Quảng Ngãi: Xã tiên phong tổ chức Đại hội Đảng 'không giấy' lần đầu tiên
Xã Tư Nghĩa tỉnh Quảng Ngãi tiên phong tổ chức kỳ Đại hội Đại biểu Đảng bộ xã lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025 – 2030 'không giấy', thể hiện bước chuyển mình mạnh mẽ trong hành trình chuyển đổi số, hiện đại hóa bộ máy chính quyền.
Xã tiên phong, năng động, quyết tâm bắt kịp xu thế
Chiều 12/7, chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Đăng Vinh - Bí thư Đảng ủy xã Tư Nghĩa cho biết: Công tác chuẩn bị cho Đại hội Đại biểu Đảng bộ xã lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025 – 2030, dự kiến tổ chức vào ngày 15 – 16/7/2025, đã hoàn tất.
Từ công tác hậu cần đến nội dung chương trình, mọi khâu đều được chuẩn bị kỹ lưỡng. Đặc biệt là điểm nhấn công nghệ lần đầu tiên được triển khai tại cấp xã, với tinh thần thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Không giống như nhiều địa phương khác, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Tư Nghĩa đã thống nhất thực hiện Đại hội theo hình thức “không giấy”, tức toàn bộ tài liệu sẽ được số hóa và cung cấp thông qua mã QR.
Theo đó, 250 đại biểu chính thức và hơn 100 đại biểu khách mời sẽ được trang bị các thiết bị như máy tính xách tay, máy tính bảng hoặc iPad để tra cứu thông tin, theo dõi tham luận, báo cáo từ các chi, đảng bộ cơ sở – kể cả những chi bộ nông thôn xa trung tâm.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một xã tại Quảng Ngãi thực hiện Đại hội Đảng “không giấy” – một mô hình tổ chức tiên tiến thể hiện tinh thần đổi mới, bắt nhịp với thời đại số. Sau khi tiến hành sắp xếp và hợp nhất, chính quyền Tư Nghĩa vận hành theo mô hình hai cấp, càng cho thấy quyết tâm hiện đại hóa bộ máy tổ chức, nâng cao hiệu quả công tác Đảng trong giai đoạn mới.

Đại hội Đảng "không giấy" tổ chức lần đầu tiên tại Quảng Ngãi
“Trong thời đại chuyển đổi số, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, mỗi cán bộ, đảng viên phải là người tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ, từ nhận thức đến hành động. Tư Nghĩa muốn đi đầu, làm gương, để thấy rằng cấp xã hoàn toàn có thể làm được những việc tưởng chừng chỉ cấp cao hơn mới đủ điều kiện thực hiện”, ông Nguyễn Đăng Vinh nhấn mạnh.
Tư Nghĩa- Biểu tượng đổi mới của Quảng Ngãi
Xã Tư Nghĩa được thành lập trên cơ sở hợp nhất từ bốn đơn vị hành chính: thị trấn La Hà, xã Nghĩa Trung, xã Nghĩa Thương và xã Nghĩa Hòa.
Với diện tích tự nhiên 41,933 km², quy mô dân số hơn 59.000 người, xã Tư Nghĩa hiện là một trong những địa phương có quy mô dân cư và hành chính lớn bậc nhất tỉnh Quảng Ngãi. Đảng bộ xã gồm 56 chi, đảng bộ trực thuộc, với tổng cộng 1.440 đảng viên – cho thấy sự phát triển mạnh mẽ về tổ chức Đảng tại địa phương.
Trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, Tư Nghĩa ghi dấu ấn bằng những thành tựu kinh tế đáng chú ý. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản phẩm bình quân đạt 12,44%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực: công nghiệp – xây dựng chiếm 46,76%; thương mại – dịch vụ 30,76%; nông – lâm – thủy sản 22,49%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn xã trong 5 năm qua ước đạt 209,37 tỷ đồng – con số phản ánh rõ nét sức sống kinh tế ngày một khởi sắc.
Xã Tư Nghĩa tỉnh Quảng Ngãi tiên phong tổ chức kỳ Đại hội Đại biểu Đảng bộ xã lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025 – 2030 “không giấy”, thể hiện bước chuyển mình mạnh mẽ trong hành trình chuyển đổi số, hiện đại hóa bộ máy chính quyền.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, xã đạt tổng sản lượng lương thực 203.282 tấn, riêng cây lúa diện tích 2.834 ha, năng suất bình quân 65,39 tạ/ha, sản lượng 185.315 tấn. Những con số này không chỉ thể hiện sức sản xuất ổn định mà còn chứng minh Tư Nghĩa là vùng trọng điểm nông nghiệp phía Nam tỉnh Quảng Ngãi. OCOP – Lợi thế phát triển kinh tế nông thôn mới Tư Nghĩa còn là điểm sáng trong thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).
Đến nay, xã đã có 12 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao, nổi bật như bộ sản phẩm chén, đĩa, muỗng làm từ mo cau – thân thiện môi trường và mang tính văn hóa bản địa; yến sào; những sản phẩm vừa mang tính truyền thống, vừa có tiềm năng mở rộng thị trường.
Chương trình OCOP không chỉ góp phần tạo thu nhập cho người dân địa phương mà còn định hình nên thương hiệu nông sản – thủ công nghiệp mang dấu ấn Tư Nghĩa trên bản đồ sản phẩm đặc trưng của Quảng Ngãi.

Một góc xã Tư Nghĩa
Việc tiên phong tổ chức Đại hội Đảng “không giấy” không chỉ thể hiện sự năng động, quyết liệt của lãnh đạo xã Tư Nghĩa mà còn phản ánh xu thế tất yếu của các địa phương trong kỷ nguyên chuyển đổi số. Sự kiện này không chỉ mang giá trị kỹ thuật mà còn mang giá trị biểu tượng, mở ra một chương mới trong cách tổ chức, quản lý hành chính Đảng – chính quyền ở cấp cơ sở.
Tư Nghĩa – từ một xã cửa ngõ phía Nam trung tâm tỉnh – đang dần vươn mình trở thành biểu tượng đổi mới của Quảng Ngãi. Với những bước đi táo bạo, có chiều sâu và tầm nhìn, xã Tư Nghĩa đang từng bước khẳng định vị thế của mình – không chỉ là trung tâm kinh tế mới mà còn là địa phương tiên phong về chuyển đổi số, cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ trong hệ thống chính trị.