Ngành nào sẽ vô địch tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2025?

Dự phóng ngành ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 17,7% cho năm 2025 cao hơn so với mức tăng trưởng 2024 là 15,7%. Ngành chứng khoán 26.600 tỷ lợi nhuận toàn ngành, tăng 15%. Ngành bất động sản khu công nghiệp tăng 30%, kỳ vọng đưa nguồn cung vào quý I và II/2025...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bối cảnh vĩ mô được phản ánh rõ nét vào kết quả kinh doanh quý 3/2024 của các doanh nghiệp niêm yết. Lợi nhuận sau thuế toàn thị trường duy trì tăng trưởng ổn định ở mức 21,7% so với cùng kỳ, dẫn dắt bởi nhóm Phi tài chính với mức tăng trưởng vượt trội 28,7% so với cùng kỳ nhờ đóng góp đáng kể từ thu nhập tài chính và sự phục hồi của các ngành tiêu dùng và xuất khẩu như bán lẻ, du lịch và giải trí, hóa chất và thủy sản.

Ngược lại, nhóm Tài chính ghi nhận mức tăng thấp hơn do áp lực từ các ngành Chứng khoán và Bảo hiểm.

Nhận định về triển vọng lợi nhuận năm 2025, ông Đào Hồng Dương, Giám đốc phân tích Ngành và Cổ phiếu của VPBankS Research cho biết bức tranh lợi nhuận của năm 2025 vẫn tiếp tục được dự báo khả quan với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận có thể đạt trung bình từ 25-30% với xu hướng hồi phục kinh tế vẫn là động lực giúp các nhóm ngành tăng trưởng.

Trong đó về lợi nhuận, dự phóng ngành ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 17,7% cho năm 2025 cao hơn so với mức tăng trưởng của năm 2024 là 15,7%. Ngành chứng khoán 26.600 tỷ lợi nhuận toàn ngành, tăng 15%. Ngành bất động sản khu công nghiệp tăng 30%, kỳ vọng đưa nguồn cung vào quý I và II/2025.

Ngành bất động sản dân cư tăng 4%. Ngành thép tăng hơn 90%, khoảng 19.000 tỷ đồng. Ngành bán lẻ sau năm 2024 bứt phá lợi nhuận thì 2025 tăng bình ổn 16%. Ngành dầu khí tăng 21%, cảng biển 10%.

Về định giá, hiện tại có 9/16 ngành cấp 2 ghi nhận mức P/E dưới mức bình quân 8 năm, 14/16 ngành cấp 2 có mức P/B dưới bình quân 8 năm, 5-6 ngành có mức P/B và P/E sát 8 năm vừa qua. Định giá các ngành nghề niêm yết đều có mức hấp dẫn cho trung, dài hạn.

Năm 2024, một nửa ngành nghề trong 18 năm khả quan, tăng trưởng 2 con số trở lên. Bước sang năm 2025, theo chuyên gia của VPBankS hầu hết các ngành nghề sẽ đều có rủi ro sóng gió nhất định đến từ quốc tế nhưng động lực nội tại mạnh do đó vẫn nhiều cơ hội cho một nửa ngành nghề.

Phân tích chi tiết hơn về từng nhóm ngành, theo ông Đào Hồng Dương, áp lực chi phí huy động giới hạn sự phục hồi của NIM. Lãi suất huy động đã chạm đáy quý III và tăng nhẹ trở lại do nhu cầu vốn cho sự tăng trưởng tín dụng và áp lực tỷ giá. Mặt bằng lãi suất huy động 6 tháng, 9 tháng và 12 tháng đã nhích nhẹ. Nền lãi suất huy động sẽ không tăng thêm nữa. Vẫn còn áp lực NIM trong năm 2025.

Tuy vậy, tốc độ hình thành nợ xấu đang giảm, thông qua tốc độ nợ tăng nhóm 2 và nhóm 4. Nợ nhóm 2 đã giảm quý thứ 2 liên tiếp cho thấy xu hướng hình thành nợ xấu chững lại. Tổng nợ xấu toàn ngành đi ngang ở mức 2,2%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (khoảng 80%) có dấu hiệu chạm đáy nhưng đã giảm đáng kể trong giai đoạn từ cuối 2022 đến nay.

Đối với ngành chứng khoán: Thị trường có điều chỉnh trong quý III, thanh khoản giảm tác động doanh thu ngành. Tổng doanh thu ngành giảm nhưng lợi nhuận đi ngang và tăng trưởng trên 20% trong 9 tháng so với cùng kỳ, đóng góp từ cho vay margin và ứng tiền mặt.

Margin toàn thị trường cao kỷ lục tạo động lực cho lợi nhuận ngành. Margin toàn thị trường là 232.000 tỷ đồng, tăng 20% so với thời kỳ Covid. Với margin này không thấy rủi ro, thị trường đang ở giai đoạn tăng trưởng. Nếu VN-Index 1.300 - 1.350 điểm, margin 232.000 tỷ đồng thì tỷ lệ margin/vốn hóa thị trường thì chỉ dao động 3,2%, tạo lợi nhuận vững chắc cho ngành. Tốc độ tăng trưởng về tổng tài sản các công ty chứng khoán được tài trợ bằng vốn chủ sở hữu và các đợt tăng vốn khác.

Với ngành bất động sản Khu công nghiệp: Dòng vốn FDI tích lũy của 2024 là 21-22 tỷ USD trong 11 tháng. Điều này phản ánh 2 yếu tố là xu hướng Trung Quốc +1 và đa dạng hóa chuỗi cung ứng của nhiều nhà đầu tư lớn diễn ra ngày càng mạnh hơn. Xu hướng 2025 lĩnh vực thu hút chủ lực FDI là điện tử, linh kiện điện tử ở phía Bắc; phía Nam là sản phẩm từ cao su, nhựa, FMCG, vật liệu xây dựng, dệt may…

Với quyết định 227 của Thủ tướng Chính phủ đã bổ sung nguồn cung tương
đối đáng kể cho thị trường bất động sản Khu công nghiệp trong giai đoạn 2024-2026, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc. Phía Nam thì bổ sung ở Bình Phước.

Ngành thép: Chịu 2 yếu tố tác động chính 2025. Thứ nhất là thị trường xây dựng trong nước có thể hưởng lợi từ chính sách bảo hộ thương mại của các quốc gia. Biên lợi nhuận ngành thép đang được phục hồi do giá thép tăng trở lại.

Ngành bán lẻ: Tăng trưởng tốt, có 4 xu hướng mô hình bán lẻ hiện đại tương đối tích cực, ngành ICT qua giai đoạn tái cơ cấu mạnh mẽ, mảng bán lẻ vàng trang sức có biên lợi nhuận trở lại, chuỗi bán lẻ dược phẩm tăng tích cực.

Ngành dầu khí: Tìm cơ hội đầu tư theo tính chu kỳ. Theo các dự báo, cung - cầu chịu áp lực giảm tương đối mạnh. Dự báo giá dầu 74-80 USD cho dầu brent, giá có thể chịu áp lực giảm. Chính sách năng lượng dưới nhiệm kỳ tổng thống Trump nước Mỹ có thể tăng sản lượng cung lên đáng kể. Tổng lượng cung khí đốt tăng lên ở Bắc Mỹ, nên khó đoán định nguồn cung từ Mỹ
và Nga.

Về thị trường khoan dầu, đã hạ nhiệt quý I - II/2024. Sức ép đang dần xuất hiện khi giá dầu khả năng sẽ về mức thấp trong năm 2025 - 2026. Biên lọc dầu duy trì mức thấp. Do sức ép nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tăng chậm, hoạt động của các nhà máy lọc hóa dầu trên toàn cầu bị ảnh hưởng và tiếp tục xu hướng giảm từ giữa quý đầu năm 2024. Hiện tại, biên lợi nhuận lọc dầu ở mức thấp trong 2 năm và 2025 có thể phục hồi tích cực.

Cuối cùng là ngành cảng biển: Về mặt xu hướng giá, giá tàu, giá cước vẫn neo ở mức cao, gấp rưỡi so với trước khi xảy ra căng thẳng Biển Đỏ. Lượng container ở Việt Nam tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, do nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng lên. Thay đổi liên minh các hãng tàu từ tháng 2/2025 có thể tạo cơ hội cho cảng nước sâu.

Thu Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nganh-nao-se-vo-dich-tang-truong-loi-nhuan-trong-nam-2025.htm
Zalo