Ngày giải phóng miền Nam trong ký ức của người cựu chiến binh

Nửa thế kỷ trôi qua nhưng với cựu chiến binh, thương binh Trần Dân (ở thị trấn Đức Thọ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) ký ức về Ngày giải phóng miền Nam và những tháng ngày chiến đấu oanh liệt hào hùng vẫn còn như mới hôm qua.

Đó là giây phút mà suốt cuộc đời ông không bao giờ quên khi đất nước được thống nhất, non sông nối liền một dải.

Cựu chiến binh Trần Dân bên bức hình chụp cùng đồng đội tại Dinh Độc Lập vào 13h30 ngày 30/4/1975.

Cựu chiến binh Trần Dân bên bức hình chụp cùng đồng đội tại Dinh Độc Lập vào 13h30 ngày 30/4/1975.

Vinh dự khi chứng kiến thời khắc lịch sử

Đại úy Trần Dân, sinh năm 1955, quê ở xã Thọ Điền (huyện Vũ Quang). Khi 19 tuổi, ở độ tuổi đẹp nhất và đang trong mối tình đẹp cùng cô hàng xóm, chàng thanh niên Trần Dân vẫn tình nguyện viết đơn tham gia nhập ngũ với mong muốn cống hiến một phần nhỏ bé của mình cho Tổ quốc. Ông nhập ngũ và tham gia huấn luyện ở Đoàn 22, sau đó được biên chế vào Trung đoàn 273, Sư đoàn 341.

Đầu tháng 1/1975, khi đang tập kết ở Vĩnh Linh (Quảng Trị), đơn vị ông được lệnh tiến thẳng vào chiến trường miền Đông Nam Bộ. Ròng rã hàng mấy tháng trời vừa hành quân, vừa chiến đấu, đó cũng là năm đầu tiên, người chiến sĩ trẻ đón Tết xa nhà ngay trên đường hành quân. Ông Trần Dân chia sẻ, ở thời cuộc bấy giờ, ngày Tết cũng như ngày thường, chỉ đặc biệt hơn bởi được phát thêm một nắm cơm cộng với nỗi nhớ nhà, nhớ người thương nên anh em chiến sĩ đều động viên nhau, một lòng hướng về miền Nam ruột thịt.

Sau khi vào Nam chiến đấu, Sư đoàn 341 liên tiếp lập nhiều chiến công, góp phần cùng các đơn vị khác giải phóng các địa bàn Dầu Tiếng, Bến Cát, Bàu Bàng (Bình Dương), thị xã Xuân Lộc (Đồng Nai)... Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh (26/4 - 30/4/1975), Sư đoàn 341 đã chiến đấu anh dũng cùng với Quân đoàn 4 hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, góp phần giải phóng Sài Gòn. Đại úy Trần Dân là một trong những người lính của Sư đoàn 341 có mặt tại Dinh Độc Lập vào chiều 30/4/1975.

Ông Dân kể, vào khoảng gần 13 giờ, chiều 30/4, khi ông cùng đồng đội tiến vào Sài Gòn, chứng kiến lá cờ quân Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập và Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, tất cả chiến sỹ đều vỡ òa trong hạnh phúc.

Ông Trần Dân chia sẻ: Không thể nói hết niềm vui và hạnh phúc vỡ òa của chúng tôi lúc đó. Cùng với người dân đổ ra đường đón chào quân giải phóng, ăn mừng chiến thắng, giây phút đó, mọi người mới thực sự cảm nhận được giá trị thiêng liêng của hai chữ “hòa bình”. Trong niềm vui sướng, xúc động, lòng tôi lại trào dâng nỗi nhớ về gia đình, về người thương ở Hà Tĩnh.

Vợ chồng ông Trần Dân cùng đọc lại những bức thư thời chiến ông gửi về được bà giữ gìn cẩn thận.

Vợ chồng ông Trần Dân cùng đọc lại những bức thư thời chiến ông gửi về được bà giữ gìn cẩn thận.

Giúp đỡ những đồng đội còn khó khăn

Ở quê nhà, bên cạnh gia đình, ông Trần Dân có một người yêu son sắt thủy chung, đó là cô gái cùng làng Trần Thị Hồng. Họ lớn lên cùng nhau, cùng học phổ thông và cùng tham gia vào Hợp tác xã trồng chè Sơn Thọ (huyện Hương Sơn lúc bấy giờ). Quen và cảm mến nhau đã lâu nhưng chưa dám tỏ tình, 2 người có một chuyện tình thật đẹp.

Trước ngày lên đường nhập ngũ, chàng lính trẻ Trần Dân mới mạnh dạn xin gia đình mang cau trầu sang nhà người yêu “dạm ngõ” để thể hiện sự nghiêm túc, chân thành với người thương, cùng với lời ước hẹn “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, anh sẽ về cưới em”.

Ông Dân chia sẻ: Cuộc đời tôi may mắn hơn nhiều đồng đội khác khi xông pha cầm súng trên các chiến trường nhưng vẫn còn được sống sót trở về. Ngoài sự may mắn, linh hoạt trong chiến đấu và sự hỗ trợ của đồng đội, tôi luôn giữ hình ảnh gia đình, người yêu một lòng thủy chung chờ đợi ở quê hương để làm động lực chiến đấu.

Những năm tháng ở chiến trường, dù khó khăn, gian khổ nhưng ông vẫn tranh thủ thời gian lúc nghỉ ngơi để viết thư về cho gia đình, người yêu. Bởi với ông, đây là sợi dây kết nối duy nhất giữa tiền tuyến và hậu phương. Và cứ như vậy, mỗi lá thư được gửi về đều là một món quà vô giá đối với bà Trần Thị Hồng và gia đình, được bà cất giữ cẩn thận đến ngày nay.

Những lá thư từ chiến trường gửi về của cựu chiến binh Trần Dân luôn được vợ giữ gìn cẩn thận, đến nay đã trải qua nửa thế kỷ.

Những lá thư từ chiến trường gửi về của cựu chiến binh Trần Dân luôn được vợ giữ gìn cẩn thận, đến nay đã trải qua nửa thế kỷ.

Lần giở từng bức thư, bà Hồng xúc động đọc cho phóng viên nghe một đoạn trong lá thư ngày 3/2/1975 của ông Dân gửi về: “"Hồng em thương! Hôm nay chúng ta mới thực sự xa nhau. Đối với anh không gì bằng phải xa em. Nhưng lứa tuổi thanh niên của thời đại này chắc có lẽ em cũng hiểu. Người thanh niên của thời đại này phải sẵn sàng đi chiến đấu để bảo vệ quê hương, bảo vệ Tổ quốc, đồng thời để bảo vệ hạnh phúc của anh và em. Điều đó em phải thông cảm cho anh nhé. Biết nói sao cho thỏa tấm lòng của anh lúc này, lòng nhớ thương em, nhớ quê hương một cách xao xuyến. Nhưng bắt buộc anh phải ghìm lại nỗi nhớ thương để làm tròn nhiệm vụ cách mạng…”.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đại úy Trần Dân cùng đơn vị ở lại làm nhiệm vụ quân quản tại Sài Gòn. Năm 1977, ông cùng đơn vị tiếp tục tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam. Năm 1978, ông Dân được nghỉ phép về thăm quê. Và để giữ đúng lời hẹn ước trước khi tòng quân, anh lính trẻ đã dắt tay cô gái Trần Thị Hồng ra ủy ban xã đăng ký kết hôn. Đám cưới của họ diễn ra đơn giản rồi lại lên đường làm nhiệm vụ chiến đấu.

Vào tháng 7/1978, trong một trận đánh đối đầu với địch tại Thạch Động (Hà Tiên), ông bị thương ở đầu và được chuyển ra hậu phương điều trị. Sau khi hồi phục, ông tiếp tục trở lại đơn vị. Tháng 3/1981, Đại úy Trần Dân cùng đơn vị chuyển về Thanh Hóa. Năm 1983, ông về công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hương Sơn, đến năm 1990 thì phục viên trở về địa phương và cùng gia đình sinh sống tại thị trấn Đức Thọ. Hai ông bà có với nhau 4 người con, đều đã trưởng thành, có gia đình riêng.

Đến nay, dù tuổi cao, sức khỏe yếu do di chứng từ những vết thương cũ thỉnh thoảng tái phát, nhưng thương binh Trần Dân vẫn cùng vợ mình dành thời gian liên lạc, kết nối với các đồng đội cũ trong đơn vị để đóng góp, giúp đỡ những đồng đội còn khó khăn.

Bài và ảnh: Hoàng Ngà (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/ngay-giai-phong-mien-nam-trong-ky-uc-cua-nguoi-cuu-chien-binh-20250418155318454.htm
Zalo