Ngành nghỉ dưỡng Việt Nam phục hồi mạnh mẽ, chuẩn bị cho chu kỳ mới

Thông điệp trên được Ban Tổ chức Meet The Experts (MTE) – hội nghị thường niên về bất động sản và nghỉ dưỡng đưa ra trong sự kiện cùng tên diễn ra chiều ngày 24/10/2024.

Ảnh: Bình Minh.

Ảnh: Bình Minh.

MTE 2024 đã thu hút sự quan tâm tham gia của nhiều nhà phát triển bất động sản, các thương hiệu quản lý, vận hành khách sạn, nghỉ dưỡng hàng đầu tại Việt Nam và khu vực.

Theo MTE, ngành du lịch Việt Nam đã ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ từ các thị trường quốc tế, đặc biệt là Hàn Quốc. Dữ liệu từ Tổng cục Du lịch cho thấy, 9 tháng đầu năm 2024, đã có khoảng 3,4 triệu du khách Hàn Quốc đến Việt Nam, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm trước và tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2019. Hiện, Hàn Quốc cũng đã vượt qua Trung Quốc trở thành nguồn khách quốc tế lớn nhất, khi chiếm 27% lượt khách quốc tế.

Trong khi đó, Ấn Độ, dù mới chiếm 3% tổng lượt khách nhưng được đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng, khi lượt khách khai thác 9 tháng đầu năm 2024 đã tăng gấp 2 lần cùng kỳ năm 2019.

Theo MTE, thời gian qua, Việt Nam đang dần khẳng định vị thế là một trong những điểm đến yêu thích của du khách châu Á. Sản phẩm du lịch cũng đa dạng hơn với sự xuất hiện của nhiều thương hiệu khách sạn mới, thuộc nhiều phân khúc khác nhau và có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.

Phân khúc hạng sang ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực nhất. Bên cạnh đó, thị trường ngôi nhà thứ hai cũng phát đi các tín hiệu phục hồi, một vài dự án ghi nhận mức độ quan tâm cùng tỷ lệ hấp thụ khả quan. Thậm chí, ở phân khúc bất động sản nhà ở, đã xuất hiện một số dự án được chủ đầu tư thiết kế không gian sống tương tự như các dự án nghỉ dưỡng, tích hợp nhiều tiện ích, đặc biệt là tiện ích chăm sóc sức khỏe.

Về diễn biến thị trường, theo MTE, thời gian gần đây, nhu cầu thuê lại các khách sạn để khai thác kinh doanh lưu trú từ các công ty lữ hành đang gia tăng, xu hướng này được thúc đẩy bởi sự phục hồi của nhóm khách quốc tế, chủ yếu từ thị trường châu Á và một số nước châu Âu. Điều này đã tạo động lực để các công ty lữ hành, đại lý du lịch hướng đến hoàn thiện hệ sinh thái kinh doanh, gồm dịch vụ lưu trú nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh, cải thiện biên lợi nhuận hoạt động. Nhóm nhà đầu tư này thường tập trung vào các dự án có quy mô từ 100 – 150 phòng, nằm ở các điểm du lịch quen thuộc.

Theo MTE, mục tiêu của Việt Nam năm 2025 là thu hút 25 triệu lượt khách quốc tế. Và mục tiêu này tương đương lượt khách quốc tế mà Thái Lan đã đạt được từ 10 năm trước. Để mục tiêu trở thành hiện thực, Việt Nam có thể học hỏi các kinh nghiệm từ Thái Lan trong thu hút khách quốc tế, như triển khai các sản phẩm du lịch mới; nâng cao chất lượng dịch vụ; thực hiện các chương trình xúc tiến du lịch tới các thị trường tiềm năng, tăng trưởng nhanh như Trung Quốc, Ấn Độ. Cùng với đó, là các chính sách như miễn thị thực và đơn giản hóa quy trình cấp thị trường cho một số thị trường trọng điểm.

Trong khuôn khổ MTE đã diễn ra các phiên thảo luận chuyên sâu, các diễn giả đã chia sẻ góc nhìn chuyên môn về tình hình kinh tế vĩ mô, hoạt động kinh doanh khách sạn, sức hấp dẫn của các thương hiệu bán lẻ cao cấp tại các dự án phức hợp, các chuyển động trên thị trường bất động sản thương hiệu.

Cùng với đó, các diễn giả là chuyên gia, đại diện nhà phát triển dự án nghỉ dưỡng trong và ngoài nước cũng thảo luận nhiều nội dung về kinh nghiệm phát triển các dự án hạng sang, phức hợp. Điểm quan trọng khác cũng được đề cập đến là yếu tố bền vững của dự án, gắn với trải nghiệm toàn diện về không gian sống, chất lượng dịch vụ tại các dự án bất động sản và nghỉ dưỡng.

Bình Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/nganh-nghi-duong-viet-nam-phuc-hoi-manh-me-chuan-bi-cho-chu-ky-moi-post356584.html
Zalo