Ngành thuế vượt khó, nâng hiệu quả quản lý thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử
Trong bối cảnh thương mại điện tử (TMĐT) phát triển vượt bậc, việc quản lý thuế đối với hoạt động này trở thành một thách thức lớn với các cơ quan chức năng. Với hàng triệu giao dịch diễn ra hàng ngày trên các nền tảng TMĐT, Tổng cục Thuế đã chủ động triển khai nhiều biện pháp mạnh mẽ và sáng tạo nhằm tăng cường hiệu quả thu thuế.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn đã cuộc trao đổi với Báo điện tử Chính phủ liên quan đến nội dung thuế trong lĩnh vực TMĐT hướng tới mục tiêu đáp ứng yêu cầu quản lý hiện đại mà còn góp phần đảm bảo công bằng và minh bạch trong môi trường kinh doanh số.
Đẩy mạnh thu thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử
Theo Bộ Tài chính, lũy kế 11 tháng năm nay, các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đã nộp khoảng 108.000 tỷ đồng tiền thuế, tăng 22% so với số thuế bình quân cùng kỳ năm 2023.
Đến nay, Tổng cục Thuế đã ghi nhận 116 nhà cung cấp nước ngoài như Google, Meta, Netflix, TikTok… đăng ký, khai và nộp thuế qua Cổng Thông tin điện tử.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho biết: Để đạt được những kết quả ấn tượng trong thời gian vừa qua, Tổng cục thuế đã áp dụng các biện pháp cụ thể như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế tham gia hoạt động kinh doanh TMĐT bằng nhiều hình thức nhằm lan tỏa chủ trương chính sách của nhà nước đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về thuế của các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT; ban hành thư ngỏ gửi người nộp thuế (NNT) kinh doanh TMĐT, thư của Bộ Tài chính gửi Chủ tịch, Bí thư các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương nhằm kêu gọi cả hệ thống chính trị vào cuộc trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT.
Cung cấp các dịch vụ thuế điện tử hỗ trợ việc kê khai, nộp thuế ở mức 4.0, bảo đảm NNT có thể thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, cung cấp thông tin hoàn toàn theo hình thức điện tử, đặc biệt là đối với các nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN), sàn giao dịch TMĐT, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT.
Cơ quan quản lý đã làm giàu cơ sở dữ liệu lớn về TMĐT, thu thập thông tin từ nhiều nguồn: thông tin do 439 sàn cung cấp, thông tin thu thập được qua công tác thanh kiểm tra, thông tin thu thập trên internet, thông tin kết nối chia sẻ từ các bộ ngành. Trên cơ sở đó thực hiện khai thác, xử lý thông tin để rà soát người nộp thuế đưa vào diện quản lý, yêu cầu kê khai phù hợp thực tế, điều chỉnh doanh thu hoặc xử lý truy thu.
Ngành thuế cũng đã xây dựng mô hình quản lý rủi ro đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT, theo đó áp dụng trí tuệ nhận tạo (AI) để xử lý dữ liệu lớn, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp có rủi ro về thuế.
Triển khai công tác thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động TMĐT như: các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT nói chung, kinh doanh theo hình thức livestream nói riêng; doanh nghiệp là chủ sàn kinh doanh TMĐT; các đơn vị vận chuyển; trung gian thanh toán.
Ngành thuế cũng phối hợp với bộ ngành chia sẻ, kết nối dữ liệu phục vụ quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT theo nhiệm vụ được giao tại CT18 (Bộ Công an: rà soát và đồng nhất CSDL quốc gia về dân cư với CSDL mã số thuế; Bộ Công Thương: dữ liệu về sàn giao dịch thương mại điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông: thông tin về các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực: viễn thông, quảng cáo, phát thanh truyền hình; Ngân hàng Nhà nước thông tin về tài khoản thanh toán, dòng tiền).
Linh hoạt gỡ vướng thách thức trong thu thuế thương mại điện tử
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn phân tích: Các đối tượng kinh doanh thương mại điện tử thông qua sàn với đặc điểm là số lượng lớn; đối tượng tham gia đa dạng, thuộc nhiều thành phần; hoạt động với quy mô từ rất nhỏ đến rất lớn. Do đó việc chủ động tìm hiểu về chính sách pháp luật thuế, mức độ nhận thức và ý thức tuân thủ của người nộp thuế là khác nhau.
Qua công tác rà soát người nộp thuế kinh doanh trên sàn TMĐT trong thời gian qua, cơ quan thuế nhận thấy một số trường hợp người nộp thuế, đặc biệt là hộ, cá nhân có lúc chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, nghĩa vụ của mình với ngân sách nhà nước theo quy định, chưa biết cách thực hiện nghĩa vụ thuế, chưa tự giác hoặc chây ỳ không tuân thủ nghĩa vụ thuế.
Để hỗ trợ người nộp thuế dễ dàng trong việc tiếp cận chính sách hiện hành và thuận lợi trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế, trong thời gian qua, Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn cho biết, ngành thuế đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.
Ngành thuế cũng tổ chức hội nghị tập huấn chính sách thuế, tổ chức các cuộc họp, đối thoại với NNT nhằm tuyên truyền, kịp thời giải đáp các thắc mắc của NNT.
Tiếp tục triển khai các ứng dụng CNTT nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT thực hiện các thủ tục về thuế theo hình thức điện tử, đảm bảo cấp độ 4.0, đặc biệt trong tháng 12/2024, Tổng cục Thuế sẽ chính thức vận hành "Cổng thông tin điện tử dành cho hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký, kê khai, nộp thuế từ thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số" nhằm hỗ thêm một kênh thực hiện nghĩa vụ thuế thuận tiện cho hộ, cá nhân kinh doanh TMĐT.
Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn cho biết: Trong quá trình quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số, Tổng cục Thuế gặp một số thách thức trong việc minh bạch hóa doanh thu và giám sát giao dịch như: Khó khăn trong định danh, xác thực cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động thương mại điện tử do việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương về hộ tịch, thuế, ngân hàng, viễn thông ... còn chưa đồng bộ.
Cơ sở dữ liệu TMĐT còn một số hạn chế như: mới chỉ thu thập được phần lớn từ các sàn giao dịch TMĐT, chưa có cơ chế thu thập thông tin từ các nền tảng TMĐT khác; thông tin do sàn giao dịch TMĐT cung cấp còn chưa đầy đủ và chưa sát thực tế phát sinh để định danh toàn bộ tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT; chưa kiểm soát đầy đủ được các giao dịch kinh doanh TMĐT, giao dịch thanh toán xuyên biên giới.
Việc chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành trong thời gian qua chủ yếu theo phương thức thủ công, chưa được thực hiện theo hình thức điện tử để đảm bảo chính xác, thường xuyên, liên tục, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý.
Để đẩy mạnh công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số, đặc biệt trong việc minh bạch hóa doanh thu và giám sát giao dịch, Tổng cục Thuế đã và đang triển khai các giải pháp như: Hướng dẫn triển khai quy định trách nhiệm của nhà quản lý sàn giao dịch TMĐT, nền tảng số (bao gồm tổ chức trong nước và nước ngoài) trong việc khấu trừ, nộp thuế thay, kê khai số thuế khấu trừ thay cho hộ, cá nhân kinh doanh và quy định việc trực tiếp khai thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có phát sinh hoạt động kinh doanh TMĐT đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/1/2025.
Cơ quan thuế đã tham gia đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2020/NĐ-CP theo hướng người bán trên sàn có thể ủy nhiệm cho sàn giao dịch TMĐT lập HĐĐT giao cho người mua.
Rà soát thông tin do các sàn giao dịch TMĐT cung cấp đảm bảo thông tin được cung cấp đúng, đủ và sát với thực tế phát sinh để làm căn cứ xác định, định danh người nộp thuế có hoạt động kinh doanh TMĐT.
Lãnh đạo cơ quan thuế nhấn mạnh: Cần tiếp tục làm giàu cơ sở dữ liệu lớn về TMĐT, thu thập thông tin thông qua công tác thanh tra kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TMĐT (sàn giao dịch TMĐT, đơn vị vận chuyển, trung gian thanh toán, đại lý của nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, đơn vị truyền thông quảng cáo ...); nghiên cứu xây dựng các công cụ thu thập thông tin về kinh doanh trực tuyến; đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ ngành.
"Trên cơ sở dữ liệu lớn về TMĐT thu thập được, Tổng cục Thuế sẽ nâng cấp ứng dụng CNTT hỗ trợ NNT tra cứu thông tin về doanh thu TMĐT, doanh thu từ kinh doanh trên nền tảng số để thuận lợi trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định. Tiếp tục xây dựng mô hình quản lý rủi ro đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT, ứng dụng AI trong việc phân tích dữ liệu lớn được thu thập từ hoạt động kinh doanh TMĐT để xác định các hành vi không kê khai, nộp thuế, trốn thuế", lãnh đạo ngành thuế chia sẻ.