Ngành y tế chủ động phương án phòng dịch bệnh trong mùa lũ

Mưa đã ngừng nhưng nhiều nơi ở Thừa Thiên Huế nước lũ vẫn chưa rút hết. Dù không còn ảnh hưởng đến nhà dân nhưng đường sá bị ngập khiến việc đi lại khó khăn. Ngành y tế đang chủ động các phương án không để dịch bệnh lây lan sau mưa lũ.

Nước vẫn "bủa vây" vùng rốn lũ

Thôn Xuân Tùy, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) nằm ở cuối sông Bồ, hiện có 180 hộ dân sinh sống. Với địa hình thấp trũng, thường xuyên xảy ra ngập lụt kéo dài, đây được xem là vùng rốn lũ ở trên địa bàn tỉnh. Quá quen với ngập lụt, khi nghe dự báo mưa lớn, người dân chủ động phương án phòng chống.

Năm 2020, người dân Xuân Tùy phải sống chung với ngập lụt kéo dài hơn một tháng. Nhà cửa ngập, đường giao thông tứ phía cũng bị nước lũ bủa vây. Để thích nghi với tình hình, người dân phải tự sắm sửa, đóng các loại ghe, thuyền để làm phương tiện đi lại. Ngày 10/10, trên địa bàn huyện Quảng Điền có mưa lớn, làm ngập lụt vùng thấp trũng những ngày sau đó.

Video: Ngập lụt tại vùng rốn lũ Xuân Tùy (Thừa Thiên Huế) khiến giao thông đi lại khó khăn.

Anh Nguyễn Tuấn, người dân thôn Xuân Tùy chia sẻ, nước bắt đầu dâng và tràn vào nhà một số hộ dân hôm 13/10. So với các năm trước đây, nước chưa ngập sâu, nhưng hầu hết các tuyến đường trong thôn bị ngập, muốn di chuyển chỉ có lội bộ hoặc chèo ghe. "Người dân ở đây quá quen với ngập lụt xảy ra hàng năm. Có năm 4 đến 5 đợt ngập lụt", anh Tuấn nói.

Trong khi đó, bà Hoàng Thị Tía cho hay, địa hình ở đây thấp nên vừa mới mưa một trận lớn nước đã dâng lên, đường sá bị ngập, đi lại vô cùng vất vả. Nước lụt ngâm lâu làm hoa màu bị thối hỏng, xót lắm nhưng không biết làm sao được.

Người dân vùng rốn lũ Xuân Tùy sống chung với lũ.

Người dân vùng rốn lũ Xuân Tùy sống chung với lũ.

Ông Phan Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú cho biết, do địa bàn thấp trũng nên hàng năm thôn Xuân Tùy thường xảy ra ngập lụt, như năm 2020 kéo dài cả tháng. "Ngập lụt gây khó khăn cho người dân trong sinh hoạt, sản xuất. Tuy nhiên do quá quen với điều này, bà con có nhiều kinh nghiệm để "sống chung" với lũ lụt như chủ động kê cao đồ, tích trữ lương thực từ trước. Ngoài ra, một số hộ kinh doanh, buôn bán lẻ để tăng thu nhập", ông Phong nói.

Ông Lê Ngọc Bảo, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền cho biết, mưa lũ những ngày qua gây ngập lụt tại các tuyến đường tỉnh lộ, liên thôn, xã ở trên địa bàn. Ngoài ra, gây hư hỏng khoảng 120ha rau màu vụ Đông của người dân với mức thiệt hại từ 30% - 70%. Gây sạt lở tại kè dọc sông Bồ đoạn qua khu dịch vụ Hạ Lang, xã Quảng Phú và đoạn qua gần Nhà văn hóa thôn Phú Lễ. UBND huyện đang chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi diễn biến mưa lũ để triển khai các phương án ứng phó.

Ngành y tế chủ động phương án, không để dịch bệnh bùng phát do mưa lũ

Mùa mưa lũ là điều kiện thuận lợi để các loại dịch bệnh phát triển mạnh, nhất là các bệnh về da liễu, tiêu hóa, mắt, sốt xuất huyết... gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân. Do đó, ngoài tập trung phối hợp với các lực lượng chức năng phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trước, trong và sau mưa lũ đang được ngành y tế Thừa Thiên Huế đặc biệt quan tâm, lên kế hoạch từ sớm.

Mưa lũ gây ngập lụt đường giao thông ở thôn Xuân Tùy, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền.

Mưa lũ gây ngập lụt đường giao thông ở thôn Xuân Tùy, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền.

Huyện Quảng Điền, địa phương thấp trũng thường xảy ra ngập lụt kéo dài sau mỗi đợt mưa lớn. Để chủ động các phương án phòng chống dịch bệnh mùa mưa lũ, Trung tâm Y tế huyện Quảng Điền chuẩn bị sẵn sàng thuốc men, hóa chất và các phương tiện phòng chống dịch, kịp thời ứng phó cho các địa phương có nguy cơ bùng phát dịch.

BS.CKII Nguyễn Phương Tuấn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quảng Điền cho biết, đơn vị chuẩn bị các loại thuốc, trang thiết bị cần thiết để sẵn sàng ứng phó với mưa lũ. Trong đó, các loại thuốc chuyên trị một số bệnh thường xảy ra như da liễu, tiêu chảy, đau mắt đỏ, sốt xuất huyết. Các Trạm y tế cũng chuẩn bị thêm bông, băng, gạc để phục vụ sơ cứu kịp thời, các loại thuốc khử trùng khác như Cloramin B, hóa chất...

Vật nuôi của người dân được kê lên cao chống ngập lụt, hoa màu hư hại do nước lũ.

Vật nuôi của người dân được kê lên cao chống ngập lụt, hoa màu hư hại do nước lũ.

"Công tác vệ sinh, xử lý môi trường là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Sau lũ, môi trường bị ô nhiễm do rác thải và xác động vật, sinh vật chết làm ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước sinh hoạt của người dân. Do đó, Trung tâm chỉ đạo các Trạm y tế tuyên truyền cho nhân dân kịp thời xử lý những nguy cơ gây dịch, các biện pháp phòng chống dịch", BS. CKII Nguyễn Phương Tuấn nói.

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quảng Điền cho hay, nước lũ rút đến đâu, người dân làm vệ sinh nhà cửa và huy động cộng đồng làm vệ sinh môi trường đến đó. Ngoài ra, cần tổ chức giám sát công tác xử lý vệ sinh môi trường tại các khu vực như bến xe, chợ, trường học. Khi nước rút hết, môi trường ô nhiễm nặng nề nên cần xử lý kịp thời. Thực hiện khơi thông cống rãnh, lấp vũng nước đọng, chôn lấp xác súc vật chết. Dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, phơi khô quần áo, không treo mắc quần áo ẩm ướt vào một chỗ dễ làm nơi trú ẩn của muỗi...

Nhân viên y tế phun xử lý môi trường sau mưa lũ tại các chợ trên địa bàn huyện Quảng Điền.

Nhân viên y tế phun xử lý môi trường sau mưa lũ tại các chợ trên địa bàn huyện Quảng Điền.

Ông Nguyễn Lê Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa THiên Huế cho biết, đơn vị vừa tiến hành phân bổ 515kg Cloramin B và 28.500 viên Aquatab cho các đơn vị y tế để phục vụ công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh trước diễn biến của thời tiết trong thời gian tới.

Trước đó, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ngành y tế, nhằm sẵn sàng ứng phó kịp thời, có hiệu quả về y tế trong các tình huống thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn. Nhanh chóng khắc phục hậu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, thảm họa gây ra.

Hoàng Dũng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nganh-y-te-chu-dong-phuong-an-phong-dich-benh-trong-mua-lu-169231017140645342.htm
Zalo