 33 dự án sử dụng ngân sách tỉnh, đề nghị rà soát và điều chỉnh chi tiết từng nguồn vốn trong cơ cấu tài chính.

Động thái này nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế đã được phân bổ từ năm 2024 và tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn lực công.

Trước đó, ngày 16/12/2024, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 3468/QĐ-UBND phân bổ tổng số vốn 297,059 tỷ đồng từ nguồn thu tiền sử dụng đất cho 33 dự án.

Việc phân bổ được thực hiện dựa trên đề xuất của các cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình đầu tư công trọng điểm.

Danh mục các dự án được phân bổ vốn bao phủ nhiều lĩnh vực, từ giao thông, giáo dục, văn hóa đến hạ tầng đô thị và hành chính. Nhiều dự án mang tính cấp thiết và có tác động lan tỏa đối với phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương miền núi, vùng sâu vùng xa.

Cụ thể, một số dự án lớn được bố trí vốn gồm: Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản Dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh (30 tỷ đồng); đường liên xã Tây Sơn – Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn (25 tỷ đồng); Trường THPT Đô Lương I (25 tỷ đồng); xây dựng cầu vượt lũ xã Châu Kim, Quế Phong (20 tỷ đồng); và cầu Pha Lài tại xã Môn Sơn, Con Cuông (20 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, các dự án nâng cấp hạ tầng giáo dục như Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Vinh), THPT Lê Hồng Phong (Hưng Nguyên), THPT Tây Hiếu (TX Thái Hòa) cũng nhận được nguồn đầu tư đáng kể, dao động từ 4 đến 10 tỷ đồng mỗi dự án. Một số công trình phục vụ quản lý nhà nước, cải tạo trụ sở làm việc và bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa cũng nằm trong danh sách này.

Theo hướng dẫn của Sở Tài chính, các chủ đầu tư cần xác định rõ và phân loại chi tiết từng nguồn vốn trong tổng ngân sách tỉnh đã được bố trí cho dự án. Trong đó, phải ghi rõ từng khoản cụ thể như: nguồn tăng thu ngân sách, khoản tiết kiệm chi, nguồn vốn trung ương bổ sung có mục tiêu, kinh phí bồi thường – hỗ trợ giải phóng mặt bằng…

Đối với phần vốn ngân sách tỉnh chưa được bố trí, cần thống nhất điều chỉnh thành “nguồn ngân sách tỉnh ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn”. Yêu cầu này nhằm đảm bảo sự minh bạch trong việc quản lý nguồn lực tài chính công, đồng thời là căn cứ để các cấp có thẩm quyền thực hiện điều chỉnh quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án.

Việc xác định cụ thể từng nguồn vốn không chỉ giúp tăng tính minh bạch, mà còn hỗ trợ kiểm soát rủi ro trong thực hiện dự án, đặc biệt là các dự án có thời gian kéo dài, hoặc cần vốn đối ứng từ nhiều nguồn.

Đây không phải là lần đầu tiên tỉnh Nghệ An yêu cầu rà soát, điều chỉnh cơ cấu vốn đầu tư công. Trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công như một đòn bẩy kích thích tăng trưởng kinh tế, tỉnh Nghệ An đặt trọng tâm vào quản lý chặt chẽ nguồn vốn, bảo đảm phân bổ hợp lý và kịp thời.

Việc xác định rõ ràng từng dòng vốn là điều kiện tiên quyết để bảo đảm sự phù hợp giữa nhu cầu đầu tư và khả năng cân đối ngân sách. Điều này cũng góp phần tránh tình trạng dàn trải nguồn vốn, thiếu hiệu quả hoặc sử dụng sai mục đích.

Trong nhiều năm gần đây, Nghệ An là địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tương đối cao trong khu vực Bắc Trung Bộ. Tuy nhiên, việc điều chỉnh chi tiết các nguồn vốn cho thấy tỉnh đang hướng đến quản lý đầu tư công ngày càng hiệu quả hơn.

Sở Tài chính yêu cầu các chủ đầu tư chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan để hoàn thiện thủ tục điều chỉnh, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trong thời gian sớm nhất, tránh ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực tế.

Nguyễn Thuấn

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nghe-an-yeu-cau-dieu-chinh-chi-tiet-nguon-von-33-du-an-dau-tu-cong.htm
Zalo