Ngày Xuân thưởng trầm

Ngày Xuân, đốt một nén nhang trầm với mùi hương thoang thoảng, hẳn không phải riêng tôi mà bất kỳ ai cũng sẽ thấy lòng tĩnh tại và an nhiên. Nghe thêm những câu chuyện về trầm, càng thấy thú chơi trầm có nhiều điều thú vị…

1. Quê tôi ở vùng đất học Nam Định. Người nơi đây cho đến nay vẫn tự hào bởi truyền thống khoa bảng, mỗi năm sản sinh ra hàng chục cử nhân, thạc sĩ và cả tiến sĩ. Có truyền thống là vậy, thế nên cứ độ 23 tháng Chạp, ngày cúng đưa ông Công, ông Táo lên trời, trong nhà ngoài ngõ lại tấp nập chuẩn bị cho Tết. Hàng xóm ghé thăm nhau và còn có cả những người con phương trưởng có gốc tích từ làng tìm về thăm thầy hoặc thắp hương cho từ đường dòng họ.

Những khi ấy, tôi lại thấy phảng phất mùi thơm thanh khiết của hương trầm. Mùi hương ấy trở thành một tín hiệu báo cho mọi người rằng Tết đã cận kề. Đến chiều 30 Tết, khi nhà nhà nghi ngút khói hương trong lễ cúng đón rước tổ tiên thì mùi hương trầm càng dâng lên, lan rộng... Từ lúc đó trở đi, hương trầm được thắp liên tục trong ba ngày Tết.

Ngày nay, trầm càng trở nên có giá trị, người chơi trầm cũng nhiều. Ảnh: P.T

Ngày nay, trầm càng trở nên có giá trị, người chơi trầm cũng nhiều. Ảnh: P.T

Tôi cũng thắp trầm, tìm đến mùi hương thánh khiết ấy phần vì Tết, phần cũng vì nhớ cha. Mấy Tết còn hơi trầm mà không còn cha. Có đôi lần, dường như tôi thấy khói trầm tôi hít vào còn có vị mặn của nước mắt chảy ra từ tim. Những lúc ấy, tôi cứ ngẩn ra mà nhớ. Mắt tôi cứ nhòe đi và tưởng tượng cha sẽ về trong lãng đãng khói trầm. Hương trầm lại cho cha con mình gặp nhau, cha nhỉ? Con mong mỏi được gặp lại một hình dung của cha, dù chỉ thoáng qua thôi cũng được...

Tôi nhớ cha tôi. Hồi những ngày cha còn, những khi ấy Tết đến thật vui. Những chiều 30 Tết, cha khăn áo chỉnh tề, bưng mâm cỗ cúng trịnh trọng dâng lên bàn thờ, thắp hương. Không biết cha khấn khứa những gì, chỉ biết người đứng chắp tay rất lâu, nét mặt nghiêm trang. Khi ấy, khói hương lẩn khuất, mùi hương thơm dìu dịu bay khắp nhà.

Sau này, có lần cha bảo với tôi rằng, khi thắp trầm đó là lúc nhà ta chính thức ăn Tết, phải mời ông bà, tổ tiên về đoàn viên với gia đình, con cháu để tỏ tấm lòng biết ơn với những người đã sinh thành, dưỡng dục mình. Làm người thì không được quên nguồn cội…

Quanh năm suốt tháng tất bật với những lo toan bộn bề của cuộc sống, chẳng mấy khi có thời giờ mà ngẫm ngợi, nhớ nhung. Cho nên ngày cuối năm, khói hương trên bàn thờ khiến hồn tôi lắng lại, cho tôi được sống với những kỷ niệm êm đềm, những yêu thương ấm áp. Bao nhiêu ưu tư, phiền muộn bỗng tan biến hết. Nhờ hương trầm mà lòng tôi như trẻ lại, nhẹ nhõm, thanh thản.

2. Tôi biết đến một nơi chuyên sản xuất và kinh doanh những mặt hàng từ trầm mang tên Trúc Lâm Quán Tuệ (hay còn gọi là Trầm Tuệ). Bên chén trà Xuân, anh Phạm Văn Ngọc (Giám đốc kinh doanh Trầm Tuệ) bảo tôi, trầm hương là vị hương đứng đầu, chủ vị của 18 loại thần hương. Trầm cũng có nhiều loại, giá trị tùy thuộc hàm lượng dầu, màu sắc, hương vị, hình dáng, trọng lượng, xuất xứ…

Người Á đông luôn quan niệm trầm có khả năng thu hút linh khí của trời đất, tẩy uế, trừ tà. Đặt trầm trong nhà, cửa hàng, cửa hiệu sẽ mang lại sinh khí, điềm lành, mua may bán đắt, thịnh vượng.

Không chỉ vậy, trong y học, trầm có tác dụng như một vị thuốc quý, chữa nhiều bệnh hiểm nghèo. Chính vì những đặc tính ấy, người Á đông rất thích chơi trầm, quý trầm. Hơn hết, truyền thống của người Việt là thắp hương thờ cúng ông bà, tổ tiên. Trước thực trạng các loại hương nhang hóa chất gây ra nhiều tác hại đến sức khỏe con người và môi trường sống, mô hình sản xuất hương trầm không hóa chất là hướng đi đúng, theo xu thế của thời đại của Trầm Tuệ. Và Trầm Tuệ luôn quyết tâm xây dựng và phát triển kinh doanh các mặt hàng, trong đó có sản xuất nhang trầm theo hướng này.

Theo lời anh Ngọc, trong bối cảnh thị trường tràn ngập hương hóa chất, Trầm Tuệ quyết tâm phải đầu tư vào vùng nguyên liệu, nghiên cứu về giống cây dó bầu cũng như đầu tư vào kỹ thuật và công nghệ tạo trầm tự nhiên. Tuy nhiên, do vòng đời sản phẩm từ khi là cây con đến khi đủ tuổi khai thác trầm khoảng 15 năm, tỷ lệ cho trầm là 1%. Nghĩa là 100kg cây khai thác mới lấy được 1kg trầm, nên việc sản xuất đại trà với số lượng lớn hương trầm nguyên chất là điều rất khó.

Cũng theo lời anh Ngọc, hương trầm ngày nay người ta chủ yếu sản xuất bằng máy, vừa nhanh mà cây hương lại đều đẹp. Tuy nhiên, hương làm bằng tay chắc hơn, cháy chậm và mùi tỏa thơm hơn. Khi được se thủ công, những cây hương nhìn rất đều nhau, tròn trịa, dẻo rất khó gãy và bị bể. Cây hương khi thắp lên sẽ cháy đến tận chân hương, mùi thơm dịu mà không hề có tính độc hại với sức khỏe. Tôi thấy hướng đi của anh Ngọc cũng như Trầm Tuệ là đúng đắn bởi nó trả lại thứ hương thơm thuần nhất, thiện lành cho trầm hương và cho sức khỏe con người.

3. Ở Hà Nội bây giờ có rất nhiều cửa hàng bán trầm. Người ta có thể dễ dàng mua các sản phẩm làm từ trầm, từ các vật dụng thờ cúng đến các loại nhang trầm, từ các phụ kiện trang sức như: Vòng, nhẫn… đến đồ lưu niệm là các bức tượng trầm với đủ kiểu dáng. Có người chỉ thích gắn một cục trầm nhỏ vào móc khóa hoặc bỏ vào ví một miếng nhỏ, đi đâu cũng mang theo với mong muốn sẽ gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.

Nhiều gia đình có điều kiện thường “săn” loại trầm cục nguyên khối, cất trong nhà như vật gia bảo. Chơi nghệ thuật hơn thì có trầm tiểu cảnh, non bộ, gốc trầm cảnh… Từ những khúc trầm gốc, người ta có thể ghép thêm những mảnh nhỏ hoặc chế tác thêm vân cho đẹp, nhìn bắt mắt… giống như gỗ mỹ nghệ. Dân sành chơi loại này cho rằng ngoài chất lượng, khối lượng, trầm tiểu cảnh còn phải đẹp, có ý nghĩa, để trong nhà vừa tốt về phong thủy, vừa có tính trang trí.

Với nhiều người, việc “chơi” trầm là vậy nhưng với riêng tôi, mùi trầm là mùi của đoàn viên theo nghĩa tâm linh thiêng liêng và thanh khiết nhất. Là đoàn tụ cháu con và đón tổ tiên về trong dăm ba ngày Tết. Thế nên với những kiếp tha phương, mùi trầm lại càng da diết đến vô cùng với bao nỗi khát khao đoàn viên ấy…

Phạm Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ngay-xuan-thuong-tram-183278.html
Zalo