Bảo tồn, phát huy giá trị di sản lịch sử - văn hóa Đan Phượng

UBND huyện Đan Phượng sẽ tổ chức Hội thảo khoa học 'Bảo tồn, phát huy giá trị di sản lịch sử - văn hóa quê hương Đan Phượng và danh nhân Tô Hiến Thành' vào ngày 19/2 tới đây.

Thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/HU ngày 15/7/2022 của Huyện ủy Đan Phượng về phát triển công nghiệp văn hóa giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch số 244/KH-UBND ngày 15/12/2022 của UBND huyện Đan Phượng về thực hiện nghị quyết số 45-NQ/HU, UBND huyện Đan Phượng tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản lịch sử - văn hóa quê hương Đan Phượng và danh nhân Tô Hiến Thành”.

Cán bộ, chính quyền và Nhân dân xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng) đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp TP miếu Hàm Rồng ngày 9/2/2025.

Cán bộ, chính quyền và Nhân dân xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng) đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp TP miếu Hàm Rồng ngày 9/2/2025.

Hội thảo dự kiến tổ chức vào ngày 19/2 tại hội trường UBND huyện Đan Phượng. Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng cho biết, ngoài việc cụ thể hóa các Nghị quyết, chương trình, kế hoạch, chỉ đạo của TP và huyện trong công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích, hội thảo hướng tới việc tiếp tục bổ sung, làm rõ, sáng tỏ hơn vị trí, quy mô, vai trò của Thành cổ Ô Diên trong quá trình tồn tại ở thế kỷ thứ VI; thân thế, cuộc đời, sự nghiệp, đóng góp của danh nhân Tô Hiến Thành; công tác bảo tồn hệ thống di sản văn hóa liên quan đến Thành cổ Ô Diên và danh nhân Tô Hiến Thành.

Cùng với đó, làm cơ sở khoa học để thực hiện tốt hơn công tác quản lý, bảo tồn, tu bổ tôn tạo, quy hoạch và phát huy giá trị cụm di tích gắn với phát triển du lịch của huyện, để nơi đây thực sự trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn của TP. Đồng thời kết nối, khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, cách mạng của Thủ đô; là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, nơi tổ chức lễ hội truyền thống của Nhân dân trong huyện, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

“Hội thảo sẽ bổ sung, làm rõ về vùng cửa sông Nhuệ cổ; phân tích, đánh giá vị trí, quy mô, vai trò của Thành cổ Ô Diên trong quá trình tồn tại ở thế kỷ thứ VI. Đồng thời phân tích, làm rõ công tác bảo tồn hệ thống di tích lịch sử, văn hóa thờ các nhân vật triều đại Tiền Lý và danh nhân Tô Hiến Thành; xác định vị trí, vai trò của hệ thống di sản văn hóa liên quan đến vùng cửa sông Nhuệ cổ - Thành Ô Diên và danh nhân Tô Hiến Thành trong bối cảnh phát triển chung của huyện Đan Phượng và TP Hà Nội” - bà Đào Thị Hồng nhấn mạnh.

Hội thảo cũng hướng tới đề xuất giải pháp phát huy giá trị di sản văn hóa liên quan đến Thành cổ Ô Diên, Nhà nước Vạn Xuân, danh nhân Tô Hiến Thành ở vùng đất Đan Phượng nói riêng, đồng bằng Bắc Bộ nói chung (hướng đến tầm nhìn năm 2050). Cùng với đó là công tác tu bổ tôn tạo di tích và định hướng trong công tác tu bổ tôn tạo di tích; công tác lập và quy hoạch cụm di tích.

Ngoài ra, phát huy giá trị cụm di tích đền Văn Hiến, đình Vạn Xuân, miếu Hàm Rồng, đền Chính Khí, chùa Hải Giác gắn với phát triển du lịch tham quan, trải nghiệm trong phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô và huyện; huy động mọi nguồn lực để bảo tồn, tôn tạo, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng dịch vụ, phát huy điểm đến, làm nền tảng, nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Đan Phượng.

Dự kiến, hội thảo sẽ có sự góp mặt của Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL); lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; lãnh đạo các sở, ban, ngành: VH&TT, Du lịch, Quy hoạch - Kiến trúc, GTVT, TN&MT, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội, Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội; các Viện nghiên cứu, Hội khoa học…

Ngọc Tú

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bao-ton-phat-huy-gia-tri-di-san-lich-su-van-hoa-dan-phuong.html
Zalo