Ngành nông nghiệp sẵn sàng phát huy lợi thế cùng với đất nước bước vào kỷ nguyên mới
Chiều 27/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Các đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT dự và chủ trì hội nghị; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dự hội nghị. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tham dự tại điểm cầu Thanh Hóa có các đồng chí: Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các ngành có liên quan của tỉnh.
Năm 2024, ngành NN&PTNT thực hiện kế hoạch trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Trong đó, có yếu tố thiên tai, đặc biệt là bão số 3 (Yagi) gây thiệt hại nặng nề... Nhưng, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành đã thống nhất từ nhận thức đến hành động, chuyển đổi mạnh mẽ sang tư duy kinh tế nông nghiệp, hội nhập quốc tế, bám sát thực tiễn, quyết tâm, quyết liệt, linh hoạt, nỗ lực, xoay chuyển tình thế vượt qua khó khăn, vướng mắc.
Nhờ vậy, năm 2024, tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 3,3%, phát triển toàn diện, đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu, cả nước có khoảng 78,7% xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng và là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và sẵn sàng phát huy lợi thế để cùng với đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Phát huy kết quả đã đạt được, năm 2025, ngành nông nghiệp phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP đạt 3,4 - 3,5%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 64-65 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM 80%; có 325 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; tỷ lệ số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm 82%; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn 60%; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42,02%...
Thảo luận tại hội nghị với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã phân tích những hạn chế, tồn tại cần tập trung khắc phục trong thời gian tới, như: chưa gỡ được "Thẻ vàng” của EC đối với khai thác hải sản; vẫn xảy ra vi phạm tại một số cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, gây phản ứng dư luận xã hội; tỷ lệ số xã đạt chuẩn NTM duy trì không tăng từ đầu năm. Số lượng HTX nông nghiệp tăng chậm, hiệu quả chưa cao; nhiều hợp tác xã chưa phát huy tốt vai trò kết nối giữa hộ nông dân và doanh nghiệp; hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai một số nơi chưa đủ năng lực chống chịu trước cấp độ, tần suất, diễn biến dị thường của thiên tai để bảo vệ an toàn cho sản xuất và tính mạng của người dân...
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao ngành nông nghiệp đã vượt qua khó khăn, nhất là công tác ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định phục hồi sản xuất.
Để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch năm 2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ NN&PTNT và các địa phương tiếp tục thực hiện các biện pháp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm. Tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi. Phát triển kinh tế hợp tác, hỗ trợ liên kết theo chuỗi giá trị.
Định hướng kế hoạch sản xuất phù hợp với thị trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm nguồn cung phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu; xây dựng nông thôn mới thực chất, hiệu quả, gắn với phát triển kinh tế nông thôn. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, ngoại giao nông nghiệp và mở cửa thị trường, đặc biệt là các thị trường còn nhiều tiềm năng, như: Halal, Trung Đông, Châu Mỹ...; hỗ trợ các địa phương kết nối, tiêu thụ nông sản vào vụ thu hoạch qua chuỗi phân phối bán lẻ, sàn thương mại điện tử.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thủy lợi và phòng chống thiên tai; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công. Thu hút các nguồn lực đầu tư hiện đại hóa hạ tầng nông nghiệp, trong đó có hạ tầng thủy sản, góp phần sớm gỡ “Thẻ vàng” đối với khai thác thủy sản. Phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua tháo gỡ rào cản, nút thắt cơ chế, chính sách, gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn.
Đổi mới phương thức, nội dung, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, nhất là truyền thông chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn. Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy khi sáp nhập và các đơn vị tinh gọn “hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả” theo kế hoạch, tiến độ, yêu cầu của Trung ương, Chính phủ; cải cách thủ tục hành chính, liên kết “5 nhà” trong sản xuất kinh doanh, kiến tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh vào nông nghiệp, nông thôn.