Ngày 8/4/2025: Giá cà phê 'rơi không điểm dừng', giá tiêu đi ngang, xuất khẩu vào Mỹ giảm mạnh; Nông sản Việt có lợi thế trong đàm phán thuế đối ứng
Mỹ chiếm 5 - 6% thị phần xuất khẩu cà phê của Việt Nam, nhưng lại chịu tác động dây chuyền, gây ảnh hưởng lớn. Ngành cà phê đang nỗ lực nâng chất lượng, tăng năng suất, hạ giá thành và đầu tư cho các thị trường gần, chi phí vận chuyển thấp, đặc biệt là thị trường châu Á, theo Đại diện Vicofa tại cuộc họp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường (7/4)

Ngày 8/4/2025: Giá cà phê 'rơi không điểm dừng', giá tiêu đi ngang, xuất khẩu vào Mỹ giảm mạnh; Nông sản Việt có lợi thế trong đàm phán thuế đối ứng. (Nguồn: Foodyoushouldtry)
Giá cà phê hôm nay 8/4/2025
Giá cà phê thế giới tiếp tục lao dốc mạnh, làn sóng bán tháo chưa dừng.
Theo Reuters, hợp đồng tương lai cà phê giao dịch trên sàn ICE giảm khi các nhà đầu tư tiếp tục lo lắng về nguy cơ suy thoái kinh tế, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump không cho thấy dấu hiệu sẽ rút lại các mức thuế quan thương mại diện rộng. Giá cà phê arabica đã chạm mức thấp nhất trong 2 tháng rưỡi và robusta xuống mức thấp nhất trong 4 tháng. Tâm lý tránh rủi ro trên các thị trường tài sản do lo ngại về cuộc chiến thương mại toàn cầu, đã gây áp lực lên hầu hết giá hàng hóa, bao gồm cả cà phê.
Đây là phiên ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục và cũng đưa giá cà phê về mức thấp nhất kể từ đầu năm 2025. Nếu tính cả phiên cuối tuần trước, giá cà phê kỳ hạn tháng 5 đã giảm tổng cộng 575 USD/tấn và tháng 7 giảm tới 611 USD/tấn.
Giá cà phê trong nước hôm nay 8/4 lao dốc theo thị trường thế giới, giảm mạnh 7.000 - 8.000 đồng/kg (khoảng 6 - 7%), xuống giao dịch trong khoảng 118.000 - 120.000 đồng/kg.
Ghi nhận của Thế giới & Việt Nam, chốt phiên giao dịch ngày 7/4, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London kỳ hạn giao hàng tháng 5/2025 giảm 316 USD, giao dịch tại 4.796 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 7/2025 giảm 328 USD, giao dịch tại 4.800 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình cao.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York giảm, kỳ hạn giao hàng tháng 5/2025 cũng giảm mạnh 20,90 Cent, giao dịch tại 344,80 Cent/lb. Kỳ hạn giao tháng 7/2025 giảm 21,35 Cent giao dịch tại 341,95 Cent/lb. Khối lượng giao dịch cao.
Giá cà phê trong nước hôm nay8/4 giảm mạnh 7.000 - 8.000 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. Đơn vị tính: VNĐ/kg

(Nguồn: giacaphe.com)
Thị trường còn đang tồn tại lo ngại rằng nhu cầu tiêu thụ cà phê sẽ suy giảm khi giá cà phê tăng cao do thuế quan áp lên người tiêu dùng.
Đồng Real Brazil giảm xuống mức thấp nhất trong 2 tháng rưỡi so với đồng USD, khiến các nhà sản xuất cà phê Brazil đẩy mạnh bán hàng xuất khẩu .
Tuy nhiên, lượng tồn kho cà phê đang thắt chặt, đã hỗ trợ phần nào giá cả. Lượng tồn kho cà phê arabica do ICE giám sát đã giảm xuống mức thấp nhất trong 1 tháng rưỡi vào thứ Hai, chỉ còn 770.476 bao.
Đồng thời, lượng tồn kho cà phê robusta do ICE giám sát cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tuần, chỉ còn 4.304 lô hàng.
Giá tiêu hôm nay 8/4/2025
Giá tiêu trong nước đi ngang
Giá tiêu tại thị trường trong nước tiếp tục được giao dịch ở mức 153.000 – 155.000 đồng/kg.
Trong đó, thương lái ở hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông đang thu mua hồ tiêu với giá 155.000 đồng/kg.
Các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Đồng Nai ở mức 154.000 đồng/kg.
Giá tiêu ở Gia Lai được giao dịch ở mức thấp nhất 153.000 đồng/kg.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), Mỹ vẫn là điểm đến xuất khẩu lớn nhất của hồ tiêu Việt Nam, tuy nhiên lượng nhập khẩu trong quý I/2025 đã giảm 32,6% so cùng kỳ, đạt 10.278 tấn.
Giá tiêu thế giới mới nhất được cập nhật từ Hiệp hội hồ tiêu quốc tế ngày 8/4 như sau:

(Nguồn: giacaphe.com)
Thông tin thị trường
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy chỉ ra một số lợi thế của mặt hàng nông sản Việt Nam trên bàn đàm phán. Theo đó, nông sản Việt Nam là mặt hàng thiết yếu, chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh và Mỹ không có nhiều lựa chọn thay thế.
Phát biểu tại cuộc họp với các doanh nghiệp, hiệp hội chiều ngày 7/4, Bộ trưởng đã chỉ ra một số lợi thế của mặt hàng nông sản Việt Nam trên bàn đàm phán, theo đó, nông sản Việt Nam là mặt hàng thiết yếu, chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh và Mỹ không có nhiều lựa chọn thay thế.
"Nông sản của Việt Nam không cạnh tranh trực tiếp với Mỹ mà mang tính bổ trợ nên nếu áp thuế cao thì người tiêu dùng Mỹ sẽ chịu thiết hại. Đồng thời, khẳng định phương châm đàm phán của Việt Nam là thiện chí, không đối đầu vì Mỹ chiếm tới 30% kim ngạch xuất khẩu, đóng góp nhiều vào GDP ", Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chia sẻ.
Cung cấp thông tin cụ thể, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, hiện tại Việt Nam đang trong tiến trình đàm phán với Mỹ liên quan đến mức thuế đối ứng lên tới 46%. Tuy nhiên, tình hình đang rất khó khăn khi Việt Nam cùng hơn 50 quốc gia khác phải xếp lịch đàm phán. Thực tế, ngay trong nội bộ Mỹ cũng đang có những ý kiến trái chiều về chính sách này, làm cho các diễn biến trong thời gian tới trở nên khó lường.
"Họ nghiên cứu rất kỹ về Việt Nam. Chúng ta nhập bao nhiêu, xuất bao nhiêu, họ nắm hết. Chúng ta không tranh cãi việc tại sao họ cho rằng mình áp thuế lên tới 90% để rồi từ đó họ áp lại mức 46%. Điều này là vô nghĩa. Nhiều đối tác từ Mỹ đã dừng hợp đồng. Tính hình chung hiện nay rất khó khăn và chúng ta phải tính đến tình huống xấu nhất là họ không thay đổi quyết định", Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết.
"Chính phủ cũng đã thể hiện thiện chí về giảm thuế, hạ hàng ràng kỹ thuật đối với hàng hóa của Mỹ. Do vậy, tôi kỳ vọng Mỹ có ứng xử thuyết phục hơn với mong muốn của Việt Nam". Người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết phương châm xử lý trong thời gian tới là các doanh nghiệp cần hết sức bình tĩnh và xử lý linh hoạt theo hướng dẫn của Chính phủ. Đồng thời, đẩy mạnh tham vấn ý kiến với các hiệp hội và đối tác thương mại phía Mỹ để họ cùng có tiếng nói.