Ngày hội đổi đồ 'đặc biệt' ở trường học tại Hải Dương - san sẻ yêu thương, nhân lên lòng nhân ái
'Mục đích lớn nhất của ngày hội này là san sẻ yêu thương, chống lãng phí, dạy cho học sinh cách tiết kiệm, tăng cường tinh thần đoàn kết làm việc cộng đồng và nhân lên lòng nhân ái...', Hiệu trưởng trường THCS Vĩnh Hòa cho biết.
Ngày hội mua - bán không dùng tiền mặt
Mới đây câu chuyện về ngày Hội đổi đồ diễn ra tại trường THCS Vĩnh Hòa (huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) với sự tham gia của hàng trăm học sinh, giáo viên cùng phụ huynh đã để lại nhiều hình ảnh đẹp. Đây không chỉ là ngày hội đặc biệt khi người mua – bán hàng hóa không dùng tiền mặt để trao đổi mà những món đồ được bày bán đều chứa đựng những tình cảm trân quý ấm tình người.
Video: Không khí vui nhộn tại Ngày hội đổi đồ của trường THCS Vĩnh Hòa
Cô Nguyễn Thị Xoan – Hiệu trưởng trường THCS Vĩnh Hòa cho biết: "Khi tham gia ngày hội đổi đồ, chúng tôi quy định học sinh không sử dụng, giao dịch bằng tiền mặt mà thay vào đó sẽ lưu hành một loại tiền "đặc biệt" do Liên đội nhà trường phát hành. Đây cũng là ý tưởng mà chúng tôi muốn hướng đến cho học sinh khi tạo ra sân chơi lành mạnh và hoạt động này đã được nhà trường đưa vào kế hoạch ngay từ đầu năm học".

Giáo viên chủ nhiệm phát loại tiền"đặc biệt" cho học sinh có những món đồ mang ngày hội sau khi được định giá.

Loại tiền mang mệnh giá "đặc biệt" được lưu hành trong ngày hội đổi đồ.
Theo cô Xoan, ngày hội đổi đồ lần đầu tiên được tổ chức tại nhà trường, cho nên nhiều học sinh cùng giáo viên cũng như phụ huynh còn bỡ ngỡ. Tuy nhiên, sau khi nắm được mục đích, ý nghĩa của ngày hội và sự thống nhất của giáo viên cùng phụ huynh học sinh thì công tác triển khai đã được tiến hành nhanh chóng. Trong suốt thời điểm trước, trong và sau khi tổ chức, nhà trường đã nhận được sự đồng thuận, quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ tích cực từ các bậc phụ huynh.
Cũng theo BGH nhà trường, trước khi diễn ta ngày hội, những học sinh nào có đồ dùng đã qua sử dụng mà còn giá trị thì sẽ mang đến lớp. Sau đó có một Tổ định giá sản phẩm, khi định giá xong sẽ phát tiền (Loại tiền này có nhiều mệnh giá do Liên đội của trường phát hành) cho các lớp. Căn cứ vào từng sản phẩm, giáo viên chủ nhiệm sẽ chuyển tiền được BTC quy định tương ứng với số hàng hóa của học sinh mang đến. Từ số tiền này, học sinh dùng để mua các món đồ, vật dụng hữu ích ở gian hàng của lớp mình hoặc lớp khác.


Các gian hàng quần áo thu hút nhiều học sinh, người dân, phụ huynh.
"Đối với gian hàng của giáo viên sẽ bán bằng tiền mặt và số tiền thu được BGH dùng để ủng hộ cho học sinh khó khăn trong trường. Gian hàng này, nhà trường kêu gọi các thầy cô ai có những sản phẩm, vật dụng mà đã qua sử dụng, nhưng còn giá trị mang đến bày bán, trao đổi. Tuy nhiên, giá bán các sản phẩm mang tính san sẻ cho mọi người, nhân dân là chính. Tổng số tiền thu được sau ngày hội của 14 gian hàng sẽ được nhà trường tổng hợp và trao cho những học sinh khó khăn, học sinh vươn lên học tốt", cô Xoan nói.


Học sinh nhà trường hào hứng khi tham gia ngày hội đổi đồ.
Chia sẻ với PV, cô Nguyễn Thị Hà - Tổng phụ trách Đội bày tỏ, hiện nay trường THCS Vĩnh Hòa có hơn 500 học sinh và nhiều em còn khó khăn, không có điều kiện. Cho nên hoạt động đổi đồ không chỉ thuần túy là tạo sân chơi, dạy các con biết tiết kiệm, chống lãng phí mà còn là sự tương thân, tương ái và giúp đỡ lẫn nhau…
Giáo dục tính tiết kiệm, chống lãng phí … nhân lên lòng nhân ái
Có mặt tại ngày hội đổi đồ của trường THCS Vĩnh Hòa, chúng tôi cảm nhận được không khí vui tươi, phấn khởi, háo hức và sự náo nhiệt của thầy-trò nơi đây. Bên cạnh những gian hàng được bày trí sinh động, đẹp mắt, sáng tạo, còn là sự đa dạng của những đồ vật được mang ra trao đổi. Mặc dù giá trị của những món đồ không lớn nhưng lại chứa đựng tình cảm, sự yêu thương, sẻ chia.


Trường THCS Vĩnh Hòa lần đầu tiên tổ chức Ngày hội đổi đồ, với 14 gian hàng.
Vừa mua được 2 quyển sách, quần áo và bình đựng nước, em Nguyễn Thế Kim Đạt (học sinh lớp 7B) phấn khởi nói: "Em thấy ngày hội rất vui, mọi người được thoải mái lựa chọn đồ cho bản thân mà trong khi giá rất rẻ. Hoạt động này không chỉ giúp chúng em được trải nghiệm mà bản thân còn tìm được những món đồ phù hợp, những quyển sách hay, ưa thích".
Theo ghi nhận của PV, tại Hội chợ đổi đồ của trường THCS Vĩnh Hòa, bên cạnh sự có mặt của học sinh, người dân thì nhiều bậc phụ huynh cũng tham dự và tìm chọn cho bản thân, con em mình những món đồ phù hợp.


Nhiều phụ huynh, người dân có mặt tại ngày hội đổi đồ để lựa chọn những mặt hàng phù hợp.
Chị Nguyễn Thị Xuyến (có con học lớp 6A) cho hay, sau khi được con gái thông báo hôm tới ở trường tổ chức Ngày hội đổi đồ, chị đã động viện con tìm những đồ vật của bản thân không dùng đến, còn giá trị để mang đến lớp góp. Biết đâu những đồ này của con gái ít dùng đến, nhưng mang đến ngày hội lại rất ý nghĩa cho nhiều bạn khác.
"Hôm nay có mặt tại đây, tôi khá bất ngờ khi thấy rất nhiều đồ vật được các con mang đến trao đổi và các mặt hàng rất đa dạng. Tôi thấy, hoạt động này rất bổ ích giúp cho các con biết được tính tiết kiệm, biết chia sẻ cho nhau và yêu thương tình bạn", chị Xuyến tâm sự.

Nữ sinh trường THCS Vĩnh Hòa đang lựa chọn những món đồ ưa thích.

Một gian hàng do học sinh trực tiếp bày bán.
Đang tìm những món đồ ưa thích, chị Đàm Thị Hương (có con gái học lớp 8B) cho hay, hoạt động này khá thú vị và từ trước đến nay đây là lần đầu tiên bản thân được tham gia ngày hội đổi đồ diễn ra trong trường học.
Theo đại diện BGH nhà trường, mặt hàng chủ đạo nhất trong ngày hội hôm nay, gồm: sách tham khảo, món đồ chơi phù hợp với lứa tuổi, quần áo còn giá trị tái sử dụng….Điều đặc biệt hơn hết là tại các gian hàng các em tự đứng bán. Việc này vừa rèn kỹ năng cho học sinh tiếp cận kinh doanh, nhưng cũng dạy cho các em biết: Hạnh phúc không đến từ việc nhận lại - hạnh phúc còn đến từ cả sự cho đi.



Những bộ trang phục sáng tạo được học sinh trường THCS Vĩnh Hòa làm từ rác tái chế.
Có thể nói, ngày hội đổi đồ ở trường THCS Vĩnh Hòa không chỉ đơn thuần là hoạt động vui chơi, mà còn là bài học thực tế đầy giá trị. Bởi khi tham gia, các em học sinh sẽ được trải nghiệm một cách sinh động. Mỗi món đồ được trao đổi không chỉ là giá trị vật chất mà còn chứa đựng những kỷ niệm, tình cảm và sự sẻ chia.
Đây chính là cơ hội để học sinh hiểu được ý nghĩa của lối sống tiết kiệm, trân trọng những gì mình đang có; đồng thời lan tỏa tinh thần yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau.

Khu vực phát loại tiền có mệnh giá "đặc biệt" lưu hành trong ngày hội và nơi tiếp nhận ủng hộ học sinh khó khăn.

Số tiền thu được từ ngày hội đổi đồ được nhà trường trao tặng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh vươn lên trong học tập.
Hơn thế nữa, ngày hội còn là biểu hiện đẹp của tinh thần đoàn kết, khi mỗi món đồ được trao đi đều nhận lại những niềm vui và sự kết nối. Qua đây, học sinh sẽ thấy rằng, hạnh phúc không chỉ đến từ việc nhận mà còn từ việc cho đi từ những điều tưởng chừng nhỏ bé nhưng lại có sức lan tỏa lớn lao.
"Mục đích lớn nhất của ngày hội là san sẻ yêu thương, chống lãng phí, dạy học sinh cách tiết kiệm và tăng cường tinh thần đoàn kết, làm việc cộng đồng. Thông qua đây, giúp học sinh say mê vào những sáng tạo để quên đi những trò chơi tiêu cục, có hại cho sức khỏe; đồng thời rèn cho học sinh những kỹ năng như: tổ chức hoạt động, giao tiếp...
Tôi tin rằng, sau khi kết thúc ngày hội đổi đồ, mỗi em học sinh sẽ tích lũy được những bài học quý báu về sự sẻ chia, trân trọng và trách nhiệm với môi trường. Chúng ta không chỉ học cách tiết kiệm tài nguyên, mà còn xây dựng một cộng đồng văn minh, giàu lòng nhân ái", Hiệu trưởng trường THCS Vĩnh Hòa cho biết.