Ngành nông nghiệp đang nỗ lực để hướng tới mục tiêu tăng trưởng trên 4%/năm

Để góp phần vào mục tiêu tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 ở mức 8% và tăng trưởng hai con số mỗi năm trong giai đoạn 2026-2030, ngành nông lâm ngư nghiệp được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải đạt tăng trưởng trên 4%/năm. Đây được coi là nhiệm vụ không dễ dàng, bởi quỹ đất sản xuất nông nghiệp và năng suất nông sản đều đã đạt ngưỡng tối đa…

Mục tiêu tăng trưởng của toàn ngành nông lâm ngư nghiệp năm 2025 là 3,85%.

Mục tiêu tăng trưởng của toàn ngành nông lâm ngư nghiệp năm 2025 là 3,85%.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, mục tiêu tăng trưởng của toàn ngành nông lâm ngư nghiệp trong năm 2025 là 3,85% và trong giai đoạn 2026-2030 phải tăng trưởng trên 4%/năm.

Cụ thể mục tiêu phân bổ cho từng lĩnh vực trong năm 2025: tăng trưởng của ngành trồng trọt từ 2,4 - 2,9%; tăng trưởng chăn nuôi từ 5,7 - 5,98%; tăng trưởng thủy sản kỳ vọng tăng 4,35% và lâm nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng 5,47%.

Đây là mức mục tiêu đặt ra rất cao, khi đem so với kết quả tăng trưởng của toàn ngành trong những năm qua. Cụ thể, tăng trưởng ngành nông lâm ngư nghiệp: Giai đoạn 2016-2020 đạt bình quân 2,68%/năm; năm 2021 đạt 2,9%; năm 2022 đạt 3,36%; năm 2023 đạt 3,83%; năm 2024 đạt 3,3%.

NỖ LỰC TỐI ĐA TRONG TỪNG LĨNH VỰC SẢN XUẤT

Tại cuộc họp đánh giá Kế hoạch hành động thực hiện mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp, diễn ra chiều 1/4/2025, ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết nhằm đảm bảo mức tăng 4% cho toàn ngành nông nghiệp, chúng ta đã và đang nỗ lực tối đa trong từng lĩnh vực sản xuất, từng nhóm hàng nông sản. Khi diện tích đất nông nghiệp không thể mở rộng thêm, giải pháp duy nhất là gia tăng giá trị trên mỗi đơn vị diện tích canh tác.

Theo Thứ trưởng Hoàng Trung, trong lĩnh vực trồng trọt, sản lượng lúa gạo đã đạt ngưỡng khoảng 43 triệu tấn/năm, với tổng diện tích canh tác chỉ còn 3,32 triệu ha. Để tối ưu hóa hiệu quả sản xuất, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã triển khai chiến lược phát triển theo từng vùng sinh thái, đồng thời rà soát, chuyển đổi những diện tích canh tác kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. Ngoài ra, ngành trồng trọt sẽ đẩy mạnh chế biến sâu, triển khai các giải pháp xử lý rào cản kỹ thuật một cách toàn diện.

“Việc kiểm soát tốt các yếu tố này sẽ giúp ngành trồng trọt duy trì mức tăng trưởng từ 2,65% đến 2,9%, với điều kiện thời tiết không có quá nhiều bất lợi”, Thứ trưởng Hoàng Trung nhận định.

"Nhiều địa phương chưa thống kê đầy đủ các sản phẩm thế mạnh, nên Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần rà soát, đánh giá các sản phẩm chủ lực, khuyến nghị địa phương đưa các mặt hàng đó vào kế hoạch tăng trưởng”.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Thứ trưởng Hoàng Trung cho rằng nâng cao giá trị sản phẩm không chỉ nằm ở sản lượng mà còn ở việc đảm bảo chất lượng ổn định. Đầu năm 2025, một số mặt hàng gặp rào cản kỹ thuật do chưa đạt yêu cầu chất lượng, nhưng nhờ các giải pháp kịp thời, những mặt hàng này đã dần quay lại quỹ đạo xuất khẩu. Bên cạnh đó, khơi thông nguồn lực, tháo gỡ các điểm nghẽn trong xuất khẩu sẽ giúp tránh tình trạng đình trệ, đảm bảo sản xuất ổn định và phát triển bền vững.

Phụ trách ngành lâm nghiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Quốc Trị cho hay trong năm 2024, xuất khẩu gỗ và lâm sản cũng đã tăng kỷ lục, và năm 2025 sẽ tiếp tục phát triển dựa trên nền tảng này. Trong 3 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt 3,95 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2024.

Cho rằng ngành lâm nghiệp có thể đạt được tăng trưởng 5-7% mỗi năm, ông Trị nêu một số giải pháp, đó là tăng cường trồng rừng gỗ lớn, đảm bảo năng suất và chất lượng gỗ. Cùng với đó, cần làm rõ, thống kê cụ thể các sản phẩm phụ của ngành gỗ, trong đó bao gồm thu nhập từ gỗ củi và lợi ích của dịch vụ tín chỉ carbon rừng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam cho biết vẫn còn nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long dè dặt trong việc đặt mục tiêu tăng trưởng nông nghiệp ở mức 4%, dù có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp. “

XUẤT KHẨU NÔNG LÂM THỦY SẢN VẪN TĂNG TRƯỞNG CAO

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn và cải cách hành chính là 3 trụ cột chính cho tăng trưởng nông nghiệp. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là đâu sẽ là động lực mới và làm thế nào để tận dụng tốt nhất những yếu tố này nhằm tạo đột phá cho doanh nghiệp và nông dân?

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định dư địa cho tăng trưởng vẫn còn nhiều. Do đó, cần tập trung vào việc cải thiện chất lượng con giống và đảm bảo tự chủ nguồn thức ăn chăn nuôi. Hai yếu tố then chốt này giúp nâng cao năng suất và giảm chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, giảm thất thoát sau thu hoạch cũng là một vấn đề cần được quan tâm, góp phần tối ưu hóa chuỗi giá trị trong ngành nông nghiệp.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay ngành nông nghiệp đã trải qua quý 1/2025 với nhiều thử thách, nhưng cũng đầy thành công, nhất là với nông sản và thủy sản. Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thương mại quốc tế có nhiều biến động, ngành nông sản Việt Nam đạt được kết quả xuất khẩu rất ấn tượng trong quý 1 năm nay.

Cụ thể, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản trong quý đầu năm đạt 15,71 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu thủy sản được 2,29 tỉ USD và tăng 18%; giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 4,21 tỷ USD, tăng 11,2%; giá trị xuất khẩu đầu vào sản xuất đạt 549,5 triệu USD, tăng 19,6%; giá trị xuất khẩu muối đạt 2,3 triệu USD, tăng 2,4 lần so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý 1, có những mặt hàng như lúa, gạo có tăng về sản lượng nhưng giảm giá trị, còn có những mặt hàng tăng cả giá trị lẫn tăng sản lượng; cũng có những ngành giảm về sản lượng như cà phê nhưng tăng giá trị gần 50%... Điều này chứng tỏ chúng ta đang đi đúng hướng trong việc nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông sản Việt Nam.

“Mục tiêu của chúng ta trong năm nay là đạt 65 tỷ USD, và có thể hướng tới mốc 70 tỷ USD và chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm do có tiền đề quý 1 này, dù còn nhiều thách thức phía trước”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng nêu lên những thay đổi trong chính sách thuế và các yêu cầu của các thị trường quốc tế. Đặc biệt là thị trường Mỹ đang áp dụng các biện pháp thuế quan mới đối với nhiều mặt hàng, bao gồm các sản phẩm nông sản. Để đối phó với những thay đổi này, ngành nông nghiệp Việt Nam đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng, mềm dẻo, trong đó có việc chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó và hợp tác chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan. Đồng thời, các cơ quan chuyên môn cũng đã làm việc với các đối tác quốc tế để giảm thiểu tác động tiêu cực và tìm ra các giải pháp hiệu quả nhất cho ngành nông sản Việt Nam.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

"Một yếu tố rất quan trọng đối với ngành nông nghiệp là việc triển khai các giải pháp đồng bộ về quản lý chất lượng và kiểm soát nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã phối hợp với các địa phương để triển khai các đợt kiểm tra nghiêm ngặt, nhằm đảm bảo rằng sản phẩm của chúng ta đáp ứng được các yêu cầu khắt khe từ các thị trường quốc tế.

Chiến lược phát triển trong thời gian tới, chúng ta tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, gắn liền với các yêu cầu và tiêu chuẩn quốc tế. Mục tiêu là không chỉ tăng trưởng về sản lượng mà còn nâng cao giá trị gia tăng cũng như chất lượng sản phẩm”.

Chu Khôi

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nganh-nong-nghiep-dang-no-luc-de-huong-toi-muc-tieu-tang-truong-tren-4-nam.htm
Zalo