Ngày 22/11: Giá dầu thế giới tiếp đà tăng, trong nước giảm phiên thứ 2 liên tiếp
Giá dầu thế giới hôm nay (22/11) tăng gần 2% khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine gia tăng khiến thị trường lo ngại về nguồn cung dầu thô nếu xung đột lan rộng. Tại thị trường trong nước, giá bán lẻ xăng dầu được áp dụng theo phiên điều chỉnh từ 15h ngày 21/11 của Liên Bộ Tài chính - Bộ Công thương. Cụ thể, xăng E5RON92 giảm 109 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 79 đồng/lít; dầu diesel 0.05S giảm 64 đồng/lít; dầu hỏa giảm 67 đồng/lít.
Giá xăng dầu trong nước giảm
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 22/11/2024 được áp dụng theo phiên điều chỉnh từ 15h ngày 14/11 của Liên Bộ Tài chính - Bộ Công thương.
Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 giảm 109 đồng/lít, xuống còn 19.343 đồng/lít; xăng RON 95 giảm 79 đồng/lít, xuống còn 20.528 đồng/lít.
Giá dầu diesel 0.05S: Giảm 64 đồng/lít, xuống còn 18.509 đồng/lít; Dầu hỏa giảm 67 đồng/lít, xuống còn 18.921đồng/lít. Riêng giá dầu mazut 180CST 3.5S tăng 5 đồng/kg, ở mức 16.014 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành này Liên bộ Công thương - Tài chính không trích lập, không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu diesel, dầu hỏa, dầu madút.
Như vậy, tính từ đầu năm 2024 đến nay, giá xăng trong nước đã trải qua 46 phiên điều chỉnh, trong đó có 23 phiên giảm, 18 phiên tăng và 6 phiên trái chiều.
Giá dầu thế giới tăng gần 2%
Ghi nhận trên Oilprice lúc 5h ngày 22/11/2024 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI ở mốc 70,09 USD/thùng, tăng 1,95% (tương đương tăng 1,34 USD/thùng). Tương tự, giá dầu Brent ở mốc 74,22 USD/thùng, tăng 1,94% (tương đương tăng 1,41 USD/thùng).
Giá dầu hôm nay tăng gần 2% khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine gia tăng nhanh chóng khi hai nước này bắn tên lửa vào nhau, khiến thị trường lo ngại về nguồn cung dầu thô nếu xung đột lan rộng.
Ole Hvalbye, nhà phân tích hàng hóa tại SEB, cho biết: "Sự chú ý của thị trường hiện đã chuyển sang mối lo ngại gia tăng về sự leo thang trong cuộc xung đột ở Ukraine". Nga là quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới sau Saudi Arabia, do đó, sự gián đoạn lớn có thể ảnh hưởng đến nguồn cung toàn cầu.
Thị trường chịu tác động bởi mức tăng 545.000 thùng trong kho dự trữ dầu thô của Hoa Kỳ lên 430,3 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 15/11, vượt quá kỳ vọng của các nhà phân tích. Theo dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng, lượng xăng dự trữ tuần trước tăng cao hơn dự báo, trong khi lượng sản phẩm chưng cất dự trữ giảm nhiều hơn dự kiến.
Ba nguồn tin của OPEC+ quen thuộc với các cuộc thảo luận cho biết OPEC+ có thể sẽ hoãn lại việc tăng sản lượng khi nhóm họp vào ngày 1/12 do nhu cầu dầu toàn cầu yếu.
Nhóm này, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh như Nga, bơm khoảng một nửa lượng dầu của thế giới. Ban đầu, họ đã lên kế hoạch đảo ngược dần dần việc cắt giảm sản lượng từ cuối năm 2024 và đến năm 2025./.