Ngành ngân hàng tiên phong chuyển đổi số trong kỷ nguyên mới

Toàn ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tiên phong, đi đầu trong chuyển đổi số để cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Chia sẻ tại Hội nghị phát động phong trào "Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số" và phong trào "Bình dân học vụ số" của ngành ngân hàng gắn với Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, chuyển đổi số là con đường tất yếu để phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, vì vậy chúng ta vui vẻ, phấn khởi, nhiệt huyết cùng nhau bước đi, không ngần ngại và không thể có cản trở. Toàn ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tiên phong, đi đầu trong chuyển đổi số để cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thông đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

Thông đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

Theo Thống đốc, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá, động lực chính để đất nước ta phát triển trong kỷ nguyên mới. Đây là nội dung được xác định rất rõ trong Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị. Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo, chuyển đổi số bắt đầu từ thay đổi tư duy, nhận thức, không ai được đứng ngoài cuộc.

Chính vì vậy, để thay đổi tư duy, nhận thức và thành công trong công cuộc chuyển đổi số thì mỗi cán bộ ngân hàng dù ở bất cứ vị trí nào cũng cần nâng cao kiến thức số, từ đó đóng góp thiết thực vào nâng cao hiệu quả công việc của đơn vị, đồng thời góp phần hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số ở các cơ quan, bộ, ngành và cả nền kinh tế. Bởi lẽ, để tiến tới nền kinh tế số, ngành ngân hàng có vai trò vô cùng quan trọng.

Thống đốc chỉ rõ, ngành ngân hàng có nhận thức và thống nhất cao về vai trò và tầm quan trọng của chuyển đổi số. Ngay khi có nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động của Bộ Chính trị, Chính phủ, ngành ngân hàng cũng có kế hoạch triển khai cụ thể. NHNN thành lập ban chỉ đạo, thường xuyên họp để lãnh đạo công tác chuyển đổi số trong toàn ngành.

NHNN phát động phong trào thi đua "Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số" và phong trào "Bình dân học vụ số" trong ngành ngân hàng với mục tiêu hướng tới thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số toàn diện trong toàn ngành, khơi dậy khát vọng phát triển quốc gia, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, lan tỏa các sáng kiến hiệu quả trong học tập, rèn luyện kỹ năng số và cải tiến công việc.

Ngành ngân hàng hướng đến xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo, văn hóa số, văn hóa học tập suốt đời, ra quyết định dựa trên dữ liệu, làm chủ công nghệ mới, phát triển các sản phẩm số, đồng thời chú trọng thu hút và phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao. Đây là những nền tảng quan trọng để ngành tiếp tục bứt phá, thích ứng với xu thế tài chính số toàn cầu.

Phong trào thi đua là lời cam kết của ngành ngân hàng trong việc đồng hành cùng đất nước trên hành trình phổ cập kỹ năng số đến từng tổ chức, cá nhân, không để ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên số.

Thống đốc cũng nhìn nhận việc phát động mạnh mẽ phong trào thi đua "Cả nước thi đua đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số" và "Bình dân học vụ số" nhằm thay đổi tư duy, thay đổi nhận thức, khơi dậy tinh thần học hỏi, thay đổi, thích nghi và truyền cảm hứng đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, hình thành làn sóng đổi mới sáng tạo lan tỏa trong toàn ngành.

Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực số: Tập trung nghiên cứu, rà soát, cập nhật, bổ sung các chính sách, hướng dẫn để thúc đẩy hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực số; tuyển chọn, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học, công nghệ, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, an toàn thông tin,... hình thành đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ, có khả năng làm chủ, ứng dụng công nghệ, có tính chuyên nghiệp cao đáp ứng môi trường làm việc hiện đại.

Thống đốc yêu cầu toàn ngành đẩy mạnh đào tạo nội bộ, đào tạo số hóa, tăng khả năng thích nghi, thích ứng với môi trường số; xây dựng khung đào tạo kỹ năng số, nội dung đào tạo có sự phân chia theo 6 nhóm đối tượng và 3 cấp độ; đa dạng các hình thức đào tạo, thực hiện dịch chuyển từ đào tạo truyền thống sang các hình thức đào tạo thông qua nền tảng số, hình thành văn hóa "tự học"; phát triển các mô hình đào tạo thông qua trao đổi, thực tập, cử tham gia các chương trình đào tạo quốc tế, chứng chỉ chuyên môn, đặc biệt là cán bộ làm ở vị trí công nghệ thông tin, an ninh mạng và chuyển đổi số.

Phong trào "Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số" và "Bình dân học vụ số" gắn với Nghị quyết số 57 của ngành ngân hàng có thể coi là bước khởi đầu cần thiết để tạo nên những đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của ngành ngân hàng. "Nhưng quan trọng hơn chính là sự chuyển mình thực sự trong từng tổ chức, đơn vị, mà trước hết là sự thay đổi trong tư duy, nhận thức và hành động của mỗi chúng ta", Thống đốc nhấn mạnh và mong muốn, từ mỗi cán bộ sẽ khơi dậy khát vọng học tập, chủ động học hỏi, làm chủ công nghệ để đóng góp cho sự phát triển bền vững của ngành ngân hàng trong kỷ nguyên số.

"Tôi tin tưởng rằng, với tinh thần đổi mới, truyền thống đoàn kết, và quyết tâm hành động, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, góp phần hiện thực hóa Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị vào đời sống một cách thiết thực và hiệu quả", Thống đốc nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), đến năm 2024, kinh tế số đã chiếm 15% GDP của kinh tế toàn cầu, tương ứng với 16.000 tỉ USD. Nhiều quốc gia đã xác định kinh tế số là thành phần cốt lõi trong chiến lược quốc gia.

Theo Phó thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những biến động khó lường như chiến tranh thương mại, sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu sống còn để thích ứng, tồn tại và vươn lên.

Theo lời Tổng Bí thư Tô Lâm, "hiện nay có thể gọi 4 nghị quyết trên là bộ tứ trụ cột để giúp chúng ta cất cánh", trong đó phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá chiến lược, là động lực chủ yếu thúc đẩy hiện đại hóa đất nước, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nganh-ngan-hang-tien-phong-chuyen-doi-so-trong-ky-nguyen-moi-233074.html
Zalo