Ngành mới Tài chính - Ngân hàng ở Trường ĐH Luật TP.HCM có gì đặc biệt?
Ngành Tài chính - Ngân hàng của Trường ĐH Luật TP.HCM được thiết kế với 123 tín chỉ, kết hợp giữa kiến thức chuyên sâu về tài chính - ngân hàng và pháp luật.
Từ năm 2025, Trường ĐH Luật TP.HCM sẽ tuyển sinh và đào tạo ngành Tài chính - Ngân hàng. Việc mở ngành học ở lĩnh vực kinh tế này nhằm thực hiện mục tiêu phấn đấu trở thành một đại học đa ngành, đa lĩnh vực theo định hướng nghiên cứu, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế của đất nước
Kết hợp giữa kiến thức tài chính - ngân hàng và pháp luật
PGS.TS Cao Minh Trí, Trưởng khoa Quản trị, Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết trong bối cảnh nền kinh tế phát triển nhanh và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, các lĩnh vực về quản trị tài chính công, thẩm định giá và quản trị tài sản… đang có nhu cầu nhân lực ngày càng tăng cao.
Trong khi đó, số lượng lao động được đào tạo bài bản ở các chuyên ngành này vẫn còn hạn chế, tạo ra cơ hội nghề nghiệp lớn cho sinh viên sau khi tốt nghiệp nếu theo đuổi các lĩnh vực này.
Theo đó, chương trình đào tạo ngành Tài chính – Ngân hàng được thiết kế theo hướng đào tạo sinh viên toàn diện cả về kiến thức chuyên môn, kỹ năng, năng lực thực hành, phẩm chất đạo đức và ý thức trách nhiệm xã hội, đảm bảo cho sinh viên được học tập chủ động và trải nghiệm thực tiễn.
Mục tiêu của chương trình này giúp người học có kiến thức về khoa học xã hội nói chung và chuyên sâu về các lĩnh vực chuyên ngành tài chính – ngân hàng nói riêng.
Chương trình được được thiết kế với 123 tín chỉ, trong đó 30 tín chỉ thuộc khối kiến thức giáo dục đại cương, 93 tín chỉ thuộc khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp, số tín chỉ này tương đồng với một số chương trình đào tạo tiên tiến cùng ngành.
Chương trình đào tạo đã được nhà trường đối sánh và khảo sát, lấy ý kiến các nhà tuyển dụng, chuyên gia, nhà nghiên cứu… đảm bảo vừa tuân thủ các quy định do Bộ GD&ĐT ban hành về đào tạo đại học, vừa đồng thời bảo vệ lợi ích của người học trong việc tối ưu hóa thời lượng học và chi phí.
Đặc biệt, với ưu thế chương trình được đào tạo trong cơ sở trọng điểm đào tạo ngành Luật nên ngành Tài chính – Ngân hàng được thiết kế với sự kết hợp giữa kiến thức chuyên sâu về tài chính – ngân hàng và pháp luật.
Sự tích hợp liên ngành này tạo nên lợi thế cạnh tranh đặc trưng của chương trình. Người học sau khi tốt nghiệp không chỉ có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực tài chính – ngân hàng mà còn am hiểu về pháp luật Việt Nam và quốc tế.
Trong bối cảnh các tổ chức tài chính, các đơn vị kinh doanh, các đơn vị hành chính sự nghiệp ngày càng chú trọng đến việc tuân thủ pháp luật và quản trị rủi ro pháp lý, những nhân sự có kiến thức vững vàng cả về quản trị, tài chính và pháp luật luôn là lựa chọn hàng đầu của các đơn vị sử dụng lao động với nhiều cơ hội thăng tiến rộng mở.

Một giờ học của thầy trò Trường ĐH Luật TP.HCM.
Có lợi thế cạnh tranh về cơ hội việc làm và thăng tiến
Theo Trường ĐH Luật TP.HCM, khi học ngành này tại trường, sinh viên sẽ được giảng dạy bởi đội ngũ giảng viên giàu kiến thức, kinh nghiệm và nhiệt huyết, được đào tạo từ các trường đại học danh tiếng trong và ngoài nước.
Không chỉ có chuyên môn vững vàng mà đội ngũ giảng viên còn năng động, nhiệt huyết trong tất cả các hoạt động như hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, đồng hành cùng sinh viên trong các hoạt động xã hội, cố vấn sinh viên trong các cuộc thi...
Bên cạnh đó, trong suốt quá trình học tập tại trường, sinh viên sẽ nhận được sự đồng hành từ đội ngũ cố vấn học tập. Họ sẽ theo sát, hướng dẫn và hỗ trợ sinh viên thường xuyên, giúp các em định hướng đúng đắn, duy trì lộ trình học tập hiệu quả và đạt được những mục tiêu đã đề ra trong chương trình đào tạo.
Đặc biệt, sinh viên có cơ hội học hỏi từ chuyên gia đầu ngành, ngoài kiến thức được học trên lớp, các em còn được trang bị kiến thức, học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia hàng đầu thông qua các buổi hội thảo, tọa đàm hoặc các buổi nói chuyện chuyên đề trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.
Cạnh đó, sinh viên sẽ có cơ hội trải nghiệm thực tiễn, được hỗ trợ trong các hoạt động kiến tập, thực tập và giới thiệu việc làm trong mạng lưới hợp tác liên kết giữa trường với các tổ chức, cơ quan bên ngoài, đồng thời có nhiều cơ hội thuận lợi trong việc thực hành thực tế và phát triển nghề nghiệp chuyên môn.
Về việc làm và triển vọng nghề nghiệp, theo trường, sinh viên tốt nghiệp chương trình tài chính – ngân hàng sẽ có lợi thế cạnh tranh về việc làm và cơ hội thăng tiến trên thị trường lao động trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Quy mô cơ sở chính của Trường ĐH Luật TP.HCM. Ảnh: TTNT
Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc tại ngân hàng và các tổ chức tài chính (ngân hàng thương mại, ngân hàng nhà nước, công ty chứng khoán, cơ quan quản lý nhà nước về tài chính ngân hàng, công ty quản lý quỹ, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, công ty bảo hiểm và các tổ chức tài chính khác...).
Tại đó, sinh viên có thể đảm trách các vị trí như nhân viên tín dụng, nhân viên thanh toán quốc tế, nhân viên kinh doanh ngoại tệ, nhân viên quản lý quỹ, nhân viên thẩm định giá, nhân viên phòng đầu tư, nhân viên phòng nguồn vốn...
Hoặc tại các doanh nghiệp như công ty kiểm toán, công ty kinh doanh bất động sản, công ty bảo hiểm,... sinh viên ra trường có thể làm nhân viên phân tích tài chính doanh nghiệp, định giá tài sản, mua bán và sáp nhập doanh nghiệp, kinh doanh tiền tệ, quản trị tài sản và nguồn vốn, …
Ngoài ra, người học có thể ứng tuyển vào các vị trí giảng viên, nghiên cứu viên tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, hoặc các viện nghiên cứu và đào tạo để có cơ hội hợp tác quốc tế, thăng tiến lên các vị trí cao hơn, tham gia vào các dự án kinh tế - xã hội quan trọng và phát triển nghiên cứu chuyên sâu, trở thành cố vấn cao cấp hoặc chuyên gia đầu ngành.
Năm 2025, Trường ĐH Luật TP.HCM dự kiến tuyển sinh 4.000 chỉ tiêu với 7 ngành học, tăng gần 400 chỉ tiêu. Trường dự kiến xét tuyển theo ba phương thức, gồm:
Phương thức 1: Tuyển thẳng, xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh trình độ đại học của Bộ GD&ĐT.
Phương thức 2: Xét tuyển theo đề án tuyển sinh của trường
Phương thức 3: Xét tuyển dựa vào kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT.