Ngành Nông nghiệp và Môi trường hành động triển khai Nghị quyết 57

Triển khai Nghị quyết 57 sẽ giúp ngành nông nghiệp và môi trường giải quyết được những thách thức như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường…

Sáng 10-5, tại tỉnh Bắc Ninh, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT) phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai "Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57 năm 2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn tham quan các mô hình máy bay không người lái. Ảnh: BTC

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn tham quan các mô hình máy bay không người lái. Ảnh: BTC

Theo Bộ trưởng NN-MT Đỗ Đức Duy, Nghị quyết 57 xác lập một định hướng chiến lược, với tầm nhìn xuyên suốt: khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững, mà còn là "thời cơ tốt nhất" để Việt Nam vươn mình thành quốc gia phát triển, giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới.

Trong bối cảnh đó, NN-MT là hai lĩnh vực đang chịu áp lực lớn từ biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và an ninh nguồn nước đã được được xác định là những "địa bàn chiến lược" để triển khai đột phá.

Bộ NN-MT đã ký kết một loạt văn bản hợp tác với doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng

Bộ NN-MT đã ký kết một loạt văn bản hợp tác với doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng

"Muốn thay đổi cục diện, bắt buộc chúng ta phải đổi mới tư duy và cách làm, phải lấy khoa học công nghệ và chuyển đổi số làm nền tảng phát triển" - Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định.

Theo đó, ngành NN-MT hoàn thiện thể chế, chính sách và cải cách thủ tục hành chính nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông dòng chảy đổi mới trong cả khu vực công và tư. Việc huy động hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho khoa học – công nghệ sẽ đóng vai trò then chốt.

Sắp xếp lại hệ thống các tổ chức khoa học công nghệ công lập theo hướng tinh gọn, hiệu quả, có sức cạnh tranh và lan tỏa tri thức ra thị trường.

Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ NN-MT đã ký kết văn bản hợp tác phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo với Liên hiệp các Hội Khoa khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Tổng hội Xây dựng Việt Nam; đồng thời ký một loạt văn bản hợp tác với doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng như: Tập đoàn PAN ký MoU với Bộ NN-MT một số nội dung chính: Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững; Phát triển ngành tôm giống chất lượng cao; Ứng dụng khoa học công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ngành thủy sản.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn, trong thời gian tới, Bắc Ninh chú trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn theo chiều sâu, bền vững; trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với nông nghiệp sinh thái, trải nghiệm, nông nghiệp đô thị; thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa ngành nông nghiệp và các ngành thương mại, dịch vụ - du lịch… xây dựng và phát triển các mặt hàng nông sản chủ lực chất lượng, có thương hiệu gắn với quy trình chế biến, bảo quản và xuất khẩu giá trị cao.

Đặc biệt, về lĩnh vực môi trường, Bắc Ninh đang xây dựng nền tảng dữ liệu số tổng hợp về môi trường và đất đai, phục vụ công tác quy hoạch, kiểm soát ô nhiễm, và quản lý biến đổi khí hậu trên địa bàn.

Lê Thúy

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nganh-nong-nghiep-va-moi-truong-hanh-dong-trien-khai-nghi-quyet-57-19625051011312083.htm
Zalo