Ngày bầu cử sôi động ở châu Âu

Cử tri tại Ba Lan và Romania ngày 18-5 đã bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử được cả châu Âu theo dõi sát sao

Tại Romania, vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống có ý nghĩa quyết định đến định hướng địa chính trị cũng như triển vọng kinh tế của quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) và NATO này.

Trong vòng đầu tiên diễn ra hôm 4-5, ứng viên George Simion, lãnh đạo đảng cực hữu Liên minh vì Thống nhất người Romania (AUR), dẫn đầu với tỉ lệ 41%. Theo sau là ông Nicuşor Dan, thị trưởng Bucharest và là một người ôn hòa thân phương Tây (21%). Dù vậy, các cuộc thăm dò trước thềm vòng 2 cho thấy khoảng cách giữa 2 ứng cử viên này đang thu hẹp.

Theo AP, Đảng AUR nổi lên trong cuộc bầu cử Quốc hội Romania năm 2020 và hiện trở thành đảng lớn thứ hai trong quốc hội. Những người chỉ trích cho rằng ông George Simion đe dọa đến các liên minh lâu dài của Romania trong EU và NATO. Đáp lại, nhân vật này nhấn mạnh ông muốn Romania được đối xử như "đối tác bình đẳng" tại EU, cũng như sẽ tập trung vào các cải cách như cắt giảm thủ tục hành chính, giảm thuế… và ưu tiên "khôi phục nền dân chủ".

Trong khi đó, ông Nicuşor Dan thành lập Đảng Liên minh cứu nguy Romania năm 2016. Sau đó, ông đã rời khỏi đảng này và hiện tranh cử độc lập với chương trình ủng hộ EU, Ukraine và cải cách tài chính.

Trước đó, Romania đã rơi vào khủng hoảng chính trị sau khi Tòa án Hiến pháp cuối năm ngoái hủy bỏ kết quả cuộc bầu cử diễn ra hồi tháng 11-2024, yêu cầu tổ chức lại do có những cáo buộc về vi phạm luật bầu cử. Khi đó, ứng viên cực hữu Călin Georgescu đã dẫn đầu vòng 1 cuộc bầu cử.

Với nhiệm kỳ 5 năm, tổng thống Romania có quyền quyết định quan trọng trong các vấn đề an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại. Người chiến thắng trong cuộc bầu cử nói trên sẽ có nhiệm vụ đề cử một thủ tướng mới sau khi ông Marcel Ciolacu từ chức.

Cử tri bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống Ba Lan tại TP Warsaw ngày 18-5Ảnh: AP

Cử tri bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống Ba Lan tại TP Warsaw ngày 18-5Ảnh: AP

Còn tại Ba Lan, 13 ứng cử viên đang tham gia cuộc đua trở thành nguyên thủ quốc gia tiếp theo tại vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống. Ứng cử viên dẫn đầu là ông Rafał Trzaskowski, thị trưởng Warsaw và là thành viên Liên minh Công dân của Thủ tướng Donald Tusk.

Các cuộc thăm dò dự đoán ông Trzaskowski và ông Karol Nawrocki - ứng viên độc lập được đảng bảo thủ Luật pháp và Công lý (PiS) hậu thuẫn - sẽ bước vào vòng 2, dự kiến diễn ra ngày 1-6.

Mặc dù thủ tướng và Quốc hội Ba Lan nắm quyền chủ yếu trong việc hoạch định chính sách đối nội, chức vụ tổng thống vẫn có quyền lực đáng kể. Tổng thống Ba Lan là tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, đóng vai trò trong chính sách đối ngoại, an ninh và có thể phủ quyết các dự luật.

Tổng thống mãn nhiệm Andrzej Duda, một đồng minh của PiS, đã nhiều lần sử dụng quyền phủ quyết dự luật để cản trở chương trình nghị sự của ông Tusk trong hơn một năm qua. Theo trang The Guardian, chiến thắng của ông Trzaskowski được kỳ vọng sẽ chấm dứt tình trạng bế tắc như vậy, bởi ứng viên này cam kết ủng hộ các cải cách đối với hệ thống tòa án và phương tiện truyền thông công cộng.

Trong khi đó, ông Nawrocki, người đứng đầu một viện nghiên cứu lịch sử nhà nước, xem bản thân là người bảo vệ các giá trị bảo thủ và chủ quyền quốc gia.

3 năm, tổng tuyển cử 3 lần

Cử tri Bồ Đào Nha ngày 18-5 cũng bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 3 trong vòng 3 năm, giữa lúc chính trường ngày càng phân mảnh của đất nước đang cản trở nỗ lực giải quyết các vấn đề cấp bách như nhập cư, nhà ở và chi phí sinh hoạt.

Theo hãng tin AP, các cuộc thăm dò cho thấy lần bầu cử này nhiều khả năng lại tạo ra một chính phủ thiểu số, khiến giai đoạn bất ổn chính trị hiện nay có thể còn kéo dài tại quốc gia thành viên EU với 10,6 triệu dân. Suốt 50 năm qua, Đảng Dân chủ Xã hội trung hữu và Đảng Xã hội trung tả luân phiên nắm quyền tại Bồ Đào Nha. Dù vậy, sự trỗi dậy của một số đảng mới thời gian gần đây khiến các đảng lớn không thể chiếm thế đa số trong quốc hội và hoàn thành nhiệm kỳ 4 năm.

Các vụ bê bối tham nhũng đã phủ bóng chính trường Bồ Đào Nha những năm gần đây, từ đó góp phần thúc đẩy sự trỗi dậy của đảng dân túy cực hữu Chega. Ngoài ra, sự ủng hộ dành cho Đảng Chega còn đến từ chủ trương siết chính sách nhập cư.

Theo thống kê, Bồ Đào Nha có chưa đến nửa triệu người nhập cư hợp pháp vào năm 2018 và con số này đã tăng lên hơn 1,5 triệu người vào đầu năm nay. Bên cạnh đó là hàng ngàn người nhập cư bất hợp pháp. Hai tuần trước cuộc bầu cử, chính phủ sắp mãn nhiệm thông báo trục xuất khoảng 18.000 người nước ngoài sinh sống không có giấy tờ hợp pháp. Thời điểm công bố đã làm dấy lên cáo buộc chính phủ đang cố gắng thu hút phiếu bầu từ người ủng hộ Đảng Chega.

Khủng hoảng nhà ở cũng là chủ đề gây nhiều tranh luận, nhất là khi giá nhà và tiền thuê nhà tăng vọt suốt 10 năm qua. Vấn đề càng trầm trọng hơn khi Bồ Đào Nha là một trong những quốc gia nghèo nhất Tây Âu.

Cao Lực

Hoàng Phương

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ngay-bau-cu-soi-dong-o-chau-au-19625051820302715.htm
Zalo