Ngành nghề nông thôn - kết quả nhiều, khó khăn không ít

Ngành nghề, làng nghề nông thôn Lâm Đồng với đa dạng loại hình phát triển từng bước hiệu quả quy mô hộ gia đình đến tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng quá trình hoạt động vẫn còn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Cần quy hoạch phát triển ngành nghề trồng dâu, nuôi tằm, chế biến tơ lụa gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương

Cần quy hoạch phát triển ngành nghề trồng dâu, nuôi tằm, chế biến tơ lụa gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương

Theo Chi cục Phát triển nông thôn Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có 31 làng nghề và làng nghề truyền thống với tổng số hơn 16.550 lao động làm việc thường xuyên, tổng doanh thu năm 2024 hơn 675,7 tỷ đồng. Cơ cấu ngành nghề gồm 5 nhóm, trong đó tỷ lệ làng nghề chiếm 30% dệt thổ cẩm, mây tre đan; 23% chế biến rượu cần, làm bánh tráng, sản xuất các loại nấm; 20% trồng dâu tằm, sản xuất kén, chế biến tơ; 17% trồng và kinh doanh hoa các loại. Thu nhập bình quân của người lao động làng nghề gần 4,3 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, lao động sản xuất, chế biến tơ tằm trong làng nghề thu nhập hơn 7,2 triệu đồng/người/tháng.

Riêng ngành nghề nông thôn đạt tổng doanh thu năm 2024 gồm các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thủ công mỹ nghệ (102 tỷ đồng); sinh vật cảnh (79 tỷ đồng); chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất (22 tỷ đồng); đồ gỗ, gốm sứ, mây tre đan, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ, thủy tinh (hơn 1,5 tỷ đồng). Tính chung toàn tỉnh đang phát triển 5 nhóm ngành nghề với 76 nghề truyền thống. Trong đó có 2 nghề truyền thống đã được UBND tỉnh quyết định công nhận là: Nghề đúc nhẫn bạc của đồng bào dân tộc Churu ở xã Tu Tra, huyện Đơn Dương và nghề dệt thổ cẩm tại Thôn 4, xã Phù Mỹ, huyện Đạ Huoai…

Trong thời gian vừa qua, toàn tỉnh triển khai gần 6 tỷ đồng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới hỗ trợ phát triển làng nghề trên địa bàn. Cụ thể, hỗ trợ các hạng mục gồm: 18 mô hình phát triển sản xuất; 2 dự án phát triển ngành nghề; 15 lớp tập huấn, đào tạo nghề cho 700 lao động; xây dựng và đầu tư trang thiết bị 12 phòng trưng bày; tham gia 14 đợt hội chợ và festival cho 14 cơ sở làng nghề…

Đặc biệt, trong 35 điểm du lịch nông thôn toàn tỉnh triển khai giai đoạn năm 2023 - 2025 có 10 điểm du lịch làng nghề với những thương hiệu nổi tiếng về các sản phẩm hoa trên địa bàn TP Đà Lạt, rượu cần “Bon Lang Biang” gắn với Khu du lịch Lang Biang; dệt thổ cẩm Buôn Ka Tung gắn với du lịch suối nước nóng Đạ Long; dệt thổ cẩm K’Long, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng gắn với tuyến du lịch Quốc lộ 20, điểm du lịch Làng Gà; trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà gắn với tuyến du lịch thác Bảy Tầng, xã Tà Nung, TP Đà Lạt; dệt thổ cẩm Đam Pao, huyện Lâm Hà.

Bên cạnh những kết quả đáng kể nói trên, Chi cục Phát triển nông thôn Lâm Đồng cũng đã nhìn nhận những khó khăn của ngành nghề, làng nghề Lâm Đồng đang “thiếu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng quy mô, thay đổi công nghệ và trang thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất. Trong khi trình độ quản lý, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh của chủ cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu. Chất lượng sản phẩm ngành nghề còn thấp, mức độ kỷ xảo không đồng đều. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất, kinh doanh chưa tiếp cận nguồn vốn ưu đãi do vướng mắc nhiều thủ tục, thời hạn cho vay ngắn…”.

Bởi vậy, giải pháp trong thời gian tới cần tập trung hỗ trợ đầu tư các ngành nghề chủ lực trong toàn tỉnh về chế biến thực phẩm, đồ uống, chè và cà phê chất lượng cao, may đan, dệt thổ cẩm, đan lát tre nứa, chế biến song mây, gỗ cao cấp, dân dụng, mỹ nghệ, trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa… Đồng thời, tiếp tục hoàn tất chứng nhận thương hiệu, đăng ký mẫu mã, bao bì, công bố chất lượng sản phẩm; tăng cường xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ trong nước và quốc tế để kết nối giao thương sản phẩm ngành nghề của địa phương.

Về lâu dài, cần quy hoạch phát triển các ngành nghề mũi nhọn như: trồng hoa, trồng dâu, nuôi tằm, chế biến tơ lụa, dệt thổ cẩm, mây tre đan xuất khẩu, đồ gỗ dân dụng, thủ công mỹ nghệ; ngành nghề truyền thống rèn thủ công, cơ khí, sửa chữa máy nông cụ, gốm; ngành nghề mới về sinh vật cảnh, thêu ren, móc sợi. Quy hoạch này phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhằm góp phần huy động các nguồn lực đầu tư phát triển sản phẩm ngành nghề gắn với nhu cầu đặt hàng dài hạn của khách hàng trong và ngoài nước.

VĂN VIỆT

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202505/nganh-nghe-nong-thon-ket-qua-nhieu-kho-khan-khong-it-848415d/
Zalo