Ngày xuân bàn việc chống lãng phí
Thông điệp chống lãng phí của Tổng Bí thư Tô Lâm đã lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân và trở thành vấn đề được luận bàn nhiều trong những ngày đầu xuân mới Ất Tỵ.
Lãng phí là căn bệnh trầm kha của xã hội, không phải bây giờ mới có mà đã có từ rất lâu. Từ thuở xa xưa, ông cha ta đã từng căn dặn “Buôn tàu, bán bè không bằng ăn dè, hà tiện” để nhắc nhở con cháu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ngày xuân, năm mới là dịp để các ông, bà nhắc nhở cháu con “Tọa thực sơn đăng” (miệng ăn núi lở); “tích cốc phòng cơ” (tiết kiệm lúc làm được, phòng khi bão lụt, thiên tai, cơ nhỡ...).
Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm đến việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Người đặc biệt chú trọng kêu gọi, nhắc nhở cán bộ và nhân dân phải thực hành tiết kiệm trong dịp Tết đến, xuân về. Đầu năm 1958, Bác về tham gia chống hạn ở xã Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội ngày nay). Khi ấy còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 1958, tại buổi nói chuyện với nhân dân trong xã, Bác nói: “Năm ngoái bà con ăn Tết mổ lợn, mổ bò… rồi thiếu trâu bò cày. Đấy là chưa kể rước sách linh đình, đồng bóng bói toán thật là lãng phí, ảnh hưởng không tốt đến thuần phong mỹ tục. Năm nay nhất định sửa. Tết năm nay phải là Tết vui vẻ, lành mạnh, tiết kiệm”.
Tết Nguyên đán Canh Tý 1960, Báo Nhân dân đăng bài “Mừng Tết Nguyên đán” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nêu lên những việc đáng chê, đáng khen trong việc ăn tết. Bài báo kết luận: “Trăm năm trong cõi người ta/Cần kiệm xây dựng nước nhà mới ngoan/Mừng Xuân, Xuân cả thế gian/Phải đâu lãng phí cỗ bàn mới Xuân”.
Bài viết “Chống lãng phí” và các bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về chủ đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào đúng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ như một thông điệp mạnh mẽ đã và đang lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân. Bài viết và phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư còn là lời nhắc nhở mọi người xem xét lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực, chi tiêu trong từng gia đình và toàn xã hội trong dịp đầu xuân mới này. Từ đó, kêu gọi cả hệ thống chính trị và từng người dân cần có ý thức thực hành tiết kiệm, tránh xa lãng phí, không chỉ vì lợi ích quốc gia, lợi ích của bản thân, gia đình, xã hội mà còn vì trách nhiệm với thế hệ tương lai.
Những tác hại, hậu quả trước mắt và lâu dài của “căn bệnh” lãng phí có lẽ, ai cũng có thể nhìn thấy. Nhưng làm thế nào để việc tiết kiệm, chống lãng phí trở thành thói quen, nếp sống của từng cá nhân, thành phong trào của từng tập thể và cả xã hội nói không với lãng phí?
Thực tế cho thấy, việc phòng, chống lãng phí là chuyện lớn của xã hội nhưng không phải là điều cao xa, hoàn toàn có thể bắt đầu từ những việc nhỏ, cụ thể trong lối sống hằng ngày và ai cũng có thể làm được. Ví như tiết kiệm thực phẩm, điện, nước trong ngày Tết, sắp xếp thời gian làm việc khoa học, hiệu quả... ngay từ đầu xuân mới, để tháng giêng không còn là “tháng ăn chơi”.
Trên phương diện quốc gia, chống lãng phí phải từ gốc rễ là khâu hoạch định chính sách, triển khai các chủ trương và phải được giám sát chặt chẽ trong quá trình thực hiện. Sau bão Yagi gây thiệt hại nghiêm trọng cho các địa phương tỉnh phía Bắc mới bộc lộ ra việc quy hoạch các khu dân cư của chúng ta chưa tính toán đến các yếu tố tác động của thiên tai, chưa tính toán được các vùng có thể bị lũ quét, lũ ống, sạt lở đất…
Có một sự lãng phí rất lớn, đã được nói rất nhiều tại các hội nghị nhưng kết quả lại chưa có chuyển biến. Đó là những dự án treo, quy hoạch treo, những công trình kéo dài cả thập kỷ vẫn nằm “đắp chiếu” không biết đến bao giờ. Hay tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư hạ tầng mà không hiệu quả…
Nhiều địa phương còn để lãng phí nguồn lực đất đai như để đồng ruộng hoang hóa nhiều năm không canh tác. Ngay tại Thủ đô, nhiều khu nhà tái định cư bị bỏ không hàng chục năm nay, nhiều nhà xây xong không có người đến ở…
Những năm gần đây, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, giành được những thắng lợi lớn làm nức lòng nhân dân. Thế nhưng trên thực tế, lãng phí còn nguy hại hơn tham nhũng vì tham nhũng thì tài sản không mất đi mà nó chỉ từ của nhà nước lòng vòng xuống cá nhân, xuống đối tượng tham nhũng và có thể thu hồi được. Còn lãng phí là cái mất đi, không vào ai cả.
Chính vì lẽ đó, đông đảo quần chúng nhân dân rất ủng hộ quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, cần triển khai ngay các công tác trọng tâm, đột phá về phòng, chống lãng phí, tạo khí thế mới, chuyển biến mạnh mẽ trong công tác này vào dịp đầu xuân mới năm nay. Về tổng thể, phải kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp từ thấp đến cao tiến tới xây dựng văn hóa chống lãng phí trong toàn xã hội; đưa chống lãng phí trở thành các chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội; trở thành nội quy của từng cơ quan, đơn vị; hương ước của từng thôn xóm; quy định trong các văn bản của Ðảng, Nhà nước; xử lý nghiêm các vi phạm về lãng phí.