Ngành sản xuất vật liệu xây dựng từng bước nâng cao vị thế

Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, ngành sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) của Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc về năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và thế giới.

Phát triển vượt bậc

Ngành công nghiệp VLXD đã đạt được những bước tiến đáng kể về năng lực sản xuất trong những năm gần đây. Giai đoạn trước năm 2010 nhiều sản phẩm VLXD chủ yếu của Việt Nam như clanhke, gạch gốm ốp lát các loạt, sứ vệ sinh, kính xây dựng vẫn phải nhập khẩu để phục vụ xây dựng trong nước.

Tuy nhiên, đến nay các DN sản xuất VLXD về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng trên phạm vi toàn quốc. Nhiều sản phẩm đã tham gia vào thị trường xuất khẩu như clanhke, kính tiết kiệm năng lượng, gạch gốm ốp lát, đá ốp lát, sứ vệ sinh, vôi công nghiệp...

Dây chuyền sản xuất gạch ốp lát tại Công ty cổ phần CMC, Khu công nghiệp Thụy Vân, TP Việt Trì.

Dây chuyền sản xuất gạch ốp lát tại Công ty cổ phần CMC, Khu công nghiệp Thụy Vân, TP Việt Trì.

Những thành tựu này không chỉ giúp tăng cường sản lượng và hiệu quả sản xuất mà còn góp phần nâng cao vị thế của ngành trên thị trường quốc tế. Năng lực sản xuất một số sản phẩm VLXD quan trọng như xi măng, gốm sứ, kính xây dựng tăng từ vài chục lần đến hàng trăm lần sau 40 năm phát triển.

Cùng với đó, giá trị sản xuất VLXD không ngừng tăng, tỷ lệ đóng góp của ngành công nghiệp sản xuất VLXD vào GDP ngày càng đáng kể hơn. Đến hết năm 2023, đóng góp của ngành sản xuất VLXD cho GDP Việt Nam chiếm tỷ lệ khoảng 6 - 7%.

Theo Viện VLXD (Bộ Xây dựng), với ngành xi măng ở nước ta bắt đầu hình thành từ đầu thế kỷ 20 với sự ra đời của Nhà máy xi măng Hải Phòng, công nghệ lò đứng của Pháp gồm 2 dây chuyền công suất 20.000 tấn/năm.

Đến năm 1927, công nghệ sử dụng lò quay lần đây tiên được đưa vào nhà máy này, nâng công suất toàn ngành lên 2,6 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất xi măng trong nước ở giai đoạn trước chủ yếu là lò đứng, phương pháp khô hoặc sử dụng lò quay phương pháp ướt công suất nhỏ (trung bình từ 20.000 - 150.000 tấn/dây chuyền/năm) và được đánh giá là các công nghệ tiêu tốn nhiều nhiên liệu và năng lượng, sản phẩm sản xuất có chất lượng không cao và ổn định.

Chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam Nguyễn Quang Cung chia sẻ, thời kỳ bình minh của xi măng Việt Nam, các dự án đầu tư nhà máy được xây dựng ở nhiều miền của đất nước.

Tuy nhiên, lúc đó DN xi măng Việt Nam nhỏ bé về mặt tài chính, công nghệ và thị trường tiêu thụ cung nhỏ hơn cầu. Khi đó, các nhà máy xi măng ở Việt Nam chủ yếu sử dụng công nghệ tầm trung, chi phí đầu tư không quá cao... Đó là lý do khiến các tập đoàn có công nghệ hiện đại khó có điều kiện trúng thầu vì giá tham gia thầu thường cao hơn.

Với xuất phát điểm ngành xi măng Việt Nam sử dụng công nghệ lạc hậu, năng lực sản xuất thấp, nhưng đến nay, các dây chuyền sản xuất xi măng nước ta đều là sử dụng lò quay phương pháp khô với hệ thống calciner trao đổi nhiệt 2 nhánh, cao từ 5 - 6 tầng, công suất từ 4.000 - 12.500 tấn clinker/ngày đã đưa Việt Nam từ nước nhập khẩu thành nước xuất khẩu xi măng và có sản lượng lớn nhất khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 3 thế giới.

Về gạch ốp lát, sau năm 1985, sản xuất chưa có dây chuyền công nghệ tiên tiến. Tới năm 1993, dây chuyền gạch ốp lát ceramic, công suất 1 triệu m2/năm (hãng Welko, Ý) được Viglacera đầu tư tại Nhà máy gạch ốp lát Hà Nội (Thanh Xuân, Hà Nội).

Đây là dây chuyền sản xuất tiên tiến đầu tiên được đầu tư, sử dụng công nghệ sấy phun để sấy phối liệu và lò than lăn để nung sản phẩm. Đến năm 1996, dây chuyền sản xuất gạch granite đầu tiên được đầu tư và đi vào hoạt động tại Công ty gạch Thạch Bàn (Gia Lâm, Hà Nội) cho ra đời sản phẩm gạch ốp lát bóng gương với độ cứng bề mặt vượt trội do sử dụng đánh bóng thay cho phủ men.

Đến nay, cả nước có 83 nhà máy được đầu tư, tổng công suất 831 triệu m2/năm và là một trong 10 quốc gia sản xuất gốm sứ xây dựng lớn nhất thế giới, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn tham gia vào thị trường xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Trong năm 2023, xuất khẩu đạt doanh thu gần 58 triệu USD.

Trong khi đó, với sứ vệ sinh, trước năm 1995 chỉ có 2 nhà máy với tổng năng lực sản xuất khoảng 800.000 sản phẩm/năm, công nghệ sản xuất không đồng bộ, hệ thống lò nung chủ yếu sử dụng lò con thoi (lò hộp Shuttle), hoặc lò tuynen thế hệ cũ, các công đoạn sản xuất của nhà máy chủ yếu là thủ công nên sản phẩm có chất lượng thấp. 30 năm sau, năng lực sản xuất đã tăng gần 200 lần từ 135.000 sản phẩm/năm lên 26,5 triệu sản phẩm/năm, sản lượng sản xuất xấp xỉ 15 lần lên 13,6 triệu sản phẩm vào năm 2023.

Với kính xây dựng cũng ghi nhận các con số ấn tượng, khi tổng năng lực sản xuất tăng 57 lần từ 5,8 triệu m2/năm vào năm 1994 lên 331 triệu m2/năm vào năm 2023, đứng trong nhóm nước có sản lượng kính lớn của khu vực Đông Nam Á…

Những cơ hội mới

Nhu cầu sử dụng VLXD ở nước ta vẫn còn rất lớn vì diện tích nhà ở toàn quốc vẫn còn thấp, tỷ lệ đô thị hóa mới đạt khoảng 43%, hệ thống kết cấu hạ tầng về giao thông, năng lượng chưa hoàn thiện.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngành VLXD trong nước đã gặp khó khăn, sản lượng tiêu thụ và doanh thu đều giảm sút, dẫn đến nguy cơ đình trệ sản xuất, kinh doanh của các DN, mất việc làm của nhiều người lao động, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Các DN trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng, VLXD như thép, xi măng, nhựa đường, logistics, bất động sản dân dụng và khu công nghiệp được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ gia tăng đầu tư công trong năm 2025.

Theo một số chuyên gia, đầu tư công thường đi kèm với các dự án lớn như xây dựng đường cao tốc, cầu, sân bay, bệnh viện, trường học, khu đô thị… Những dự án này yêu cầu một lượng VLXD khổng lồ, bao gồm xi măng, thép, cát, đá, gạch, kính, nhôm và các vật liệu khác. Do đó, đầu tư công làm tăng nhu cầu về các loại VLXD.

Với nhu cầu tăng cao từ các dự án đầu tư công, các nhà sản xuất VLXD sẽ phải mở rộng quy mô sản xuất hoặc nâng cao năng lực sản xuất để đáp ứng yêu cầu thị trường. Điều này không chỉ giúp ngành phát triển mà còn góp phần tạo ra nhiều cơ hội việc làm trong ngành sản xuất và cung cấp vật liệu.

Khi Chính phủ tăng cường đầu tư công, các nhà sản xuất VLXD sẽ có cơ hội bán hàng ổn định trong một thời gian dài. Điều này tạo ra sự ổn định cho ngành, giúp giảm bớt sự biến động về giá cả VLXD, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản và các dự án tư nhân có thể chịu tác động lớn từ chu kỳ kinh tế.

Đơn cử, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng, dài 729km, đã bắt đầu thi công từ năm 2023 và dự kiến cơ bản hoàn thành vào năm 2025, vận hành từ năm 2026. Cùng với đó, một số dự án trọng điểm khác như Sân bay Long Thành, đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh và đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô cũng đang được đẩy nhanh tiến độ.

Đặc biệt, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tổng vốn đầu tư 67,3 tỷ USD dự kiến khởi công năm 2027 và hoàn thành năm 2035, sẽ tạo ra thị trường xây dựng trị giá 33,5 tỷ USD, mở ra cơ hội lớn cho các DN ngành xây dựng hạ tầng và vật liệu.

Đối với DN, ông Lê Trung Thành - Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng nhấn mạnh, phải chủ động đổi mới, áp dụng linh hoạt công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn.

Đẩy mạnh hợp tác đầu tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ, quản trị DN giúp tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường.

Mặt khác, DN vật liệu xây dựng cũng cần tập trung triển khai đổi mới, áp dụng công nghệ sản xuất và phương thức quản lý hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm; đa dạng hóa sản phẩm VLXD, phù hợp các loại hình công trình xây dựng, điều kiện khí hậu, vùng miền khác nhau; tăng cường sản xuất sản phẩm VLXD thay thế nhập khẩu đáp ứng nhu cầu thị trường; tìm kiếm, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm VLXD...

Với việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1681/QĐ-TTg ngày 28/12/2024 giao bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách T.Ư giai đoạn 2021 - 2025 và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách T.Ư năm 2024 của bộ, cơ quan T.Ư và địa phương được kỳ vọng đầu tư công sẽ nhanh chóng được thúc đẩy ngay từ đầu năm 2025.

Thành Luân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nganh-san-xuat-vat-lieu-xay-dung-tung-buoc-nang-cao-vi-the.html
Zalo