Ngành xây dựng đón sóng từ hạ tầng
Không chỉ là động lực phục hồi kinh tế, đầu tư công còn trở thành 'cú hích' then chốt cho ngành xây dựng. Trong năm 2025, giải ngân vốn tăng mạnh sẽ là nguồn công việc dồi dào cho doanh nghiệp trong ngành…

Doanh nghiệp xây dựng hưởng lợi
Việc Chính phủ sớm giao kế hoạch vốn đầu tư công cho năm 2025 được xem là tín hiệu tích cực đối với thị trường xây dựng, đặc biệt trong bối cảnh nhiều dự án hạ tầng chiến lược đang, sẽ triển khai.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực từ giải ngân đầu tư công, ngành xây dựng cũng đối mặt với không ít thách thức về vốn, mặt bằng và nguồn cung vật liệu, những yếu tố cần được giải quyết để tận dụng hiệu quả các cơ hội tăng trưởng.
ĐỘNG LỰC CHO NGÀNH XÂY DỰNG
Theo báo cáo mới đây của Mirae Asset, năm 2025, Việt Nam đẩy mạnh đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển hạ tầng chiến lược. Nhờ đó, doanh nghiệp ngành xây dựng sẽ có sự hưởng lợi nhất định.
Với tỷ lệ nợ công năm 2024 chỉ khoảng 37% GDP, thấp hơn nhiều so với trần nợ công 60%, nên Chính phủ còn nhiều dư địa để tăng chi mà không gây áp lực ngân sách.
Giải ngân đầu tư công tiếp tục là động lực tăng trưởng chủ lực trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động. Mục tiêu giải ngân năm 2025 lên tới 825.900 tỷ đồng, tăng 21% so với kế hoạch 2024 và cao hơn 29,9% so với mức thực hiện năm trước. Đặc biệt, Thủ tướng đã giao 100% kế hoạch vốn ngay từ ngày 4/12/2024, sớm và đầy đủ hơn so với thông lệ, nhằm thúc đẩy giải ngân từ đầu năm.

Mặc dù các tổ chức có phần thận trọng khi hầu hết các dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025 dưới 7%, nhưng Chính phủ vẫn quyết tâm giữ vững mục tiêu 8%. Do vậy, công ty chứng khoán cho rằng, động thái này thể hiện quyết tâm của Chính phủ, và đầu tư công được xác định là một trong những động lực chính.
Chính phủ đang ưu tiên các động lực nội tại, đặc biệt là đầu tư công (chiếm 9 - 10% GDP). Định hướng phát triển hạ tầng đến năm 2030 gồm đường bộ (35 tỷ USD), sân bay (16,5 tỷ USD), cảng biển (13 tỷ USD), đường sắt (10 tỷ USD). Ngoài ra, dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam được xác định là dự án độc lập với quy mô lớn, với vốn đầu tư lên tới 67 tỷ USD, dự kiến triển khai 2027-2035.
Ước tính giải ngân vốn đầu tư công cả nước từ đầu năm đến ngày 31/5/2025 là 199.325 tỷ đồng, tăng 38,8% theo năm, đạt 22,2% so với kế hoạch của Bộ ngành, và đạt 24,1% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đáng chú ý, giải ngân tăng tốc kể từ tháng 3 (tháng 3 tăng 33,2% theo năm; tháng 4 tăng 57,2% theo năm; tháng 5 tăng 104% theo năm).
Riêng giải ngân đầu tư công của Bộ Xây dựng trong 5 tháng đầu năm 2025 có tốc độ tăng trưởng đạt 4,4% theo năm. Bắt đầu từ tháng 3/2025, giải ngân đã có sự cải thiện đều đặn so với cùng kỳ, với tốc độ tăng trưởng năm duy trì từ 3% lên 11% trong tháng 4, và tiếp tục giữ ở mức 7% trong tháng 5.
Mirae Asset đánh giá, chỉ những doanh nghiệp sở hữu hồ sơ năng lực thi công vững mạnh, khả năng hoàn thành dự án đúng tiến độ cao mới có thể giành được cơ hội tham gia vào các gói thầu quy mô lớn trong giai đoạn sắp tới.
Đáng chú ý, giá trị backlog (công việc tồn đọng)/doanh thu mảng xây dựng 2024 của một số doanh nghiệp niêm yết đang ở mức cao, qua đó đảm bảo nguồn công việc cho các kỳ ghi nhận doanh thu trong tương lai.

Giá trị backlog/doanh thu mảng xây dựng 2024 của một số doanh nghiệp niêm yết
Với lượng backlog hiện tại được đảm bảo, kết hợp 2025 là năm cuối của kế hoạch trung hạn 2021 - 2025, kỳ vọng về tăng trưởng kết quả kinh doanh là hoàn toàn có cơ sở. Các chủ đầu tư nhiều khả năng sẽ đẩy mạnh tiến độ bàn giao để kịp hoàn thành kế hoạch trong năm nay.
Về dài hạn, theo Mirae Asset ngành xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đầu tư công, tiếp tục cho thấy triển vọng tích cực. Chính phủ đang đẩy mạnh các kế hoạch hoàn thiện hạ tầng chiến lược, được hỗ trợ bởi các động lực chính: Tỷ lệ nợ công thấp cuối 2024 ở mức thấp 37% tạo dư địa phát triển; bộ máy hành chính tinh gọn, giảm chồng chéo; tiến trình cập nhật, hoàn thiện khung pháp lý qua việc sửa đổi các bộ luật quan trọng.
ĐỘNG LỰC ĐI KÈM THÁCH THỨC
Thuận lợi là vậy, song ngành xây dựng cũng đối mặt với nhiều thách thức. Theo Chứng khoán Dầu khí (PSI) đã chỉ ra 3 khó khăn chính của ngành xây dựng trong thời gian này.
Thứ nhất, áp lực trong huy động vốn. Trong bản dự toán ngân sách Nhà nước 2025, Bộ Tài chính đã đề ra mức dự toán cho thu và chi ngân sách Nhà nước năm 2025 lần lượt là 1.701.000 và 2.119.000 tỷ đồng. Chi ngân sách chiếm 3,6% GDP, cao hơn năm 2024 cả về tỷ trọng và số tuyệt đối. Với dự kiến chi thường xuyên là 1.260.000 tỷ đồng và mức đầu tư công cần thiết cho mức tăng trưởng 8% là khoảng 825.000 tỷ đồng nên để hoàn thành kế hoạch đề ra, huy động vốn chắc chắn sẽ chịu nhiều áp lực trong thời gian tới.
Thứ hai, tốc độ giải phóng mặt bằng còn chậm do vướng mắc liên quan đến pháp lý, quy trình phức tạp dẫn đến thời gian kéo dài. Đồng thời, việc thiếu quỹ đất định cư và không có sự đồng thuận của người dân cũng là vấn đề làm chậm tiến độ giải phóng mặt bằng.
Việc triển khai giải phóng mặt bằng không đạt tiến độ sẽ kéo theo chậm tiến độ dự án khi không có mặt bằng để triển khai thi công, đã có vốn nhưng không thể thực hiện. Đây cũng là điểm nghẽn kéo dài của đầu tư công, đòi hỏi phải có những biện pháp giải quyết để hoàn thành được kế hoạch đã đề ra.
Thứ ba, thiếu hụt một số loại nguyên vật liệu xây dựng. Một số dự án đầu tư công hiện nay đang gặp phải tình trạng thiếu hụt các nguồn nguyên vật liệu xây dựng quan trọng như cát xây dựng, đá xây dựng hay đất đắp nền do khan hiếm nguồn cung hoặc gặp khó khăn trong quá trình xin cấp phép khai thác. Điều này ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thi công dự án và sẽ là khó khăn cần giải quyết nếu muốn hoàn thành kế hoạch đầu tư công đã đề ra trong năm 2025.
Trước những khó khăn trên, PSI đã đưa ra bài học từ Trung Quốc để ngành xây dựng Việt Nam có thể phát triển bền vững hơn. Trung Quốc họ cũng chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, các dự án đầu tư công của Trung Quốc trong giai đoạn này đặc biệt tập trung xây dựng đường sá, cầu cảng, sân bay và hệ thống viễn thông.
Điều này đã giúp cơ sở hạ tầng của Trung Quốc cải thiện đáng kể, tạo điều kiện cho sản xuất, thương mại và thu hút vốn đầu tư nước ngoài, từ đó khiến vốn nhà nước thực hiện đúng vai trò là vốn mồi cho các nguồn vốn khác nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đồng thời, họ đảm bảo chất lượng thay vì số lượng khoản đầu tư. Tình trạng dư thừa công suất đã trở thành một vấn đề của Trung Quốc khi tỷ lệ công suất hiệu dụng thường duy trì ở mức dưới 80%.
Nguyên nhân của vấn đề này đến từ việc đầu tư công liên tục được đẩy mạnh mà không tính đến nhu cầu thực tế của thị trường, khiến hiệu quả đầu tư giảm sút và gây lãng phí nguồn vốn.
Vì vậy, trong quá trình thực hiện đầu tư cần nghiên cứu kĩ thị trường và chọn lọc các dự án để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn, tránh tình trạng dư thừa và lãng phí nguồn lực.
Bên cạnh đó, là sự kiểm soát nợ công, việc gia tăng đầu tư công sẽ dẫn đến việc Chính phủ tăng cường vay nợ để tài trợ cho các khoản đầu tư này. Tỷ lệ nợ công trong GDP của Trung Quốc cũng đã tăng từ 21,9% năm 1999 lên 29,2% vào năm 2007, cho thấy áp lực từ nợ công đã tăng lên cùng pha với tăng trưởng kinh tế.
“Do đó, trong bối cảnh của Việt Nam hiện tại, kiểm soát chặt chẽ nợ công và đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn sẽ cần được chú trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững”, PSI nhấn mạnh