Ngành xây dựng bứt phá nhờ sự phục hồi bất động sản và dòng vốn FDI

Sau một thời gian trầm lắng, ngành xây dựng Việt Nam đang bước vào giai đoạn phục hồi nhờ những tín hiệu tích cực từ thị trường bất động sản và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào mạnh mẽ. Sự kết hợp giữa đầu tư công, FDI và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã và đang mở ra cơ hội tăng trưởng mới cho toàn ngành xây dựng trong năm 2025 và các năm tiếp theo.

Năm 2025, ngành xây dựng phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 10,7% - 15%

Năm 2025, ngành xây dựng phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 10,7% - 15%

Sự phục hồi của ngành xây dựng không chỉ góp phần duy trì đà tăng trưởng GDP, mà còn giúp khơi thông chuỗi cung ứng vật liệu, nhân lực và tài chính cho nhiều lĩnh vực kinh tế liên quan khác như bất động sản, giao thông, logistics và thương mại.

Một trong những động lực then chốt thúc đẩy ngành xây dựng phục hồi chính là dòng vốn FDI tăng trưởng đều đặn. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào tiềm năng phát triển dài hạn của Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến xây dựng như khu công nghiệp, hạ tầng logistics, bất động sản nhà ở và du lịch nghỉ dưỡng.

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào tiềm năng phát triển dài hạn của Việt Nam

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào tiềm năng phát triển dài hạn của Việt Nam

Theo Tổng cục Thống kê, dòng vốn FDI giải ngân trong năm 2024 đạt hơn 23 tỷ USD, trong đó bất động sản là một trong những lĩnh vực thu hút FDI lớn nhất. Các tập đoàn đa quốc gia từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và châu Âu tiếp tục rót vốn để xây dựng các khu đô thị mới, nhà máy, khu công nghiệp quy mô lớn, kéo theo nhu cầu xây dựng tăng cao.

Dự báo trong năm 2025, FDI giải ngân có thể vượt ngưỡng 30 tỷ USD nếu tình hình địa chính trị ổn định và các chính sách thu hút đầu tư tiếp tục được cải thiện. Trong quý I/2025 so với cùng kỳ năm trước, vốn FDI đăng ký đạt 10,98 tỷ USD, tăng 34,7%; Vốn FDI giải ngân đạt 4,96 tỷ USD, tăng 7,2%. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 3 tháng đầu năm trong 5 năm qua, phản ánh năng lực hấp thu và giải ngân vốn FDI của nền kinh tế.

Bên cạnh FDI, đầu tư công cũng là một lực đẩy lớn cho ngành xây dựng. Trong năm 2024, giải ngân đầu tư công đạt mức cao kỷ lục, tăng hơn 28% so với kế hoạch ban đầu. Nguồn vốn này chủ yếu được phân bổ cho các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, các tuyến metro ở TP.HCM và Hà Nội, cũng như các công trình phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long.

Chính sách đẩy mạnh đầu tư công không chỉ nhằm mục tiêu kích thích tăng trưởng kinh tế, mà còn giúp tháo gỡ khó khăn cho ngành xây dựng sau thời gian dài bị đình trệ vì thủ tục pháp lý và thiếu dòng tiền. Theo kế hoạch, trong năm 2025, Chính phủ sẽ tiếp tục tăng tỷ trọng đầu tư công và khuyến khích các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết: “Trong năm 2025, ngành xây dựng phấn đấu bằng mọi cách để hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công hơn 83.000 tỷ đồng. Đây là nhiệm vụ then chốt để hỗ trợ tăng trưởng GDP và tạo cú hích cho toàn ngành.”

Ngành xây dựng sẽ bứt phá mạnh mẽ cả về sản lượng lẫn hiệu quả hoạt động

Ngành xây dựng sẽ bứt phá mạnh mẽ cả về sản lượng lẫn hiệu quả hoạt động

Trong bối cảnh bất động sản cao cấp vẫn còn nhiều thách thức, phân khúc hạ tầng và nhà ở xã hội đang trở thành điểm sáng của ngành xây dựng. Bộ Xây dựng đặt mục tiêu hoàn thành ít nhất 100.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2025, nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp.

Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng và thủ tục hành chính để khuyến khích doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này. Cùng với đó, các gói tín dụng ưu đãi như gói 120.000 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội đã phần nào giúp các dự án xây dựng được triển khai nhanh chóng hơn, tạo ra việc làm và kích thích tiêu dùng trong nền kinh tế.

Ông Nguyễn Lý Thanh Lương, Trưởng nhóm Phân tích tại VIS Ratings, nhận định: “Lợi nhuận và dòng tiền từ hoạt động xây dựng hạ tầng đã được cải thiện đáng kể. Năm 2025, khi đầu tư công tăng thêm 32%, các doanh nghiệp xây dựng sẽ có thêm động lực để ký kết hợp đồng mới và mở rộng quy mô.”

Những tín hiệu tích cực từ FDI, đầu tư công và thị trường bất động sản đang tạo đà để ngành xây dựng bước vào chu kỳ tăng trưởng mới. Các chuyên gia dự báo, năm 2025 sẽ là thời điểm ngành xây dựng bứt phá mạnh mẽ cả về sản lượng lẫn hiệu quả hoạt động, đặc biệt khi môi trường lãi suất đang ổn định và rào cản pháp lý dần được tháo gỡ.

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ vào xây dựng – như BIM (Building Information Modeling), quản lý thi công bằng phần mềm, sử dụng vật liệu xanh – cũng giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, giảm chi phí và cải thiện chất lượng công trình.

Ông Bolat Duisenov, Chủ tịch HĐQT Coteccons, chia sẻ: “Thị trường xây dựng Việt Nam đang trên đà phát triển vượt bậc. Dòng vốn FDI là động lực lớn giúp các nhà thầu trong nước tiếp cận các dự án quy mô toàn cầu, từ đó nâng tầm vị thế ngành xây dựng Việt.”

Dòng vốn FDI, đầu tư công và các chính sách hỗ trợ đang kết hợp tạo thành “tam giác phát triển” vững chắc, giúp ngành xây dựng không chỉ phục hồi mà còn bứt phá trong tương lai gần. Với sự đồng thuận từ các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia tài chính và lãnh đạo doanh nghiệp, ngành xây dựng được kỳ vọng sẽ tiếp tục đóng vai trò trụ cột trong tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2025–2030.

Đức Hiền

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nganh-xay-dung-but-pha-nho-su-phuc-hoi-bat-dong-san-va-dong-von-fdi-162873.html
Zalo