Ngày lúa đơm bông

HNN - Tháng Tư về trong vạt nắng mềm như tấm lụa mỏng vắt ngang bầu trời. Tôi bước ra hiên nhà, hít một hơi thật sâu, chợt nhận ra trong gió có một mùi hương rất quen khiến tôi ngẩn người, không sao nhớ nổi đó là gì. Tôi hít hà thêm vài ngụm khí trời, để hương ấy len lỏi vào từng hơi thở, từng sợi tóc, rồi bất giác giật mình. Hóa ra, tháng Tư đã ướp vào nắng gió hương lúa non ngan ngát, thanh khiết như một dấu hiệu dịu dàng mà đất trời gửi đến. Lúa đã đơm bông!

Chị Hai từng hứa, ngày lúa đơm bông đầu tiên của năm nay, chị sẽ trở về. Lời hứa ấy theo tôi suốt những ngày chờ mong, len lỏi vào từng giấc ngủ, từng buổi chiều đứng trước hiên nhà nhìn ra cánh đồng xa. Tôi nhớ chị lắm! Tết này, chị không về. Mâm cơm đêm giao thừa thiếu đi một đôi đũa, chỗ ngồi bên bếp lửa cũng trống vắng. Ba châm ấm trà, rít nhẹ hơi thuốc rồi lặng lẽ nhìn ra ngoài sân. Còn tôi chỉ biết ôm nỗi nhớ vào lòng, cố hình dung ra dáng chị giữa phố xá nơi xứ người. Lúa ngoài đồng đã bén rễ, vươn mình xanh rờn giữa nắng. Nhưng liệu ngày lúa đơm bông, chị có thật sự trở về? Hay lời hứa ấy cũng như những mùa lúa trước, chỉ còn lại trong những lá thư xa, trong những cuộc gọi vội vã giữa hai múi giờ chênh lệch?

Chị Hai tôi đẹp lắm, một vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm như bông lúa cúi đầu khi mùa chín tới. Mỗi lần chị vo gạo bên giếng, những sợi tóc lại buông theo bờ vai gầy, lấp lánh dưới ánh mặt trời, đẹp đến nao lòng. Mẹ mất sớm, ba lại gặp tai nạn lao động, từ đó chân ba khập khiễng, bước đi chậm chạp như mang cả nỗi buồn trên vai. Nhà tôi nghèo, cái nghèo cứ đeo đẳng mãi, nhưng chị Hai chưa bao giờ than thở. Chị học hết tiểu học rồi nghỉ hẳn, nhường cho tôi được tiếp tục đến trường. “Nhà mình chỉ có thể lo cho một đứa học thôi, em phải học thay cả phần của chị nữa nghe không?” - chị nói vậy rồi khăn gói lên thị trấn làm thuê, gửi từng đồng bạc lẻ vất vả lắm mới kiếm được về nhà. Áo chị có thể chắp vá, có thể bạc màu theo nắng mưa, nhưng áo quần của tôi lúc nào cũng sạch sẽ, tươm tất. Chị có thể nhịn ăn, làm quần quật cả ngày, nhưng chưa bao giờ để tôi thiếu một quyển sách, cây bút. Tôi lớn lên trong bàn tay tảo tần ấy, trong những đêm chị lặng lẽ khâu từng đường kim mũi chỉ, trong những buổi sáng vội vàng dúi vào tay tôi ổ bánh mì, giục khẽ: “Ăn đi, trễ học đó Thư!”

Ngày bé, tôi thích nhất là được theo chị Hai đi cất vó đêm. Chiều hôm trước, hai chị em đã tất bật chuẩn bị. Chị giã thính, tôi quạt bếp, cả gian nhà ngập trong hương thơm của gạo rang, đậu tương, cám trộn, ngai ngái mà ấm áp lạ thường. Khi trời sập tối, hai chị em rón rén dắt nhau ra bờ sông. Đường làng tối mịt, chỉ có ánh trăng lưỡi liềm mỏng tang treo trên ngọn tre già, hắt xuống mặt đất những vệt sáng lấp loáng. Gió đêm thức dậy, lang thang rong chơi qua những tán cây, lướt trên cánh đồng lúa đang thì con gái, mang theo hương thơm dịu ngọt của đất trời. Dưới chân, cỏ mềm mát lạnh, còn xa xa, sông quê chảy lặng lờ, phản chiếu ánh trăng bàng bạc.

Rồi một ngày, chị Hai biết yêu. Mỗi buổi chiều, sau khi xong việc, chị lại soi gương lâu hơn, thỉnh thoảng còn vén tóc gọn gàng, cài thêm một chiếc kẹp hoa nhỏ. Anh Bính - người yêu chị, là chàng trai nổi tiếng khắp thị trấn vì vẻ ngoài điển trai. Cao ráo, rắn rỏi, nụ cười có chiếc răng khểnh duyên đến lạ. Dạo này, chị vui hơn, hay cười hơn. Những chiều muộn, khi hoàng hôn nhuộm vàng cánh đồng, chị không còn lẻ loi trên đường về. Đôi lần, tôi trông thấy từ xa, có bóng dáng một chàng trai lững thững đạp xe bên cạnh, hai người vừa đi vừa trò chuyện, thỉnh thoảng chị lại che miệng cười. Chẳng biết từ bao giờ, tôi đã quen với hình ảnh anh Bính thoăn thoắt xắn tay áo, để lộ đôi cánh tay rắn chắc, rồi thoải mái vác bao gạo hay bó củi nặng trĩu vào nhà mà chẳng hề tỏ vẻ nhọc nhằn. Những hôm rảnh rỗi, anh ngồi xổm dưới hiên, tỉ mỉ xoay xoay từng chiếc đinh, cố định lại chiếc ghế tre cọt kẹt bấy lâu. Tiếng búa gõ lách cách vang lên đều đặn trong buổi chiều yên ả, hòa cùng giọng nói trầm ấm của anh khi dặn tôi đưa đúng loại đinh hay giữ chặt thanh tre. Tôi thích thú ngồi bên, quan sát từng động tác thuần thục, rồi thầm nghĩ trong lòng: giá mà lúc nào anh cũng có mặt trong nhà như thế này.

Hôm anh Bính đưa chị Hai về ra mắt, tôi vẫn nhớ như in ánh mắt háo hức của chị khi nâng niu chọn bộ áo bà ba đẹp nhất. Mái tóc được chải mượt mà, gương mặt thoáng chút hây hây đỏ vì hồi hộp. Tôi cũng vui lây. Nhưng đời nào có đơn giản như những gì tôi tưởng tượng.

Gia đình anh Bính, vốn là nhà buôn có tiếng trên thị trấn, nhất quyết không chấp nhận một cô gái nghèo, mồ côi mẹ, lại có người cha tật nguyền làm con dâu. Họ nói xuất thân của chị Hai không “môn đăng hộ đối”, rằng chị không xứng để bước chân vào nhà họ. Những lời cay nghiệt ấy vang vọng giữa gian nhà, sắc lạnh như lưỡi dao cứa vào lòng chị Hai. Chị im lặng, tay khẽ siết lấy vạt áo. Tối hôm ấy, chị về nhà, lặng lẽ như một cái bóng. Không còn nụ cười rạng rỡ, chẳng còn ánh mắt mong chờ.

Một đêm, chị Hai ôm tôi vào lòng, bàn tay gầy guộc khe khẽ vỗ về. Gió khuya len lỏi qua kẽ lá ngoài sân, phả hơi sương lành lạnh vào da thịt một cảm giác man mác buốt.

- Chị chia tay anh Bính rồi, Thư ạ…

Tôi giật mình, ngước lên. Nhưng bóng tối đặc quánh, che phủ gương mặt chị. Chỉ có giọng nói thoảng qua, mỏng manh như tiếng gió đồng hiu hắt.

- Hôm nay, chị tặng anh chiếc khăn tay chị đã thêu xong…

Suốt bao đêm, dưới ánh đèn dầu leo lét, chị Hai kiên nhẫn đưa từng mũi kim, dệt vào đó cả nỗi nhớ thương và những hy vọng thầm lặng. Vậy mà giờ đây, chiếc khăn lại trở thành món quà của một cuộc chia ly.

- Chị không muốn vì mình mà anh phải cãi lại mẹ cha…

Lời nhẹ như gió thoảng, nhưng tôi biết chị còn nặng lòng lắm. Ngoài kia, ánh đom đóm lập lòe trong màn đêm, như những giấc mơ nhỏ nhoi đang vỡ vụn giữa khoảng tối mênh mông. Tôi rúc vào lòng chị, cố giấu đi giọt nước mắt lặng lẽ thấm vào gối.

Ngày chị Hai đi nước ngoài làm việc cũng là ngày anh Bính rước dâu. Sáng sớm, chị lúi húi xếp lại quần áo, cẩn thận nhét vào túi một ít thuốc, mấy gói ruốc tôi làm để chị mang theo ăn dần. Chị bảo, giờ ở thị trấn ít việc quá, chị phải chịu khó đi xa vài năm. Chiếc xe khách lăn bánh rời bến, bỏ lại sau lưng cánh đồng tháng Tư đang thơm nức mùi lúa trổ đòng. Chị ngồi gần cửa sổ, lặng lẽ nhìn quê hương lùi dần sau ô kính. Khi xe đi ngang qua con đường làng dẫn ra thị trấn, bất chợt dừng lại.

Chiếc xe dâu.

Từ xa, đoàn xe hoa chậm rãi tiến về nhà gái. Những dải ruy băng đỏ rực rỡ phấp phới bay trong gió, rộn ràng như những cánh bướm mùa xuân. Anh Bính trong bộ vest chỉn chu, vẫn nở nụ cười hiền lành năm nào, chỉ có điều, cô dâu hôm nay không phải là chị Hai. Chiếc xe khách tiếp tục lăn bánh. Nặng trĩu trong chị là cả một khoảng lặng mênh mông.

Tôi thay chị Hai quán xuyến gia đình. Ba nhận thêm việc về làm tại nhà. Sân trước lúc nào cũng đầy những bó tre, nứa, phơi vàng dưới nắng, chờ đôi tay ba khéo léo chuốt tỉa thành từng nan nhỏ để đan rổ, đan nia. Tiếng dao lách cách gọt tre, tiếng nan tre cọ vào nhau kêu sột soạt dần trở nên quen thuộc. Những chiếc rổ, chiếc nia từ đôi tay ba đều chắc chắn, bền đẹp, được người trong xóm tin dùng. Từ ngày chị Hai đi, ba trầm lặng hơn. Những bữa cơm chẳng còn tiếng cười, chỉ có âm thanh khô khốc của chén đũa chạm vào nhau. Tôi lén nhìn ba, thấy đôi vai ông hơi khòm xuống, ánh mắt đôi khi xa xăm như dõi theo một dáng hình quen thuộc đã rời xa. Thỉnh thoảng, chị Hai gọi về. Giọng chị vẫn nhẹ nhàng, luôn hỏi tôi có ăn đủ bữa không, có giữ ấm những ngày trở gió? Nhưng tôi biết, ở đầu dây bên kia, chị cũng đang giấu đi nỗi nhớ, giấu cả những lần tủi thân nơi xứ người. Tôi gắng gượng mạnh mẽ, vì biết, dù có thế nào cũng không thể để ba lo lắng thêm, cũng không thể để chị Hai phải bận lòng. Nhưng đôi khi, giữa những đêm khuya tĩnh lặng, tôi giật mình tỉnh giấc, cảm giác lành lạnh nơi gối vì nước mắt đã thấm tự bao giờ.

Sáng nay, tôi thả bước trên con đường quê, giữa những tia nắng đầu ngày đang rải vàng trên cánh đồng lúa xanh mướt. Bất chợt, tiếng còi xe vang lên từ đầu ngõ. Chị Hai đã về! Tôi lao đến, ôm chầm lấy chị. Dường như mọi xa cách suốt bao năm qua đã tan biến trong khoảnh khắc này. Ba bước ra từ trong nhà, đôi mắt hoe đỏ, giọng nghẹn lại:

- Con về là tốt rồi!

Bữa cơm đoàn viên trôi qua trong niềm vui sum họp. Tối đến, tôi cùng chị Hai ngồi trên chõng tre ngoài sân, lặng ngắm vầng trăng sáng vằng vặc. Như thuở ấu thơ, tôi lại cuộn tròn bên chị, gối đầu lên chân, thủ thỉ những câu chuyện không đầu không cuối. Chị khẽ xoa đầu tôi, giọng dịu dàng:

- Chị về hẳn rồi, không đi đâu nữa! Năm nay Thư thi đại học rồi, cố lên nha em!

Rồi tiếng hát của chị chợt ngân vang: “Quê hương ơi, có gì đẹp hơn thế/ Đồng lúa hẹn hò những mùa gặt/Tình yêu bắt đầu từ đôi mắt/Ngày mai bắt đầu từ hôm nay...”

Ngoài kia, lúa trổ bông, nghiêng mình theo gió, tỏa hương thơm ngọt lành của mùa vàng trĩu hạt.

Chị Hai lặng lẽ nhìn cánh đồng rộng bát ngát, ánh mắt xa xăm nhưng không còn vương vấn những nỗi buồn cũ. Tôi biết, chị đã từng tổn thương rất nhiều khi mối tình đầu dang dở. Những năm tháng xa quê, chị vừa đi tìm chính mình, vừa học cách buông bỏ quá khứ. Nhưng giờ đây, giữa quê nhà thân thuộc, chị đã tìm lại được sự bình yên. Chị kể, khi nhìn thấy những bông lúa cúi mình trong nắng, nghe tiếng ba gọi vọng ra từ bếp, thấy tôi vẫn bé bỏng nép vào lòng như thuở nào, chị chợt hiểu: hạnh phúc không chỉ gói gọn trong một bóng hình nào đó, mà còn ở chính quê hương, gia đình, những người luôn yêu thương chị vô điều kiện.

Tôi ngước lên, thấy chị Hai mỉm cười, một nụ cười nhẹ nhàng và mát dịu như vầng trăng trên cao. Chị đã trở về, mang theo những ước mơ dang dở và ngọn lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ. Nhờ sự giới thiệu của bác Năm - người bạn thân của ba, ngày mai, chị sẽ bắt đầu công việc mới tại hợp tác xã, chung tay cùng bà con cải tiến canh tác, đưa khoa học kỹ thuật về với ruộng đồng. Chị bảo, dù có đi đâu hay làm gì, quê hương vẫn là nơi chị muốn gắn bó và cống hiến trọn đời.

Tôi siết nhẹ bàn tay chị, cảm nhận hơi ấm thân thuộc như ngày bé. Lòng nhẹ tênh…

Linh Châu

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/tac-gia-tac-pham/ngay-lua-dom-bong-153410.html
Zalo