Ngành xuất bản chờ sức bật thị trường vào năm mới
Hoạt động xuất bản trong năm 2023 có phần trầm lắng do bị ảnh hưởng bởi khó khăn chung của nền kinh tế. Thế nhưng, các nhà xuất bản (NXB) vẫn tập trung đầu tư các điểm mạnh của đơn vị, phủ sóng thêm kênh phát hành và tìm kiếm thị trường mới, mong chờ sức mua được hồi phục mạnh mẽ trong năm 2024.
Những điểm sáng trong bối cảnh khó khăn chung
Năm 2023, ngành xuất bản tiếp tục chịu tác động bởi nền kinh tế Việt Nam chưa thực sự khởi sắc. Người dân thắt chặt chi tiêu, nguồn nguyên liệu đầu vào bị ảnh hưởng từ tình hình biến động của kinh tế thế giới.
Tại Nhà xuất bản Trẻ, ông Nguyễn Thành Nam, Phó Giám đốc, Tổng biên tập NXB nhận định bức tranh của thị trường xuất bản 2023 có xu hướng giảm so với mọi năm ở số tựa sách mới và số lượng bản sách in. Tuy nhiên, những đơn vị không ngừng bắt nhịp để làm mới và chuyển hướng trọng tâm hoạt động phù hợp với tình hình chung, thì 2023 vẫn là năm có nhiều điểm đáng nói, nền tảng tốt để chờ 2024 khởi sắc.
Cụ thể, so với 2022, đơn vị tăng số tựa sách hơn 10%, các thể loại sách nói cũng tăng số lượng lên đến 25% trong năm 2023. Đồng thời, nhà xuất bản tiếp tục đầu tư đẩy mạnh mảng chuyển đổi số, sách kỹ năng, sách chính trị, làm mới những tác phẩm cũ và thêm những đầu sách mới, mảng sách cho thiếu nhi, phục vụ cho hoạt động giáo dục của nhà trường cũng không hạ nhiệt. Đội ngũ NXB Trẻ đang đa dạng các hình thức xuất bản sách để phục vụ rộng rãi hơn cách thức đọc của độc giả hiện nay, thêm nguồn lực chuyển đổi số.
Còn đại diện Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam nói số lượng đầu sách xuất bản năm 2023 được NXB tinh chọn nên giảm so với năm trước khoảng 20%, nhưng lượng sách tăng do tỉ lệ sách nối bản, tái bản tăng.
Đại diện cho hay đơn vị đã có hoạt động nổi bật trong lĩnh vực phát hành như tập trung kênh phát hành trong các trường học, kênh thị trường ở một số tỉnh, thành trong cả nước… Đồng thời NXB đẩy mạnh các hoạt động trên sàn thương mại điện tử, kênh nhân đạo, từ thiện, thực hiện trách nhiệm xã hội… Nhờ đó, công tác phát hành của NXB có kết quả tương đối khả quan với tăng trưởng chung toàn NXB vượt kế hoạch đặt ra (khoảng 15% trở lên).
Tại Nhà xuất bản Kim Đồng, số lượng sách xuất bản với số đầu sách 2.643 cuốn, số bản sách là 16 triệu bản, tăng nhẹ so với năm 2022. Đơn vị đẩy mạnh đầu tư cho sách tranh, mảng sách kiến thức lịch sử – giáo dục truyền thống, dòng sách đẹp (artbook), sách văn học trong nước.
Ông Văn Thành Lê, Giám đốc Chi nhánh NXB Kim Đồng tại TPHCM nhận định tình hình kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng thấp, sức mua giảm, sách giả, sách lậu tràn lan gồm cả bản giấy và bản điện tử đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất bản. Cung ứng giấy in cũng gặp khó khăn trong vận chuyển, vì vậy doanh thu của NXB không được như kì vọng.
Song các đơn vị vẫn thể hiện được thế mạnh lâu nay trên thị trường qua nhiều sự kiện tiêu biểu, thường niên. Ông Văn Thành Lê chỉ ra phía mình đã có nhiều hoạt động, đẩy mạnh quảng bá, hợp tác xuất bản quốc tế, đặc biệt NXB Kim Đồng đã công bố thể lệ giải thưởng văn học Kim Đồng lần thứ nhất gắn với cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi 2023 – 2025, cùng với đó là chuỗi hoạt động gặp gỡ tác giả viết cho thiếu nhi từ Hà Nội đến TPHCM, Thừa Thiên Huế, An Giang, Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk.
“Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt ứng dụng đọc sách điện tử Kim Đồng Comics để bạn đọc có thêm hình thức tiếp cận mới với các xuất bản phẩm tranh truyện của chúng tôi”, ông nói thêm.
Tăng cường hợp tác, mở rộng thị trường
Trước những thách thức chung của toàn ngành, các NXB tập trung nguồn lực hợp tác với nhiều tổ chức khác thúc đẩy văn hóa đọc. Bên cạnh đó, các đơn vị mở rộng tìm kiếm những nguồn sách chất lượng và khai phá chân dung nhà văn, nhà sáng tác trẻ qua nhiều hoạt động bên ngoài.
Cụ thể, ở NXB Phụ nữ Việt Nam, đại diện cho biết đội ngũ đang đẩy mạnh hướng hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, các trung tâm văn hóa, các đại sử quán để tăng cường xuất bản các tác phẩm về văn học, văn hóa, lịch sử… giới thiệu Việt Nam ra thế giới và giới thiệu văn hóa, lịch sử của các nước với bạn đọc trong nước; tăng cường chọn mua bản quyền các đề tài sách chất lượng, sách được giải thưởng; ưu tiên các tác giả sáng tác trong nước; đầu tư sâu cho nội dung và hình thức sách; đầu tư cho công tác truyền thông đa kênh các chương trình về sách và văn hóa đọc; đẩy mạnh khuyến đọc ở các tỉnh thành, vùng khó khăn…
“Nhìn chung, xu hướng mới trong xuất bản là đầu tư cho các tác giả sáng tác trong nước, đặc biệt thuộc mảng sáng tác tiểu thuyết, tản văn; làm sách đẹp, sách phục vụ bạn đọc thích sưu tầm sách; tập trung cho sách tham gia các giải thưởng uy tín trong nước (giải thưởng Sách Quốc gia)”, vị này nhìn nhận.
Ngoài ra, hoạt động đầu tư cho chuyển đổi số cũng là vấn đề trọng tâm tại các nhà xuất bản, khi độc giả ngày càng có xu hướng tham khảo, hình thành thói quen đọc sách điện tử. Việc khai thác tiềm năng từ các ứng dụng đọc sách vẫn là sân chơi các nhà xuất bản hướng đến trong tương lai.
Phía nhà xuất bản Trẻ tiếp tục duy trì những hoạt động kết nối. Nổi bật trong năm 2023, lần đầu tiên NXB dựng gian hàng độc lập tại Hội chợ sách quốc tế Frankfurt, thay vì tham gia gian hàng chung như mọi năm. NXB tăng cường hợp tác với đối tác như Fonos, VoizFM để đưa sách nói đến với bạn đọc. Ngoài các điểm bán sách truyền thống, đội ngũ ghi nhận các nền tảng online khác như website, sàn thương mại điện tử có doanh thu tăng trưởng tốt cho đơn vị. NXB Trẻ chủ động tiếp cận thêm khách hàng tại các khu vực nhỏ, lẻ thông qua hệ thống đại lý và hội chợ.
Tuy vậy, trước làn sóng chuyển đổi số, việc mua bán sách trực tuyến, vấn đề bản quyền, sách giả, nhái còn là thách thức của ngành xuất bản, khi các vấn nạn ngày càng diễn ra tinh vi và phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội.