Phong trào 'Mỗi làng một sản phẩm' gặp thách thức trong bối cảnh mới

Phong trào Isson Ippin trong tiếng Nhật nghĩa là 'Mỗi làng một sản phẩm' được hình thành ở tỉnh Oita năm 1979. Phong trào lan rộng toàn cầu dưới cái tên OVOP (One Village One Product) hai thập niên sau đó và được Liên hiệp quốc vinh danh và khuyến khích các nước theo đuổi.

Du lịch Thái Lan đang chuyển mình với các tour du lịch nông thôn và sản phẩm OTOP. Ảnh: TAT

Du lịch Thái Lan đang chuyển mình với các tour du lịch nông thôn và sản phẩm OTOP. Ảnh: TAT

Phong trào OVOP đã lan sang hơn 40 quốc gia. Tuy vậy, phong trào đang gặp nhiều thách thức trong bối cảnh hiện nay. Tại quê nhà Nhật Bản, OVOP được xem là “già cỗi” vì được thiết kế để Nhật Bản đương đầu với các vấn đề sau Thế chiến thứ II. Còn phong trào OTOP (One Tambon One Village) của Thái Lan được xem là phiên bản thành công nhất của Isson Ippin cũng đang đứng trước thách thức phải cải tổ toàn diện.

Câu chuyện của cây mận ume tỉnh Oita

Sau Thế chiến thứ II, Nhật Bản phải vươn lên từ đống tro tàn. Tình trạng thiếu lương thực lan rộng do phần lớn dân số nông thôn, đặc biệt là người trẻ, bắt đầu rời bỏ vùng quê, tìm đến sinh sống và làm việc ở các thành phố lớn. Chính phủ đã sớm phát động chiến dịch thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên cả nước.

Oyama là một thị trấn đồi núi với gần 3.900 người dân ở tỉnh Oita, đất canh tác rất ít do địa hình gồ ghề. Thu nhập của người trồng lúa địa phương chỉ bằng 50% của người dân tỉnh Oita. Ông Harumi Yahata - Thị trưởng Oyama lúc đó - đã đưa ra ý tưởng táo bạo là trồng loại mận ume và cây hạt dẻ. Ông Yahata tin rằng đây là hai loại cây thích hợp với điều kiện đất đai của Oyama(1).

Nhưng mọi chuyện không hề dễ dàng với những người nông dân thủ cựu, luôn lo ngại những rủi ro khi trồng loại cây mới. Ông Yahata phải chỉ ra lợi thế của trồng mận ume thay vì trồng lúa. Ông cũng giới thiệu hệ thống kibbutz - một mô hình cộng đồng truyền thống dựa vào nông nghiệp ở Israel - nơi các thành viên sống và làm việc cùng nhau, chia sẻ rủi ro và cơ hội kiếm lợi nhuận trong canh tác.

Trong giai đoạn 1961-1964, thị trấn Oyama đã chi 70% ngân sách để giới thiệu và khuyến khích nông dân trồng cây mận và cây hạt dẻ. Chính quyền cung cấp miễn phí cây giống, vật tư, công nghệ và thông tin thị trường. Oyama còn trả lương cho những người nông dân chuyển từ canh tác lúa sang trồng mận và cây hạt dẻ trong bốn năm đầu, bởi cây chỉ cho huê lợi sau thời gian này. Nông dân không phải trả lãi, hay phải hoàn lại bất kỳ khoản trợ cấp nào.

Không có ủng hộ từ thế hệ lớn tuổi, ông Yahata đã cố gắng thuyết phục những người trẻ. Lúc đó, giới trẻ Nhật luôn ao ước được thăm nước Mỹ. Ông liền ra khẩu hiệu mới: “Trồng mận và đến Hawaii”. Điều này lập tức thu hút sự quan tâm của người. Nhiều bạn trẻ Oyama đã đến được Hawaii sau khi tích lũy đủ vốn liếng từ việc trồng mận. Người trẻ cũng đến Israel và một số quốc gia khác để tìm hiểu về công nghệ nông nghiệp hiện đại. Trở về nước, họ khởi nghiệp ở nghề nông và truyền lại kiến thức và đam mê cho lớp đàn em.

Các loại gạo đặc sản OCOP 3 sao của huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp tại triển lãm của Mekong Connect 2024. Ảnh: Trần Quỳnh

Các loại gạo đặc sản OCOP 3 sao của huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp tại triển lãm của Mekong Connect 2024. Ảnh: Trần Quỳnh

Chỉ có mận ume là thành công tại Oyama, còn hạt dẻ lại thất bại. Nhưng từ mận, các hợp tác xã nông nghiệp địa phương nhanh chóng mở rộng sang các loại nông sản khác. Các sản phẩm của Oyama được tập trung thành khu vực Konohana Garten trong chuỗi siêu thị Tokiwa lớn nhất Nhật Bản, có luôn nhà hàng phục vụ các sản vật Oyama…

Cả 58 thành phố, thị trấn và làng ở Oita đều thực hiện các sáng kiến riêng, có sản phẩm độc đáo. Ngoài mận ume, tỉnh Oita có thêm nấm hương shiitake, quýt Kitsuki, chanh Kabosu, thịt bò Bungo, cá khô Yonozu, rượu Mugi-shochu… Tất cả đều là thương hiệu quốc gia của Nhật Bản.

Năm 1975, Tiến sĩ Morihiko Hiramatsu đúc kết các sáng kiến từ trấn Oyama và Yufuin - nổi bật với mô hình khai thác du lịch suối nước nóng - ở Oita thành mô hình phát triển mới. Năm 1979, ông đắc cử làm Thống đốc Oita và khởi xướng mô hình Isson Ippin. Mô hình này lan rộng khắp nước Nhật, với hơn 3.000 thôn, làng tham gia vào năm 1988. OVOP sau đó lan rộng khắp châu Á và toàn cầu(2).

Phong trào khởi xướng năm 1979, chỉ trong năm đầu tiên Oita có 143 sản phẩm OVOP. Đến năm 1999, Oita có 329 sản phẩm OCOP quốc gia, tổng doanh số 141 tỉ yen mỗi năm. Khi bắt đầu, thu nhập bình quân của người dân Oita thấp nhất trong bảy tỉnh trên đảo Kyushu. Đến năm 2002, thu nhập của Oita đứng đầu Kyushu.

OTOP giúp gia tăng giá trị trái sa pô chê 100 lần

Sa pô chê là loại cây ăn trái du nhập từ Trung Mỹ vào Thái Lan, được gọi là lamut. Từ Thái Lan, lamut được đưa về trồng ở Việt Nam và người Việt gọi là hồng xiêm - trái hồng từ đất Xiêm La.

Ban đầu, lamut không được chuộng lắm ở Thái Lan - theo lời ông Watcharapong Radomsittipat, Chủ tịch Nhóm doanh nghiệp giao thương sản phẩm của cơ quan OTOP Thailand, tại diễn đàn Mekong Connect 2024(2).

Nhưng mọi sự đổi khác với sự tham gia của dự án OTOP. Đầu tiên, nhóm dự án đã nói chuyện với nông dân làm cách nào có thể gia tăng giá trị của những trái sa pô chê thường bán rẻ như cho không, chỉ 5-6 baht (khoảng 3.500-4.000 đồng) cho một chục trái. Rồi họ làm cái hộp nhỏ xinh bỏ một chục trái lamut vào. Giá từ từ được nâng lên thành 100 baht (hơn 70.000 đồng) một chục.

“Muốn bán được giá thì phải có thương hiệu, có câu chuyện, có nhãn mác vùng miền. Nông dân thường không biết sản phẩm của họ có giá trị. Chúng tôi làm chất xúc tác, cung cấp kiến thức để giúp nông dân nâng tầm giá trị nông sản”, ông Watcharapong phát biểu.

Ngoài việc ăn trái tươi, sa pô chê còn được người Thái chế biến thành mứt, làm sinh tố hay nấu chè. Người ta xay nhuyễn trái sa pô chê, thêm sữa, đường và các nguyên liệu khác để làm thành kem tươi. Một trái sa pô chê làm ra được hộp kem sa pô chê nhỏ, bán với giá 50 bath (35.000 đồng). Như vậy trái lamut đã tăng giá trị 100 lần. Ông Watcharapong nói thêm rằng dự án làm kem sa pô chê đi thi được giải nhất cuộc thi khởi nghiệp tỉnh, rồi giải nhất toàn quốc với giải thưởng 80.000 bath.

Thái Lan có 76 tỉnh và hai khu vực hành chính, đặc biệt là Bangkok và Pattaya, mỗi nơi lại có một người phụ trách các sản phẩm OTOP. Ông Watcharapong được bầu làm Chủ tịch OTOP Thailand. Và tất cả cùng làm việc dưới sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp theo tinh thần đối tác công tư (PPP).

“Nhiệm vụ của chúng tôi là phát triển thị trường, là cầu nối của nhà sản xuất sản phẩm OTOP với chính quyền, giúp đề ra chính sách và giải pháp giúp đỡ cho những nhà sản xuất”, ông Watcharapong nói về vai trò của cơ quan OTOP Thailand.

Chương trình OTOP khởi xướng năm 2001 dưới thời cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra. Tính đến cuối năm 2021, Thái Lan có hơn 208.000 sản phẩm OTOP, với năm nhóm chính gồm thực phẩm, đồ uống, dệt may, đồ trang sức và thảo dược. Trong đó, thực phẩm, trang sức và dệt may có doanh số hàng đầu. Có đến 14 kênh bán hàng OTOP ở Thái Lan, phổ biến nhất là bán ở chùa. “Làng nào cũng có chùa, tổ chức nhiều lễ hội. Đây là cơ hội tốt để bán hàng”, chủ tịch Watcharapong nói.

Chính phủ Thái Lan có chính sách xây dựng làng sản phẩm OTOP thành điểm du lịch. Hiện có 680 ngôi làng ở Thái Lan làm du lịch và bán sản phẩm OTOP. Chính phủ cũng thành lập các học viện OTOP Academy nhằm giúp đào tạo nhân lực, giữ gìn và phát huy các làng nghề truyền thống.

Hướng đi mới của OVOP toàn cầu

Ông Takafumi Ueda, cố vấn cấp cao khu vực tư nhân của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), nói rằng mô hình OVOP được xây dựng trên ba nguyên tắc hay triết lý chính.

Một, sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn toàn cầu nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa độc đáo của địa phương. Hai, trao quyền cho cộng đồng tự đổi mới, chính phủ không can thiệp quá nhiều mà chỉ hỗ trợ về mặt chính sách. Ba, phát triển nguồn nhân lực thông qua tinh thần khởi nghiệp hay ý chí làm giàu mạnh mẽ của người dân địa phương, khuyến khích tư duy tự chủ và tầm nhìn xa.

Tuy vậy, phong trào Isson Ippin hay OVOP xuất phát từ cây mận ume Oyama đang cần sự đổi mới mạnh mẽ. Đặc biệt là trong bối cảnh người trẻ Nhật Bản vẫn tiếp tục rời bỏ nông thôn về thành thị, bỏ lại những làng quê toàn người già. Xã hội hiện đại Nhật Bản ngày nay cũng khác xa bối cảnh thị trấn Oyama cách đây hơn 60 năm.

OTOP được xem là phiên bản thành công nhất của OVOP bên ngoài lãnh thổ Nhật Bản, giúp nền kinh tế nông nghiệp Thái Lan cất cánh. OTOP được đánh giá cao cả trong và ngoài nước khi tăng thu nhập cho nông dân, giúp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa và phát triển kinh tế địa phương.

Các công trình nghiên cứu của Liên hiệp quốc đã phân tích sự thành công của hai mô hình OVOP và OTOP. OVOP là mô hình bottom-up, xuất phát từ cơ sở (trấn Oyama) và đi ngược trở lên và lên cao nhất là chính quyền tỉnh Oita, nâng cao đời sống kinh tế cộng đồng. Còn OTOP lại theo chiều hướng từ cơ quan trung ương, xuống các tỉnh, thành, huyện và làng xã, các chủ thể tập trung hướng vào sản xuất hàng xuất khẩu. Đó cũng là hướng đi chính của các nước áp dụng mô hình của Nhật Bản.

Nhưng ngay chính phiên bản OTOP thành công nhất cũng cần thay đổi, bởi mô hình đã hơn 20 tuổi này cũng cần khoác lên chiếc áo mới.

“OTOP dường như đã mất đi động lực do sự thờ ơ của các cơ quan nhà nước và sự hờ hững của các nhà sản xuất địa phương. Nhiều trung tâm OTOP cộng đồng đã bỏ rơi những sản phẩm không bán được, phủ đầy bụi”, xã luận của Bangkok Post có đoạn viết(3).

Các số liệu của OTOP Thailand cũng cho thấy ngân sách của cơ quan này “trồi sụt theo sự quan tâm hay bỏ bê của chính quyền”. Cơ quan này được cấp 800 triệu baht trong năm 2003 - hai năm sau khi có quyết định thành lập, rồi năm sau tăng vọt lên 1,5 tỉ baht và rồi tụt dần xuống 400 triệu baht năm 2008. Và hiện nay, ngân sách cho OTOP Thailand chỉ còn khoảng 200 triệu baht mỗi năm.

Bangkok Post cũng vạch ra những thất bại khác của OTOP, khiến OTOP mất đi sự hấp dẫn với người tiêu dùng hiện đại ở Thái Lan: “Các nghiên cứu thị trường chưa đầy đủ cho thấy việc kiểm soát chất lượng không chặt chẽ, thiếu tính độc đáo trong thiết kế sản phẩm và bao bì là những nguyên nhân thất bại lớn nhất của sản phẩm OTOP. Giá cả không phù hợp, kênh phân phối hạn chế và tiếp thị không hiệu quả đã làm trầm trọng thêm những thách thức của chương trình OTOP”.

Bangkok Post chỉ ra rằng chương trình OTOP Thailand chỉ khai thác bề nổi thành công của OVOP Nhật Bản, mà không chú ý đến ba triết lý cốt lõi làm nền tảng cho chương trình.

Đầu tháng 11-2024, trong một cuộc họp ở Udon Thani, cựu Thủ tướng Thaksin tuyên bố chương trình OTOP cần một kế hoạch cải tổ toàn diện, có thể định lại vị thế toàn cầu của Thái Lan về các sản phẩm của cộng đồng, cung cấp một mô hình phát triển bền vững cho các quốc gia khác.

Ông Thaksin cũng nói rằng ông đã tự bỏ tiền túi hơn 300 triệu baht để thuê chuyên gia nước ngoài nghiên cứu cách cải tổ OTOP và sẽ sớm công bố kế hoạch này.

Phong trào OVOP của Nhật Bản được nhiều nước học hỏi. Tại Trung Quốc, từ những năm đầu 1980 có đến tám phong trào với tên gọi theo thôn, làng, trấn, thị xã và khu vực. Thượng Hải có ba phong trào, Giang Tô có hai, và Vũ Hán, Sơn Tây và Giang Tây mỗi nơi một. Philippines có hai phong trào.

Tại Uzbekistan, mô hình được gọi là One Mahalla One Product (Mỗi cộng đồng một sản phẩm). Ở Châu Đại Dương, đó là One Island One Product (Mỗi đảo một sản phẩm). Tại Afghanistan, mô hình có tên Our Village Our Pride (Làng tôi, niềm tự hào của tôi).

Tại Thái Lan, phong trào thành One Tambon One Product (OTOP), tại Philippines vẫn là OTOP nhưng được viết tắt từ One Town One Product. Sang Lào, phong trào có tên ODOP (Mỗi huyện một sản phẩm). Đến Việt Nam, mô hình có tên OCOP (mỗi xã một sản phẩm).

(1) https://openknowledge.fao.org/server/api/core/bitstreams/63f0f82d-548d-4537-a04a-d64ee1bfec00/content

(2) Diễn đàn hợp tác kinh tế hàng năm Mekong Connect 2024 diễn ra trong hai ngày 17 và 18-12 tại Đại học An Giang, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.

(3) https://www.bangkokpost.com/opinion/2903862/otop-rejig-overdue

Ricky Hồ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/phong-trao-moi-lang-mot-san-pham-gap-thach-thuc-trong-boi-canh-moi/
Zalo