Ngành vận tải biển đổi vận?
Bất chấp các cuộc không kích và cảnh cáo của lực lượng Mỹ cùng đồng minh, lực lượng Houthi ở Yemen đã phóng tên lửa vào tàu chở hàng Gibraltar Eagle do Mỹ sở hữu trên biển Đỏ hôm 15-1.
Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ cho biết không có thương vong hay thiệt hại đáng kể.
Theo CNBC, bất ổn ở biển Đỏ thời gian qua đã khiến các hãng vận tải phải chuyển hướng số hàng hóa trị giá 200 tỉ USD sang đường vòng dài hơn qua mũi Hảo Vọng ở Nam Phi, đẩy giá cước vận tải biển lên cao - mức tối đa hiện là 10.000 USD/container 40 feet (hơn 12 m).
Tuy nhiên, các nhà quan sát thị trường lại kỳ vọng sự thay đổi này sẽ đảo ngược "vận xui" của ngành vận tải, vốn sa lầy vào cuộc suy thoái năm ngoái.
Ông Alan Baer, Giám đốc điều hành của Công ty Hậu cần OL USA, cho rằng mức giá cao hơn của năm 2024 có thể tăng thêm hàng tỉ USD lợi nhuận cho các hãng vận tải biển ngay cả khi điều này chỉ kéo dài thêm 2-3 tuần nữa. Nếu tình hình hiện tại kéo dài 3-6 tháng, lợi nhuận sẽ dần đạt đến mức của năm 2022.
Ngành vận tải biển toàn cầu vẫn chưa thoát khỏi suy thoái, do ảnh hưởng của hàng tồn kho cao và chi tiêu tiêu dùng giảm sút.
Trước khi biển Đỏ căng thẳng, giá cước container toàn cầu đã giảm hơn một nửa kể từ năm 2022 - trái ngược hoàn toàn so với sự bùng nổ giá cước sau đại dịch COVID-19.
Một báo cáo gần đây của Ngân hàng Đầu tư Jefferies (Mỹ) cho biết giá cước vận tải đường biển Á - Âu trung bình khoảng 1.500 USD/FEU vào năm 2023, hiện đã tăng hơn gấp đôi lên mức 3.500 USD/FEU. FEU là đơn vị tiêu chuẩn để đo sức chứa một container 40 feet.
Trong khi đó, Báo cáo Container John McCown uy tín trong ngành cho biết các hãng vận tải container kiếm được lợi nhuận 364 tỉ USD trong 2 năm 2021 và 2022, đáng kinh ngạc so với khoản lỗ lũy kế 8,5 tỉ USD của ngành từ năm 2016-2019. Tuy nhiên, thu nhập ròng của ngành trong quý III/2023 đã giảm tới 95,6% so với cùng kỳ năm trước đó, xuống còn 2,6 tỉ USD.