Nghệ An: Nhiều hiệu trưởng băn khoăn khi trường dừng dạy thêm, học thêm

Hiện nay, một số trường học ở Nghệ An đã dừng dạy thêm, học thêm theo tinh thần Thông tư 29, trong khi đó một số trường vẫn mong đợi chỉ đạo của ngành giáo dục tỉnh này.

Nhiều trường ở Nghệ An tạm dừng dạy thêm, học thêm, nhiều hiệu trưởng băn khoăn

Nhiều trường ở Nghệ An tạm dừng dạy thêm, học thêm, nhiều hiệu trưởng băn khoăn

Vừa làm vừa "ngóng" chỉ đạo

Trao đổi với PV, bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Vinh cho biết, hiện các trường vẫn tiếp tục dạy học bình thường đến ngày 14/2, khi Thông tư 29 có hiệu lực. "Chúng tôi vẫn đang chờ văn bản hướng dẫn cụ thể từ UBND tỉnh và Sở GD&ĐT để ban hành văn bản chi tiết tới các trường", bà Hoàng Phương Thảo nói.

Giờ học của một trường THPT tại TP Vinh.

Giờ học của một trường THPT tại TP Vinh.

Sau Tết, phần lớn các trường THCS tại TP Vinh đã ngừng dạy thêm. Lãnh đạo nhiều trường cho biết, việc này nhằm thực hiện Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm. Việc tổ chức dạy thêm cho học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi hoặc học sinh cuối cấp vẫn chưa có phương án cụ thể vì đang chờ hướng dẫn.

Tại bậc THPT, nhiều trường sẽ dừng dạy thêm, học thêm trong tuần này. Ông Lưu Công Lĩnh, Hiệu trưởng Trường THPT Thái Hòa (TX Thái Hòa) cho biết, nhà trường đã bàn về việc kêu gọi giáo viên tình nguyện dạy miễn phí cho học sinh lớp 12. "Việc kêu gọi giáo viên dạy miễn phí không dễ dàng. Chúng tôi bàn bạc kỹ lưỡng trong chi bộ trước khi đưa ra quyết định. Trước mắt sẽ vận động các thầy cô dạy lớp 12", ông Lĩnh cho biết.

Về việc dừng dạy thêm, học thêm, ông Lĩnh thừa nhận sẽ gặp khó khăn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, ông Lĩnh cũng cho rằng việc thực hiện Thông tư 29 là phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, với mục tiêu "định hướng và phát huy năng lực tự học của học sinh, đồng thời nâng cao chất lượng các tiết dạy học".

Trước mỗi mùa thi, các trường học ở nhiều huyện miền núi Nghệ An vẫn dạy miễn phí cho học sinh sau các buổi chính khóa.

Trước mỗi mùa thi, các trường học ở nhiều huyện miền núi Nghệ An vẫn dạy miễn phí cho học sinh sau các buổi chính khóa.

Trong khi đó, Trường THPT Quế Phong (huyện miền núi Quế Phong) quyết định tiếp tục tổ chức dạy thêm miễn phí cho học sinh chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT, dù Thông tư 29 có hiệu lực từ 14/2. Ông Nguyễn Hồng Tư, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quế Phong cho biết, do đặc thù vùng cao, nhiều học sinh khó khăn, giáo viên sẵn sàng dạy miễn phí cả buổi chiều và tối. "Nhà trường điều chỉnh lịch học, giảm số tiết buổi sáng từ 5 xuống 4, chuyển một số môn như thể dục, hoạt động trải nghiệm sang chiều. Mục đích là giúp học sinh có thời gian nghỉ thứ 7 và thuận tiện cho những em ở xa", ông Tư nói.

Tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Mường Lống, Hiệu trưởng Lô Khăm Phu cho biết, trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, buổi sáng dạy chính khóa và buổi chiều phụ đạo miễn phí cho học sinh. Nhà trường không thu tiền dạy thêm, học thêm, vì vậy Thông tư 29 không ảnh hưởng đến hoạt động giảng dạy.

Đến hiện tại, nhiều trường học ở tỉnh Nghệ An đã thông báo tạm dừng dạy thêm, học thêm, chờ hướng dẫn cụ thể từ UBND tỉnh và Sở GD&ĐT.

Nhiều băn khoăn

Ngay sau khi Thông tư 29 có hiệu lực vào ngày 14/2, các trường sẽ siết chặt hơn nữa chất lượng dạy học ở các tiết học chính khóa, tăng cường hướng dẫn về việc tự học cho học sinh ở nhà. Với học sinh cuối cấp, nhà trường sẽ bàn phương án để tổ chức dạy học miễn phí với thời lượng theo như quy định.

Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT về quản lý dạy thêm, học thêm của Bộ GD&ĐT nêu rõ các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm trong nhà trường gồm: không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

Đến hiện tại, nhiều trường học ở tỉnh Nghệ An đã thông báo tạm dừng dạy thêm, học thêm, chờ hướng dẫn cụ thể từ UBND tỉnh và Sở GD&ĐT.

Đến hiện tại, nhiều trường học ở tỉnh Nghệ An đã thông báo tạm dừng dạy thêm, học thêm, chờ hướng dẫn cụ thể từ UBND tỉnh và Sở GD&ĐT.

Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Cùng với đó, thông tư quy định 3 đối tượng được dạy thêm học thêm trong trường nhưng không thu tiền gồm: học sinh có kết quả học tập chưa đạt, học sinh được chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh ôn cuối cấp và với đối tượng nào thì việc dạy thêm cũng không quá 2 tiết/tuần.

"Khi nào thông tư có hiệu lực thì nhà trường sẽ thực hiện. Hiện tại trường vẫn tổ chức học bình thường do nhu cầu của phụ huynh. Một số phụ huynh đang rất lo lắng vì buổi chiều không ai quản lý nếu như nghỉ học buổi chiều.

Các thầy cô lớp 9 đã phân đủ các tiết dạy nhưng nếu không có bồi dưỡng sẽ khó khăn. Ngân sách có hạn và đã phân bổ từ đầu. Bây giờ chi trả cho các thầy cô tiền thừa giờ sẽ rất lớn. Đây là băn khoăn của người quản lý. Hiện tại chưa có hướng dẫn của Sở GD-ĐT và Phòng GD-ĐT nên chúng tôi đang chờ đợi chỉ đạo", một hiệu trưởng tại TP Vinh cho biết.

Sau Tết, phần lớn các trường THCS tại TP Vinh đã ngừng dạy thêm.

Sau Tết, phần lớn các trường THCS tại TP Vinh đã ngừng dạy thêm.

Bà Trần Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Hải Hòa (TP Vinh) cho biết, trường quyết định tạm dừng các lớp học thêm từ sau Tết. Theo bà Hương, đây là thời điểm bắt đầu học kỳ II, nếu tiếp tục dạy thêm đến 14/2 rồi dừng thì không hiệu quả. Một số trường khác ở thành phố cũng đưa ra quyết định tương tự.

Ngay từ đầu năm học, Trường THCS Hải Hòa đã xây dựng khung kế hoạch cho cả năm, nhưng vì Thông tư 29, trường phải điều chỉnh lại kế hoạch học tập cho học kỳ II.

Bà Hương cho rằng, việc dừng dạy thêm vào thời điểm này sẽ gây khó khăn, nhất là đối với học sinh cuối cấp. Dù là trường thuộc TP Vinh, Trường THCS Hải Hòa lại nằm khá xa trung tâm và không có trung tâm dạy thêm trên địa bàn. Học sinh của trường thường học thêm tại nhà với giáo viên trong trường. Bà cho rằng, nếu không tổ chức dạy thêm, phụ huynh và học sinh sẽ gặp khó khăn, đặc biệt là khi học phí ngoài trường có thể chênh lệch từ 30.000 - 40.000 đồng mỗi buổi.

Về quy định nhà trường không được thu tiền học thêm của học sinh, hiệu trưởng các trường phổ thông ở Nghệ An đều băn khoăn đặt ra câu hỏi: Nếu không thu tiền thì trường lấy nguồn nào để trả công giáo viên? Giáo viên đi dạy không có thù lao, liệu có bảo đảm chất lượng?

Liên quan đến vấn đề này, Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn về hoạt động dạy thêm, học thêm.

"Hiện nay, bộ phận chuyên môn đang nghiên cứu Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm và chuẩn bị nội dung văn bản tham mưu cho UBND tỉnh. Sau đó, Ban Giám đốc Sở sẽ xem xét và hoàn thiện văn bản để trình UBND tỉnh quyết định", TS. Nguyễn Văn Khoa, Phó Giám đốc sở GD&ĐT Nghệ An cho biết.

Hoàng Trinh

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nghe-an-nhieu-hieu-truong-ban-khoan-khi-truong-dung-day-them-hoc-them-172250212094420442.htm
Zalo