Nghệ An với kỳ tích thu hút vốn FDI
Từ một địa phương được đánh giá là 'vùng trũng' trong thu hút đầu tư, Nghệ An nay đã xếp vào top 10 địa phương thu hút vốn FDI cao nhất cả nước. Kết quả thu hút FDI của giai đoạn này không chỉ là thành quả từ sự chuẩn bị của giai đoạn trước mà còn tác động tích cực đến những giai đoạn tiếp theo.
Top đầu của cả nước về thu hút vốn FDI
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố số liệu về tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài năm 2024. Theo đó, Nghệ An đã thu hút được 1,7496 tỷ USD vốn FDI, tăng 8,8% so với năm 2023.
Trong đó, tỉnh đã cấp mới 19 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 867,8 triệu USD, điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 14 dự án với tổng số vốn 881,76 triệu USD và ghi nhận 2 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị 0,04 triệu USD.
Trước đó, năm 2023 Nghệ An lần đầu tiên thu hút vốn FDI vượt mốc 1 tỷ USD, đạt 1,603 tỷ USD, tăng 66,8% so với năm 2022, xếp thứ 8 trong các tỉnh, thành phố trên cả nước. Năm 2022, Nghệ An đã thu hút được 961,3 triệu USD, lần đầu tiên lọt vào top 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước. Lũy kế đến hết năm 2024, trên địa bàn tỉnh có 169 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 5,686 tỷ USD.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, năm 2024 các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 56 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 5,12 tỷ USD; Hải Phòng đứng thứ 2 với hơn 4,94 tỷ USD; TP. Hồ Chí Minh đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3,04 tỷ USD.
Các địa phương xếp trên Nghệ An còn có Quảng Ninh đứng thứ 4 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,87 tỷ USD; Hà Nội đứng thứ 5 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,16 tỷ USD; Bình Dương đứng thứ 6 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,95 tỷ USD; Đồng Nai đứng thứ 7 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,88 tỷ USD.
Hiện, có nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư FDI lớn vào Nghệ An. Trong đó có thể kể đến như, Hồng Kông (Trung Quốc) với 1,925 tỷ USD, tiếp theo là Trung Quốc 1,313 tỷ USD, Singapore 1,097 tỷ USD, Đài Loan 625,65 triệu USD, Thái Lan 185,03 triệu USD, Nhật Bản 145,11 triệu USD, Hàn Quốc 114,86 triệu USD, Ấn Độ 28 triệu USD…
Đáng chú ý, trong số các nhà đầu tư FDI vào Nghệ An, có nhiều “ông lớn” mang thương hiệu quốc tế như Foxconn, Goertek, Everwin, JuTeng, Luxshare ICT… Đây đều là các thương hiệu mạnh, uy tín lớn, có hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, thân thiện với môi trường và nghiêm túc tuân thủ pháp luật quốc tế cũng như pháp luật của nước sở tại.
Cùng với dòng vốn đầu tư, các doanh nghiệp FDI đã mang đến Nghệ An công nghệ tiên tiến, dây chuyền sản xuất hiện đại cùng các mô hình quản lý mới. Điều này, không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước mà còn tạo cơ hội chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại địa phương.
Thành công từ 5 “sẵn sàng”
Từ một địa phương được đánh giá là “vùng trũng” trong thu hút đầu tư, Nghệ An nay đã xếp vào top 10 địa phương thu hút vốn FDI cao nhất cả nước. Kết quả thu hút FDI của giai đoạn này không chỉ là thành quả từ sự chuẩn bị của giai đoạn trước mà còn sẽ tác động tích cực đến những giai đoạn tiếp theo.
Theo ông Nguyễn Đức Trung, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, bài học kinh nghiệm trong thu hút đầu tư là lãnh đạo, chỉ đạo phải có trọng tâm, trọng điểm, có sự thống nhất từ trên xuống; nhận định đúng tình hình, đặt ra mục tiêu chính xác và có các giải pháp cụ thể để triển khai. Ngoài ra, công tác xúc tiến đầu tư cần được đổi mới, từ tiếp cận diện rộng sang tiếp cận có trọng điểm, tập trung vào các nhà đầu tư lớn, đặc biệt thông qua các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp để xúc tiến đầu tư. Việc điều chỉnh giá thuê đất trong các khu công nghiệp cũng được thực hiện để hỗ trợ các nhà đầu tư…
Song song, với việc thay đổi cơ chế, giải pháp nhằm thu hút đầu tư, Nghệ An cũng chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư. Đến nay, tỉnh đã thành lập mới 3 khu công nghiệp với tổng diện tích 1.099,56 ha, bao gồm: Khu công nghiệp Hoàng Mai I, Khu công nghiệp Thọ Lộc giai đoạn 1 (500 ha), và Khu công nghiệp Hoàng Mai II (334,79 ha)…
Đặc biệt, để mời gọi các nhà đầu tư chiến lược đến sản xuất kinh doanh, Nghệ An đã chuẩn bị “5 sẵn sàng” gồm: Quy hoạch, hạ tầng kết nối, mặt bằng sạch, nguồn nhân lực và hỗ trợ thủ tục hành chính. Đây là thông điệp mạnh mẽ khẳng định cam kết của lãnh đạo tỉnh đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trong thời gian tới, để đẩy mạnh thu hút vốn FDI, Nghệ An sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư; tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, khó khăn trong đầu tư, sản xuất kinh doanh. Tỉnh cũng sẽ huy động mọi nguồn lực để mở rộng thu hút đầu tư, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư như mở rộng mặt bằng khu công nghiệp, đầu tư hạ tầng chiến lược như cảng biển, sân bay, hạ tầng năng lượng.
Bên cạnh đó, Nghệ An cũng chú trọng thu hút các dự án FDI sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, ít sử dụng đất đai và lao động. Đồng thời, doanh nghiệp trong nước cũng được khuyến khích tham gia chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp FDI, qua đó thúc đẩy chuyển giao công nghệ và tăng cường nội địa hóa.