Ngành Thuế hỗ trợ việc kê khai, nộp thuế ở mức 4.0
Ngày 23/9, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức tọa đàm với chủ đề 'Tăng cường hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử'.
Tốc độ tăng trưởng nhanh theo từng năm
Hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam liên tục tăng trưởng đều qua các năm. Nếu như năm 2022 doanh thu thương mại điện tử tại Việt Nam đạt 83.000 tỷ đồng thì đến năm 2023 đã đạt 97.000 tỷ đồng, đặc biệt chỉ trong 7 tháng đầu năm 2024 đã đạt hơn 78.000 tỷ đồng. Sự gia tăng mạnh mẽ này không chỉ đến từ các doanh nghiệp trong nước, mà còn từ các nền tảng quốc tế như Google, Facebook và Amazon. Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục giữ vị trí đứng đầu khu vực Đông Nam Á về phát triển thương mại điện tử.
Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đánh giá, thương mại điện tử phát triển nhanh và mạnh đã đóng góp rất tích cực cho việc phát triển mô hình thương mại đại, tiện ích cho người tiêu dùng, đặc biệt trong giai đoạn COVID-19 khi giãn cách xã hội và giảm sự tiếp xúc giữa các đối tượng. Đây là phương thức rất hiệu quả để có thể phân phối hàng hóa, dịch vụ đến với người tiêu dùng cuối. Đồng thời, đây cũng là kênh để các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ có thể tham gia kinh doanh, mở rộng thị trường, nâng cao thu nhập cũng như tăng sức cạnh tranh của mình trên thị trường trong và ngoài nước.
Sự tăng trưởng nhanh của thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam trong thời gian qua là điều đáng mừng nhưng cũng đặt ra những thách thức mới đối với công tác quản lý thuế. Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) cho biết, ngành thuế đã và đang thực hiện các giải pháp đồng bộ, thống nhất. Tổng cục Thuế đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ hướng dẫn người nộp thuế tham gia hoạt động kinh doanh thương mại điện tử thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định pháp luật; hỗ trợ việc kê khai, nộp thuế ở mức 4.0, bảo đảm người nộp thuế có thể thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, cung cấp thông tin hoàn toàn theo hình thức điện tử. Ngành Thuế đã đề xuất giải pháp sửa đổi chính sách thuế một cách đồng bộ, thống nhất, không những thống nhất trong ngành thuế mà còn thống nhất trong các Bộ, ngành có liên quan đến hoạt động thương mại điện tử...
Đánh giá về những nỗ lực của ngành thuế và các cơ quan liên quan trong thời gian qua, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế phân tích,từ năm 2022 trở lại đây, khi chúng ta có eTax Mobile, lượng thu thuế tương đối lớn, lên 90.000 tỷ đồng trong năm 2023; năm 2024, khả năng thu được trên 100.000 tỷ đồng. Đặc biệt, khi chúng ta khai thác ứng dụng VneID của Bộ Công an thì việc tích hợp các dữ liệu của rất nhiều cơ quan đang tạo điều kiện thuận lợi cho không chỉ Tổng Cục thuế quản lý thương mại điện tử mà còn là điều kiện để chúng ta quản lý tốt hơn các lĩnh vực khác liên quan đến cả kinh tế và xã hội.
"Rõ ràng ở đây là sự cố gắng, nỗ lực của Tổng Cục thuế, cũng như các cơ quan ban ngành có liên quan như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương hay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, chính quyền các địa phương trong việc kết hợp để quản lý các đối tượng khác nhau trên địa bàn", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định.
Tuy nhiên, thương mại điện tử là hình thức kinh doanh có thể thay đổi rất nhanh chóng, trong khoảng thời gian rất ngắn đã có nhiều phương thức hình thức kinh doanh mới ra đời. Chính vì lẽ đó, việc quản lý thương mại điện tử cũng gặp rất nhiều khó khăn. Làm sao thu đúng, thu đủ, thu chính xác đối với hoạt động thương mại điện tử trở thành khó khăn chung với hầu hết cơ quan thuế trên thế giới, kể cả những cơ quan thuế rất phát triển như Mỹ hay Liên minh châu Âu … và nhất là Việt Nam.
Kết nối, tiến tới đồng bộ hóa dữ liệu về thuế
Nhằm quản lý thuế hiệu quả đối với hoạt động thương mại điện tử, bà Nguyễn Thị Lan Anh cho biết, ngành Thuế sẽ xây dựng mô hình quản lý rủi ro đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử; áp dụng trí tuệ nhận tạo (AI) để xử lý dữ liệu lớn, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp có rủi ro về thuế. Đặc biệt, đơn vị sẽ tiếp tục làm giàu cơ sở dữ liệu lớn về thương mại điện tử, thu thập thông tin từ nhiều nguồn, như thông tin do sàn cung cấp, từ các nền tảng xuyên biên giới, thông tin thu thập được qua công tác kiểm tra, thông tin kết nối chia sẻ từ các bộ ngành... Trên cơ sở đó, cơ quan thuế thực hiện khai thác, xử lý thông tin để rà soát người nộp thuế đưa vào diện quản lý, yêu cầu kê khai phù hợp thực tế, điều chỉnh doanh thu hoặc xử lý truy thu.
Bà Lại Việt Anh thông tin, các đơn vị đã chia sẻ dữ liệu về hơn 1.000 chủ thể sở hữu nền tảng thương mại điện tử ở dạng website hay dạng ứng dụng; tiến tới chia sẻ dữ liệu của khoảng 50.000 những chủ thể sở hữu website thương mại điện tử bán hàng. Việc chia sẻ, kết nối, tiến tới đồng bộ hóa dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước có thể tăng hiệu quả công tác quản lý, giúp giảm thời gian cho doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục với nhiều cơ quan khác nhau. Yếu tố thứ hai là ngành Thuế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, những công nghệ mới để phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo giúp sàng lọc thông tin, giám sát hoạt động thương mại trên môi trường trực tuyến giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và đánh giá tính khả thi, sự phù hợp khi triển khai tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Lan Anh cho biết, Tổng cục Thuế đã đề xuất một số nội dung trong quá trình sửa đổi Luật Quản lý thuế, Luật Thuế và các văn bản hướng dẫn theo hướng tăng cường trách nhiệm khai thuế thay, nộp thuế thay cho người bán đối với các sàn giao dịch thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến, đồng thời tăng cường trách nhiệm cung cấp thông tin của các sàn thương mại điện tử và các đơn vị cung cấp dịch vụ logistic.