Nghề đánh bóng lư đồng 'lên ngôi' dịp Tết

Thợ đánh bóng lư đồng nức tiếng TP HCM cho rằng chữ 'tín' và 'tâm' giúp duy trì nghề hàng chục năm. Tết Ất Tỵ 2025 đến cũng là dịp bội thu.

Điểm đánh bóng lư đồng ở giao lộ Lê Văn Duyệt (trước là Đinh Tiên Hoàng) – Vũ Huy Tấn (quận Bình Thạnh) đã quen thuộc với nhiều người dân thành phố hàng chục năm qua.

Ông Trần Thành Tiến đã gắn bó với nghề đánh lư đồng hơn 30 năm.

Ông Trần Thành Tiến đã gắn bó với nghề đánh lư đồng hơn 30 năm.

Năm nay gần 70 tuổi, ông Trần Thành Tiến đã gắn bó với nghề đánh bóng lư đồng hơn 30 năm. Theo ông, thường ngày cũng có khách lai rai nhưng dịp Tết là cao điểm khi mọi người bài trí bàn thờ gia tiên.

Nghề đánh bóng lư đồng "lên ngôi" dịp Tết

Những bộ lư đồng bị gỉ, xỉn màu theo thời gian sẽ được đem đi đánh bóng. Lư đồng là sản phẩm mang tính tâm linh nên mọi người rất kỹ lưỡng. "Con cháu uống nước nhớ nguồn, tề tựu về nhớ đến ông bà tổ tiên. Trang trí bàn thờ là truyền thống xưa nay. Đây là thế giới tâm linh, không đùa được" – ông Tiến chia sẻ.

Bộ lư được tháo rời để tiện ngâm chất tẩy, xả keo.

Bộ lư được tháo rời để tiện ngâm chất tẩy, xả keo.

Chà rửa sạch xong sẽ được phơi ráo nước.

Chà rửa sạch xong sẽ được phơi ráo nước.

Người thợ xem bộ lư của khách như lư của mình, làm tận tâm, kỹ lưỡng.

Người thợ xem bộ lư của khách như lư của mình, làm tận tâm, kỹ lưỡng.

Mỗi dịp Tết đến, điểm đánh bóng lư đồng của ông Tiến tấp nập khách. Trong đó, rất nhiều người là "bạn hàng trung thành", thậm chí có người gắn bó từ lúc ông mới vào nghề.

"Cao điểm Tết là từ 24 tháng Chạp đến 29 tháng Chạp. Phải làm 2 máy từ 6 giờ sáng tới 4 giờ chiều. Ngày phải ra 20 bộ lư mới được" – người thợ lâu năm chia sẻ.

Bộ lư được đánh bóng bằng bánh vải.

Bộ lư được đánh bóng bằng bánh vải.

Những vị trí khó, sâu hơn trong kẽ sẽ tiếp tục chuyển sang đánh bánh cước để xử lý triệt để.

Những vị trí khó, sâu hơn trong kẽ sẽ tiếp tục chuyển sang đánh bánh cước để xử lý triệt để.

Ông Tiến cho biết lư đồng rất đa dạng, từ kích cỡ, số món, độ tinh xảo, tuổi đời, từ hàng thủ công truyền thống cho tới hàng công nghiệp nên công sức bỏ ra cũng khác nhau, độ rủi ro cũng cao. Tuy vậy, xưa giờ ông chưa từ chối nhận bất cứ bộ lư nào. Ngược lại, khách cũng tin tưởng khi gửi bộ lư giá trị cho ông đánh bóng.

Lư được đem đi chà bột để sáng bóng.

Lư được đem đi chà bột để sáng bóng.

"Hàng rất đa dạng, mình không từ chối được. Mình lựa dễ ăn không, cái khó để người ta thì không được. Nghề này không giấu được, quan trọng là biết kỹ thuật, cách trị. Nghề này phải chịu cực, chịu khó, biết rút kinh nghiệm" – ông trải lòng.

Ông Tiến xịt thêm lớp keo để giữ độ bóng lâu hơn.

Ông Tiến xịt thêm lớp keo để giữ độ bóng lâu hơn.

Theo ông Tiến, mỗi bộ lư, chân đèn sẽ được tháo rời sau đó xả keo, lư đồng công nghiệp thường 4-5 năm là keo bị ố. Sau đó, lư được đánh bóng, chà bột để sáng bóng, vàng ánh. Cẩn thận hơn, thợ sẽ xịt thêm lớp keo để giữ độ bóng lâu hơn.

Với hơn 30 năm gắn bó nơi nay, ông Tiến có nhiều khách lâu năm.

Với hơn 30 năm gắn bó nơi nay, ông Tiến có nhiều khách lâu năm.

"Bộ dễ thì nửa tiếng sẽ xong, còn ca khó thì ngoài 1 tiếng. Vì vậy, phải dự trù hẹn giờ khách nhận hàng. Nhiều người tới gửi đồ muốn lấy gấp mình không dám nhận vì không giao đúng thì là hứa lèo. Thông thường thì khách giao và nhận lại trong ngày, có người bận thì để 2-3 ngày" – ông Tiến nói.

Những ngày cận Tết, điểm đánh lư đồng ở Bình Thạnh này cực kỳ đắt khách.

Những ngày cận Tết, điểm đánh lư đồng ở Bình Thạnh này cực kỳ đắt khách.

Với tay nghề, sự tận tâm của "cao thủ" đánh bóng lư đồng, khách hàng hài lòng với chi phí bỏ ra.

Với tay nghề, sự tận tâm của "cao thủ" đánh bóng lư đồng, khách hàng hài lòng với chi phí bỏ ra.

Người thợ nức tiếng Sài Gòn chia sẻ để duy trì nghề này thì cần phải siêng, học hỏi, yêu nghề, phải biết lắng nghe. "Điều quan trọng nữa là người đánh bóng lư đồng trụ với nghề lâu nhờ chữ tín, đồng thời có chữ tâm mới được" – ông nói.

Anh Vũ theo ông Tiến làm nghề đã hơn 20 năm.

Anh Vũ theo ông Tiến làm nghề đã hơn 20 năm.

Anh Phan Tuấn Vũ theo ông Tiến làm nghề đánh lư đồng từ lúc còn thanh niên, nay đã 2 con. Thấm thoát anh Vũ cũng gắn với nghề hơn 20 năm.

Anh nói nhờ nghề này mà dịp Tết kiếm được khoản tiền kha khá để chăm lo gia đình. Theo anh, tùy bộ lư mà có giá từ 200.000 đến 400.000 đồng, thậm chí có bộ lư lên tới 800.000 đồng.

Anh Phan Tuấn Vũ cho biết có những ngày làm việc từ 6 giờ sáng tới 6 giờ chiều.

Anh Phan Tuấn Vũ cho biết có những ngày làm việc từ 6 giờ sáng tới 6 giờ chiều.

"Mình từng gặp những bộ lư giá trị hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Có những bộ lư 50-60 năm mà nhiều gia đình vẫn gìn giữ, đánh ra vẫn sáng bóng" - Anh Vũ chia sẻ.

QUỐC ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nghe-danh-bong-lu-dong-len-ngoi-dip-tet-196250127135412748.htm
Zalo