Ngành Tài chính Việt Nam thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1976 - 1985)
Sau 30 năm hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ, giai đoạn 1976-1985, sứ mệnh của ngành Tài chính là huy động tốt nhất mọi nguồn lực khắc phục hậu quả chiến tranh. Công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh mới cũng đặt ra nhiều khó khăn, thử thách đòi hỏi tài chính phải tham mưu 'đúng', 'trúng' những vấn đề quản lý từ thực tiễn Đất nước.

Kỷ niệm 40 năm thành lập ngành Tài chính Việt Nam (1945-1985)
Thống nhất chính sách thuế trong cả nước
Sau ngày 30/4/1975, để chính sách thuế nông nghiệp thi hành thống nhất tại các tỉnh miền Nam, ngày 25/9/1976, Hội đồng Chính phủ ban hành Điều lệ sửa đổi, bổ sung thuế nông nghiệp. Đồng thời, từ ngày 1/7/1977, tất cả các xí nghiệp công nghiệp nhẹ ở phía Nam đều thực hiện chế độ thu quốc doanh.
Đầu năm 1979, sau khi miền Nam đã thực hiện cải tạo công thương nghiệp, Nhà nước đã cho vận dụng chính sách thuế công thương nghiệp đang áp dụng ở miền Bắc vào miền Nam và đến giữa năm 1980 thì chính sách thuế này được áp dụng thống nhất trong cả nước.
Ngày 25/2/1983, Nhà nước tiếp tục ban hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung thuế nông nghiệp, gắn công tác thu thuế theo các hạn mức cụ thể với công tác điều tra, xác định lại diện tích và hạng đất tính thuế. Chính sách trên đã phát huy hiệu quả, đảm bảo bao quát tương đối đầy đủ, toàn diện các diện tích tính thuế giúp sản xuất nông nghiệp ngày càng được mở rộng. Do đó, mặc dù tỷ lệ động viên theo biểu thuế có giảm nhưng do diện tích và năng suất tăng nên số thuế thu được hàng năm đều tăng. Thuế nông nghiệp trong 5 năm (1981-1985) bằng 12 lần so với 5 năm (1976-1980), góp phần giúp ngân sách nhà nước (NSNN) bớt khó khăn hơn.
Ngày 26/2/1983, Hội đồng Nhà nước đã ban hành sửa đổi, bổ sung điều lệ về thuế công thương nghiệp đối với pháp lệnh ban hành 1980 nhằm thúc đẩy và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, động viên và điều tiết phù hợp các khoản thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Chính sách động viên, phân phối nguồn lực tài chính nhà nước
Giai đoạn 1976-1980, NSNN đã phát triển lên một quy mô mới và đến cuối năm 1980, cả nước đã thực hiện chính sách động viên tài chính thống nhất đối với các thành phần kinh tế quốc doanh và ngoài quốc doanh.
Việc thực hiện những sửa đổi, bổ sung về thuế công thương nghiệp và thuế nông nghiệp đã làm cho chính sách động viên tài chính ngày càng phù hợp với điều kiện thực tiễn, đáp ứng các yêu cầu tăng cường quản lý của Nhà nước, thúc đẩy sản xuất phát triển, tăng thu cho NSNN, góp phần đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa. Đến năm 1980, thuế công thương nghiệp gần gấp đôi năm 1976.
Thông qua chính sách, chế độ thu mới, giai đoạn 1981-1985, ngành Tài chính đã khắc phục mọi khó khăn để góp phần tạo nên nhiều chuyển biến trong các mặt sản xuất, phân phối và lưu thông với số thu NSNN bằng 10,18 lần và chi NSNN bằng 12,01 lần so với giai đoạn 1976-1980.
Tại khu vực quốc doanh, kết quả thu tích lũy trong giai đoạn 1981-1985 bằng 14,7 lần so với giai đoạn 1976-1980. Từ ngày 1/01/1985, chế độ thu khấu hao cơ bản thay đổi mức được trích và cho xí nghiệp được sử dụng một phần hay toàn bộ khấu hao cơ bản tùy loại hình sản xuất để đầu tư chiều sâu và tái sản xuất mở rộng đưa tốc độ tăng thu trong giai đoạn 1981-1985 ngày càng tăng cao.
Những bổ sung, thay đổi hợp lý trong Pháp lệnh Thuế nông nghiệp (ngày 25/2/1983) đã nâng tỷ lệ động viên vào NSNN từ 6% giai đoạn 1976-1980 lên 10% giai đoạn 1981-1985, góp phần tăng thu và ổn định nguồn thu. Tính chung cả giai đoạn 1981-1985, số thu về thuế nông nghiệp gấp 11,7 lần so với giai đoạn 1976-1980.
Về thuế công thương nghiệp, số thu năm 1983 bằng 1,5 lần 1982; năm 1984 gấp 2 lần năm 1983 và năm 1985 tăng trên 30% so với năm 1984, nâng dần tỷ lệ động viên trên thu nhập sản xuất - kinh doanh khu vực tư nhân, tập thể, cá thể, mang lại cho tài chính nhà nước nguồn thu quan trọng. Tỷ lệ động viên thu nhập quốc dân vào ngân sách tăng, số thu trong nước chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số thu NSNN, đã đáp ứng ở mức tối thiểu các yêu cầu chi tiêu cấp thiết của kinh tế, quốc phòng và tiêu dùng xã hội.
Vấn đề phân bổ ngân sách, trong điều kiện nguồn thu chưa thể đáp ứng nhu cầu thực tế, ngoài phần chi bảo đảm kinh phí quốc phòng và an ninh, ngân sách đã dành phần đáng kể cho chi tích lũy làm cho cơ cấu chi ngân sách trong 5 năm 1976-1980 có thay đổi: Chi tiêu dùng chiếm tỷ trọng 60,8%, chi tích lũy chiếm tỷ trọng 39,2% tổng số chi ngân sách.
Có thể thấy, trong 5 năm (1976 - 1980), thu chi ngân sách đã được cơ cấu lại theo hướng tích cực: Thu trong nước đã vươn lên chiếm tỷ trọng 60,8% tổng số thu NSNN, gần bằng thời kỳ thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965); chi ngân sách cố gắng xây dựng một quan hệ hợp lý giữa tích lũy và tiêu dùng nhằm phục vụ đời sống nhân dân, bảo đảm giữ gìn an ninh và củng cố quốc phòng, đồng thời đáp ứng một phần nhu cầu vốn tái sản xuất mở rộng để khôi phục và phát triển kinh tế.
Giai đoạn này Ngân hàng Kiến thiết thuộc Bộ Tài chính được chuyển thành Ngân hàng Đầu tư xây dựng trực thuộc Ngân hàng Nhà nước với mục đích mở rộng phương thức tín dụng. Vốn xây dựng cơ bản được phân phối 84,7% cho khu vực sản xuất, trong đó ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng 45,8%, ngành nông - lâm nghiệp 25%...
Về vốn lưu động và dự trữ nhà nước, ngân sách đã dành 3,2% tổng chi NSNN, bằng 12,5% chi tích lũy và được ưu tiên cấp cho ngành thương nghiệp, lương thực, vật tư để có vốn hoạt động, đẩy mạnh thu mua, nắm nguồn hàng.
Tuy nhiên nhiệm vụ chi cho an ninh, quốc phòng; chi viện trợ chiến trường C, chiến trường K, chi trả nợ cũng chiếm tỷ trọng lớn, lên tới 31,2% và bằng 8,43 lần so với giai đoạn 1976–1980. Nhằm giảm bội chi NSNN, giai đoạn 1981–1985 (thu trong nước mới đáp ứng được 48% tổng số chi), Nhà nước đã sử dụng biện pháp vay dân (0,7%), vay nước ngoài (23,2%), số còn lại 28,1% phải phát hành tiền, phát hành công trái xây dựng Tổ quốc.
Phục vụ an ninh quốc phòng và viện trợ quốc tế
Tài chính đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và chi viện quốc tế với phần NSNN cấp cho quốc phòng các năm 1976, 1977 vẫn giữ mức như năm 1975, nhưng từ năm 1978 tăng 44%, năm 1979 tăng 107% và đến năm 1980 tăng 129%. Những năm này, nguồn viện trợ của Việt Nam cực kỳ quan trọng, cần kíp, giúp chính quyền và nhân dân Cam-pu-chia bước ra từ thảm họa của chủ nghĩa diệt chủng.
Giai đoạn 1981-1985, tình hình kinh tế - tài chính của Nhà nước tiếp tục khó khăn, tổng số chi ngân sách quốc phòng năm 1981 bằng 108% số chi của năm 1980. Ngân sách quốc phòng năm 1982 được thực hiện với tổng số chi bằng 180% so với số quyết toán năm 1981. Ngày 4/8/1982, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị quyết số 129/HĐBT giao cho quân đội tiếp tục nhiệm vụ làm kinh tế trong kế hoạch 5 năm lần thứ 3 (1981-1985) và nhiều đơn vị quân đội làm kinh tế đã cố gắng nâng cao chất lượng hạch toán kinh tế, tăng cường quản lý tài chính.
Có thể nói giai đoạn 1976-1985, ngành Tài chính đã căng mình tìm các giải pháp đáp ứng nhiệm vụ chính trị của đất nước. Nhiều kinh nghiệm về quản lý tài chính xí nghiệp quốc doanh theo hướng “cởi trói” hay từ “đột phá” giá lương tiền ở Long An được ngành Tài chính đúc rút, tham mưu cho Đảng, Nhà nước quyết tâm thực hiện công cuộc mở cửa, đổi mới kinh tế giai đoạn tiếp theo.