Con đường sống còn

Đã bao giờ bạn tự hỏi, điều gì sẽ xảy ra nếu một ngày không còn tiếng chim hót líu lo, không còn sắc xanh của những cánh rừng bạt ngàn, hay đại dương sâu thẳm hóa thành một vùng hoang mạc câm lặng?

Hươu cao cổ tại khu bảo tồn Masai Mara ở Kenya. Ảnh: THX/TTXVN

Hươu cao cổ tại khu bảo tồn Masai Mara ở Kenya. Ảnh: THX/TTXVN

Sẽ ra sao nếu những nguồn thực phẩm, thuốc men mà chúng ta phụ thuộc vào bỗng dưng biến mất và những căn bệnh mới xuất hiện âm thầm đe dọa sự sống? Đó không còn là kịch bản của một bộ phim khoa học viễn tưởng, mà là thực tại đang đến gần từng ngày, khi hơn 1 triệu loài sinh vật đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, 75% hệ sinh thái trên cạn và 2/3 môi trường biển bị tàn phá bởi chính bàn tay con người.

Ngày quốc tế Đa dạng sinh học (22/5) năm nay, với chủ đề “Hòa hợp với thiên nhiên và phát triển bền vững”, không chỉ là lời nhắc nhở, mà là một lời kêu gọi khẩn thiết, thúc giục nhân loại hành động để cứu lấy ngôi nhà chung đang dần cạn kiệt sự sống. Đây là thời khắc để chúng ta nhìn lại lối sống, cách phát triển và đối xử với thiên nhiên – nguồn mạch nuôi dưỡng sự tồn tại của chính mình.

Thiên nhiên đang đối mặt một cuộc khủng hoảng chưa từng có. Theo báo cáo của Liên hợp quốc, hơn 1 triệu loài – tương đương 12,5% tổng số loài động thực vật trên thế giới – đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do các hoạt động như phá rừng, khai thác quá mức, ô nhiễm và biến đổi khí hậu. Cứ mỗi phút trôi qua, thế giới mất đi diện tích rừng nguyên sinh tương đương 10 sân bóng đá; gần 50% số loài chim trên thế giới đang suy giảm số lượng; khoảng 25% số loài thú có vú đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Rừng mưa Amazon – “lá phổi xanh” của Trái Đất - đã mất hơn 20% diện tích trong giai đoạn từ năm 1970 đến 2020. Tại Australia, một trong những quốc gia “siêu đa dạng sinh học”, số loài thú có vú tuyệt chủng trong hai thế kỷ qua vượt xa bất kỳ châu lục nào khác.

Những con số này không chỉ là số liệu thống kê lạnh lùng. Đây là tiếng kêu cứu của một hành tinh đang mất dần sự sống cân bằng. Ba tỷ người phụ thuộc vào cá như nguồn protein chính, nhưng 85% trữ lượng cá toàn cầu đã cạn kiệt hoặc suy thoái nghiêm trọng. Tương tự, 80% dân số nông thôn ở các nước đang phát triển dựa vào cây thuốc truyền thống, nhưng môi trường sống của chúng đang bị hủy hoại không thương tiếc.

Hậu quả không chỉ là mất đi vẻ đẹp thiên nhiên, mà còn là sự sụp đổ của các hệ thống hỗ trợ sự sống: từ thụ phấn cây trồng (35% sản lượng cây trồng toàn cầu phụ thuộc vào các loài thụ phấn như ong) đến nguồn nước sạch, khi 71% dân số thế giới đang đối mặt với nguy cơ khan hiếm nước do mất đa dạng sinh học.

Cây cối bị thiêu rụi do cháy rừng tại Porto Velho, bang Rondonia, Brazil, ngày 12/9/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Cây cối bị thiêu rụi do cháy rừng tại Porto Velho, bang Rondonia, Brazil, ngày 12/9/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Trong thông điệp nhân Ngày quốc tế Đa dạng sinh học 2025, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres cảnh báo: “Chúng ta đang hủy hoại đa dạng sinh học với tốc độ ánh sáng”. Sự gia tăng dân số không kiểm soát, khi thế giới chạm mốc 8,2 tỷ người sau khi tăng 1 tỷ người chỉ trong 12 năm đang tạo áp lực khổng lồ lên nguồn tài nguyên vốn hữu hạn. Nạn đói đe dọa 10% dân số toàn cầu, đặc biệt là 20% dân số châu Phi, và dự báo sẽ trầm trọng hơn trong tương lai nếu chúng ta không hành động.

Sự suy giảm đa dạng sinh học không phải xảy ra ngẫu nhiên. Phá rừng đã xóa sổ khoảng 10% diện tích rừng nhiệt đới trong 30 năm qua, chủ yếu do khai thác gỗ, nông nghiệp và đô thị hóa. Biến đổi khí hậu đẩy nhanh sự tàn phá, khi khoảng 50% rạn san hô toàn cầu đã biến mất kể từ năm 1980 do nhiệt độ nước biển tăng cao và axit hóa đại dương. Ô nhiễm từ nhựa, hóa chất nông nghiệp và chất thải công nghiệp làm suy giảm nghiêm trọng khả năng sinh tồn của nhiều loài. Những loài xâm lấn cạnh tranh và phá hủy hệ sinh thái bản địa. Việc khai thác quá mức, từ đánh bắt cá bằng chất nổ đến săn bắn trái phép, đẩy hàng loạt loài sinh vật đến bờ vực tuyệt chủng.

Nguy hiểm hơn, mất đa dạng sinh học còn làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh. Nhiều báo cáo khoa học chỉ ra rằng sự suy giảm đa dạng sinh học là nguyên nhân môi trường lớn nhất gây ra các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm, như đại dịch COVID-19, do sự cân bằng hệ sinh thái bị phá vỡ.

Trước bức tranh u ám này, cộng đồng quốc tế nhất trí chung tay hành động. Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal (KMGBF), được thông qua tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học (COP15 - tháng 12/2022), là kim chỉ nam với 23 mục tiêu đầy tham vọng đến năm 2030. Những mục tiêu này được tích hợp cùng 17 Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, nhằm đảm bảo rằng bảo tồn thiên nhiên không mâu thuẫn với phát triển kinh tế.

Nổi bật là mục tiêu 30x30 bảo vệ 30% diện tích đất liền và đại dương toàn cầu, giảm ô nhiễm từ phân bón và thuốc trừ sâu, đồng thời cắt giảm 500 tỷ USD mỗi năm các khoản trợ cấp gây hại môi trường và huy động 200 tỷ USD mỗi năm từ mọi nguồn cho các chiến dịch bảo tồn.

Các quốc gia đang tích cực triển khai Kế hoạch hành động và Chiến lược đa dạng sinh học quốc gia (NBSAP) để biến những mục tiêu toàn cầu thành hành động cụ thể. Việt Nam đã lồng ghép KMGBF vào Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học, với 178 khu bảo tồn thiên nhiên (chiếm 7,7% diện tích đất liền) và mục tiêu đạt 9% vào năm 2030. Độ che phủ rừng của Việt Nam đã đạt 42,02%, cùng với kế hoạch thành lập thêm 61 khu bảo tồn mới trong giai đoạn 2021-2030. Australia cam kết bảo vệ 30% đất và biển, đồng thời hướng tới mục tiêu “không để thêm loài sinh vật nào tuyệt chủng”. Quốc gia này hiện đã có hệ thống khu bảo tồn biển lớn nhất thế giới, bao phủ 52% vùng biển quốc gia. Colombia, nơi có sự đa dạng sinh học cao hàng đầu thế giới với hơn 1.900 loài chim, nhấn mạnh vai trò quan trọng của người dân bản địa, với hơn 25% diện tích đất trao cho cộng đồng này quản lý. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành Chiến lược Đa dạng sinh học đến năm 2030 với mục tiêu bảo vệ 30% đất và biển, sử dụng 25% ngân sách chống biến đổi khí hậu cho phục hồi đa dạng sinh học.

Tuy nhiên, thách thức vẫn còn đó. Quỹ Đa dạng sinh học toàn cầu (GBFF) mới chỉ nhận được 250 triệu USD, thấp hơn nhiều so với mục tiêu huy động 20 tỷ USD mỗi năm. Tiến độ cập nhật NBSAP còn chậm khi chỉ vài quốc gia hoàn thành trước COP16 (tháng 10/2024). Các nước đang phát triển phụ thuộc nhiều vào hỗ trợ tài chính và công nghệ, nhưng nguồn lực hạn chế khiến hành động bị đình trệ.

Một yếu tố không thể bỏ qua là dân số. Tổ chức Dân số bền vững Australia (SPA) nhấn mạnh “không thể phát triển bền vững trên một hành tinh hữu hạn nếu dân số cứ tăng trưởng vô hạn”. Số liệu thống kê cho thấy có tới 45% ca mang thai trên toàn cầu là ngoài kế hoạch và theo đó, việc phổ cập dịch vụ kế hoạch hóa gia đình không chỉ là vấn đề nhân đạo, mà còn là chiến lược môi trường then chốt. Người phát ngôn SPA Michael Bayliss cảnh báo: “Áp lực dân số đang đẩy nhanh sự suy thoái của thiên nhiên, từ cạn kiệt nguồn cá đến nạn đói và khan hiếm nước”.

Bãi rạn san hô thuộc Khu bảo tồn biển Vườn quốc gia Núi Chúa (huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, Việt Nam). Ảnh: TTXVN phát

Bãi rạn san hô thuộc Khu bảo tồn biển Vườn quốc gia Núi Chúa (huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, Việt Nam). Ảnh: TTXVN phát

“Hòa hợp với thiên nhiên và phát triển bền vững” không chỉ là khẩu hiệu, mà là kim chỉ nam cho một lối sống mới. Mỗi cánh rừng được bảo vệ, mỗi dòng sông được làm sạch, mỗi loài được cứu khỏi tuyệt chủng là một bước tiến tới một hành tinh khỏe mạnh. Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) đã tài trợ hàng tỷ USD cho các chiến dịch bảo tồn. Những mô hình như trao quyền cho cộng đồng bản địa ở Amazon hay chiến dịch giáo dục như #ItsTimeToAct (tạm dịch: Đã đến lúc hành động) của EU đang truyền cảm hứng mạnh mẽ.

Mỗi cá nhân trong số chúng ta đều có thể đóng góp vai trò để bảo vệ Trái Đất mãi xanh. Từ việc giảm rác thải nhựa, chọn sử dụng sản phẩm bền vững, trồng một cây con, hay tuyên truyền các chính sách bảo vệ môi trường… đều là những mảnh ghép hữu ích trong trong một bức tranh tổng thể. Như Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh: “Sống hòa hợp với thiên nhiên là con đường duy nhất để nhân loại có một thế giới tốt đẹp hơn”, Ngày quốc tế Đa dạng sinh học 2025 là lời nhắc nhở rằng tương lai không soạn sẵn mà được định hình bởi hành động của chúng ta hôm nay. Chúng ta chọn sống trong một tương lai tràn ngập sự sống hay một hành tinh hoang tàn? Câu trả lời nằm trong chính suy nghĩ và hành động của mỗi người.

Thanh Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/con-duong-song-con-20250522150412039.htm
Zalo