Ngành nông nghiệp nỗ lực giữ vững thị trường và phát triển kinh tế xanh
Năm 2024 mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn thách thức nhưng ngành nông nghiệp vẫn đạt được kết quả tích cực. Trong năm mới 2025, ngành nông nghiệp xác định sẽ còn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức mới. Để đạt được mục tiêu xuất khẩu đạt 65 tỷ USD vào năm 2025, ngành nông nghiệp lên những phương án để tháo gỡ khó khăn ngay từ những tháng đầu năm. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã có buổi chia sẻ với báo chí về những mục tiêu này vào đầu Xuân Ất Tỵ 2025.
![Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chia sẻ với báo chí về những kế hoạch ngành nông nghiệp trong năm 2025.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_06_14_51414104/71f1569a6ed4878adec5.jpg)
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chia sẻ với báo chí về những kế hoạch ngành nông nghiệp trong năm 2025.
PV: Xin Thứ trưởng cho biết một số nét chính trong kết quả ngành nông nghiệp đã đạt được trong năm 2024 và tháng 1 năm 2025?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Năm 2024 đã qua, nhìn lại những kết quả đạt được có thể khẳng định ngành nông nghiệp đã tạo được nhiều dấu ấn tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội. Đặc biệt trong dịp tết Nguyên đán nhu cầu thực phẩm tăng 10-15%, song do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chủ động nên lương thực, thực phẩm dồi dào, chất lượng tăng cao, giá ổn định. Đây cũng là một trong những kết quả tích cực ngành nông nghiệp đã đạt được trong những tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025.
Tăng trưởng ngành trong tháng 1 năm 2025 đạt được những kết quả tích cực, thể hiện ở những con số sau: Sản lượng lúa đạt 2,5 triệu tấn tăng 23,8%; chăn nuôi quy mô đàn lợn trên 31 triệu con. Đàn gia cầm với quy mô 568 triệu con, tăng trưởng 1,7%. Về lâm nghiệp, gỗ rừng trồng khai thác đạt 1,16 triệu m3, tăng 8,1%. Thủy sản 594,1 nghìn tấn, tăng 0,7%. Như vậy, có thể thấy đà tăng trưởng của các lĩnh vực chính như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp vẫn duy trì ở mức tương đối tốt.
Về xuất khẩu đạt 5,08 tỷ USD, giảm 4,9%. Tuy nhiên đây mới là kết quả của một tháng, ngành nông nghiệp đã có những giải pháp trước mắt và dài hạn để duy trì được đà tăng trưởng, đồng thời về đích được mục tiêu 65 tỷ USD vào năm 2025.
PV: Theo Thứ trưởng, nguyên nhân nào dẫn đến giá trị xuất khẩu nông sản giảm trong tháng 1 vừa qua?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Có nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên có thể điểm qua một vài nguyên nhân như sau: Một số mặt hàng có sản lượng xuất khẩu tăng, nhưng giá giảm; một số sản phẩm vừa giảm về lượng vừa giảm về giá. Bên cạnh đó, một số thị trường nhập khẩu có nhu cầu giảm. Thí dụ như mặt hàng gạo. Giá gạo xuất khẩu bình quân năm 2024 đạt 627 USD/tấn, tăng 9,1% so với năm 2023. Nhưng hiện giá gạo chỉ còn khoảng 440 USD/tấn. Nguyên nhân do Ấn Độ mở cửa xuất khẩu trở lại và một số quốc gia đã tự túc được một phần lương thực. Ngoài ra, còn một nguyên nhân khác đó là quy mô, tỷ suất của các nước tăng lên do vậy giá các mặt hàng xuất khẩu của chúng ta cũng bị giảm.
Xác định được nguyên nhân đó, tới đây, ngành nông nghiệp sẽ xúc tiến mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác. Thí dụ thị trường Mỹ, năm 2024 xuất khẩu đạt 13,8 tỷ USD chiếm 21,8% tổng giá trị, thị trường Trung Quốc 13,6 tỷ USD chiếm 21,6% tổng giá trị.
Ngoài ra, thì chúng ta quan tâm thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines… Đặc biệt là đối với mặt hàng gạo, năm 2024 chúng ta xuất sang Philippines trên 2,9 triệu tấn, thu về khoản ngoại tệ tương đối tốt. Còn đối với thị trường Indonesia, theo báo cáo và thông tin của Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, chúng ta đang xúc tiến để giữ khối lượng ổn định và giá cả xuất theo thời điểm.
Mặt khác, về thị trường Halal, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo một số doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Halal như: De Heus Việt Nam, C.P. Việt Nam… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã họp bàn với các doanh nghiệp để tìm các giải pháp để “bước vào” các thị trường mới, duy trì quy mô, có đà tăng trưởng năm 2025.
![Tăng trưởng ngành trong tháng 1 năm 2025 đạt được những kết quả tích cực.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_06_14_51414104/9a3ea4559c1b75452c0a.jpg)
Tăng trưởng ngành trong tháng 1 năm 2025 đạt được những kết quả tích cực.
PV: Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, Canada, Trung Quốc khiến người ta lo ngại về một cuộc chiến tranh thương mại mới. Thứ trưởng nhận định như thế nào về những tác động tới hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tới thị trường Mỹ?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Tôi cho rằng, chính sách mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chắc chắn sẽ có tác động đến quá trình xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang thị trường Mỹ, sẽ có những khó khăn, thách thức hơn.
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất, nhì của Việt Nam. Năm 2024, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Mỹ đạt 13,8 tỷ USD, chiếm 21,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Hơn nữa, Việt Nam và Mỹ có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, chúng ta giữ quan hệ tốt với bạn trên tất cả các phương diện nên tôi cho rằng dù có tác động bởi chính sách thuế mới của Mỹ nhưng chắc chắn quá trình xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Mỹ vẫn sẽ được thúc đẩy với nhiều cơ hội.
Tôi lấy thí dụ như mặt hàng cá tra, ngày 20/1 vừa qua, Việt Nam và Mỹ đã đạt được thỏa thuận quan trọng, chấm dứt tranh chấp kéo dài về thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm cá tra, basa phile của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Trong đó, Công ty CP Vĩnh Hoàn được đưa ra khỏi danh sách áp thuế chống bán phá giá.
Điều này đánh dấu thắng lợi lớn không chỉ với Vĩnh Hoàn mà còn với ngành thủy sản Việt Nam trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp tại thị trường quốc tế.
Trước đó, ngày 31/10/2024, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã chính thức công bố quyết định công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, cho thấy những nỗ lực của các doanh nghiệp trong ngành.
Năm 2024, xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 300 triệu USD, chiếm 17% và việc được Mỹ công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm không phải là điều dễ dàng, nó cho thấy hệ thống quản lý chất lượng của các doanh nghiệp cá tra Việt Nam rất tốt.
Việt Nam và Mỹ vừa đạt được thỏa thuận quan trọng, chấm dứt tranh chấp kéo dài về thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm cá tra, basa phile của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.
PV: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những giải pháp gì trước những thay đổi, biến động chính sách từ các thị trường nhập khẩu, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Cuộc họp của Chính phủ cũng đã đưa ra nhận định, chiến tranh thương mại đã rất gần, do đó, Chính phủ, các ngành chức năng phải chuẩn bị hệ thống giải pháp để ứng phó. Với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chúng tôi xác định nhiệm vụ sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương thúc đẩy mở cửa thị trường mới, nhất là thị trường Halal, đồng thời duy trì tốt những thị trường truyền thống.
Để đạt được mục tiêu này, cần chuẩn bị vùng trồng, vùng nuôi một cách kỹ lượng, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc để có vùng nguyên liệu minh bạch, rõ ràng. Mỗi thị trường đều có tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng nhưng nếu sản xuất đáp ứng tốt các yêu cầu về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thì chắc chắn sẽ luôn tìm thấy cơ hội.
Chúng ta phải nhìn nhận một thực tế rằng, càng ra biển lớn càng khó khăn, nhưng càng khó khăn thì càng phải nỗ lực để giữ vững thị trường trên cơ sở tổ chức sản xuất tốt theo hướng kinh tế xanh.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!