Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái 25/11: Cứ 10 phút, 1 phụ nữ bị giết mà không có lý do
Năm 2024 đánh dấu 25 năm kể từ khi Liên hợp quốc chỉ định ngày 25/11 là Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Trong 16 ngày hành động (25/11 - 10/12), chiến dịch UNiTE cảnh báo tình trạng đáng báo động của bạo lực đối với phụ nữ theo chủ đề 'Cứ 10 phút, một phụ nữ bị giết mà không có lý do. Tham gia UNiTE để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ'.
Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) đã thu thập dữ liệu về tình trạng bạo lực đối với phụ nữ ở 161 quốc gia. Theo UN Women, ước tính có 736 triệu phụ nữ đã phải chịu bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục ít nhất một lần trong đời.
Con số này không bao gồm quấy rối tình dục. Phụ nữ từng trải qua bạo lực có nhiều khả năng bị trầm cảm, rối loạn lo âu, mang thai ngoài ý muốn, nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục và HIV, với hậu quả lâu dài.
Hầu hết bạo lực đối với phụ nữ đều do chồng hiện tại, chồng cũ hoặc bạn tình gây ra. Hơn 640 triệu phụ nữ từ 15 tuổi trở lên (26%) đã phải chịu bạo lực do bạn tình gây ra.
Một nghiên cứu được tiến hành tại Liên minh châu Âu (EU) cho thấy phụ nữ khuyết tật phải đối mặt với nguy cơ cao hơn khi phải trải qua bạo lực và nguy cơ này thậm chí còn cao hơn đối với phụ nữ khuyết tật có thu nhập thấp.
Trên khắp EU, thiệt hại do bạo lực trên cơ sở giới ước tính là 366 tỷ euro một năm, trong đó bạo lực đối với phụ nữ chiếm 79% chi phí này.
Vào năm 2022, khoảng 48.800 phụ nữ và trẻ em gái trên thế giới đã bị bạn tình hoặc các thành viên gia đình khác giết hại. Điều này có nghĩa là, trung bình, cứ mỗi giờ có 6 phụ nữ hoặc trẻ em gái bị giết bởi chính người trong gia đình.
Tỷ lệ tảo hôn cao hơn 4% ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột. Nếu không có biện pháp nào được thực hiện, dự báo 9 triệu trẻ em gái sẽ kết hôn khi còn nhỏ vào năm 2030, đặc biệt là các trẻ em gái từ những cộng đồng nghèo nhất và thiệt thòi nhất.
Khoảng 15 triệu trẻ em gái vị thành niên trên thế giới (trong độ tuổi từ 15 đến 19) đã từng bị cưỡng bức quan hệ tình dục.
Cắt bộ phận sinh dục nữ (FGM) vẫn là một tập tục ảnh hưởng đến hàng triệu phụ nữ và trẻ em gái trên thế giới. Bất chấp những nỗ lực toàn cầu nhằm xóa bỏ tập tục này, FGM vẫn tiếp tục gây ra những rủi ro nghiêm trọng cho sức khỏe, vi phạm các quyền cơ bản của con người và duy trì bất bình đẳng giới, đặc biệt là ở một số vùng của châu Phi và Trung Đông.
Hơn 230 triệu bé gái và phụ nữ đã phải chịu tập tục có hại này, tăng 15% (thêm 30 triệu bé gái và phụ nữ) so với dữ liệu của 8 năm trước.
Các nghiên cứu theo quốc gia và khu vực cho thấy, tỷ lệ quấy rối tình dục trực tuyến cao đáng báo động: Cứ 10 phụ nữ ở EU thì có 1 người báo cáo đã từng bị quấy rối trên mạng kể từ năm 15 tuổi.
Điều này bao gồm việc nhận được email hoặc tin nhắn SMS có nội dung khiêu dâm, bị xúc phạm, những lời tán tỉnh khiếm nhã trên các trang mạng xã hội. Còn tại các quốc gia Arab, 60% phụ nữ dùng internet trong khu vực này đã từng phải chịu bạo lực trực tuyến trong năm qua.
Trên khắp các châu lục, 82% nữ nghị sĩ báo cáo đã trải qua một số hình thức bạo lực tâm lý trong nhiệm kỳ của mình. Điều này bao gồm các nhận xét, hành động phân biệt giới tính, đe dọa và bắt nạt.
Phương tiện truyền thông xã hội là nền tảng chính cho loại bạo lực này, với 44% các nhà lập pháp là nữ báo cáo đã nhận được các mối đe dọa giết người, hiếp dâm, tấn công hoặc bắt cóc đối với họ hoặc gia đình họ.
65% nữ nghị sĩ báo cáo đã phải chịu những nhận xét phân biệt giới tính, chủ yếu là từ các đồng nghiệp nam trong Quốc hội.
Trong khi đó, một cuộc khảo sát toàn cầu cho thấy, 73% nhà báo nữ đã từng trải qua bạo lực trực tuyến. Chủ đề báo cáo liên quan đến các cuộc tấn công đối với nhà báo nữ thường là vấn đề giới tính (49%), tiếp theo là bầu cử (44%) và nhân quyền, chính sách xã hội (31%).
Hành động với chiến dịch UNiTE
Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là một vấn đề toàn cầu, đòi hỏi sự hợp tác quốc tế cũng như các giải pháp tại địa phương. 16 ngày hành động là cơ hội để tái khẳng định các cam kết, kêu gọi trách nhiệm giải trình và hành động từ những người ra quyết định, khi thế giới đang tiến gần đến kỷ niệm 30 năm Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh vào năm 2025.
Theo UN Women, cần buộc những kẻ phạm tội phải chịu trách nhiệm và thiết lập chính sách không khoan nhượng đối với hành vi bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Các quốc gia có luật về phòng, chống bạo lực gia đình có tỷ lệ bạo lực thấp hơn so với các quốc gia không có luật như vậy (9,5% so với 16,1%).
Trong số 165 quốc gia có luật về phòng, chống bạo lực gia đình, chỉ có 104 quốc gia có luật toàn diện giải quyết vấn đề bạo lực gia đình. 139 quốc gia thiếu luật cấm tảo hôn. 151 quốc gia có luật về quấy rối tình dục trong lao động nhưng chỉ có 39 quốc gia có luật cấm quấy rối tình dục ở nơi công cộng. Chưa đến một nửa số phụ nữ trên toàn cầu được bảo vệ bởi luật chống quấy rối trên mạng.
Tính đến năm 2023, chỉ có 27 quốc gia có hệ thống toàn diện để theo dõi và phân bổ ngân sách cho bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Mặc dù nguồn tài trợ Viện trợ Phát triển Chính thức (ODA) tăng trong 5 năm qua, nhưng nguồn tài trợ để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ đã giảm 13%. Có đến 99% ODA liên quan đến giới không đến được các tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ và các phong trào nữ quyền địa phương.
Chỉ có khoảng 5% tổng số tiền tài trợ của các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái được phân bổ cho các tổ chức xã hội.
- Ước tính có 736 triệu phụ nữ đã phải chịu bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục ít nhất một lần trong đời.
- 82% nữ nghị sĩ báo cáo đã trải qua một số hình thức bạo lực tâm lý trong nhiệm kỳ của mình.
- 73% nhà báo nữ đã từng trải qua bạo lực trực tuyến.
- Các quốc gia có luật về phòng, chống bạo lực gia đình có tỷ lệ bạo lực thấp hơn so với các quốc gia không có luật như vậy (9,5% so với 16,1%).
Nguồn: UN Women