Ngành may mặc 'mỏi mắt' tuyển lao động
Đầu năm 2025 này, các doanh nghiệp ngành dệt may ở Huế đang tìm kiếm, thu hút, cần tuyển hàng ngàn lao động, nhưng vẫn gặp khó khăn về nguồn cung.

Nhu cầu tuyển dụng lao động ngành may mặc rất lớn nhưng nguồn cung lại thiếu
Cầu lớn nhưng hụt cung
Tại Tháng Giao dịch việc làm đầu năm 2025 do Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức ngay sau dịp nghỉ tết Nguyên đán, một số công ty ngành may mặc đóng trên địa bàn TP. Huế, như: Scavi Huế, MSV, Sơn Hà Huế, AMP Việt Nam - Phong Điền, Phú Hòa An... tham gia phỏng vấn tuyển dụng lao động ở nhiều vị trí. Kế hoạch tuyển dụng lao động trong 6 tháng đầu năm 2025 của các doanh nghiệp khoảng 6.000 người ở các ngành nghề. Riêng lao động cần tuyển cho ngành may mặc chiếm hơn 50%. Công ty Scavi Huế đang cần tuyển hơn 1.500 công nhân may; Công ty AMP Việt Nam - Phong Điền đang cần tuyển khoảng 300 công nhân may và nhiều doanh nghiệp dệt may, may mặc xuất khẩu như Sơn Hà Huế (KCN Phú Đa), MSV (KCN Phú Bài), Kanglongda (KCN Phong Điền), Phú Hòa An (KCN Phú Bài)... cũng đang cần tuyển hơn 1.000 lao động ở các vị trí công việc.
Tuy nhiên, qua khảo sát trong buổi đầu tại phiên giao dịch của Tháng Việc làm, hầu hết các doanh nghiệp vẫn chưa có lao động nào đăng ký nộp hồ sơ xin việc làm. Chị Hoàng Thị Đoan Thanh, Trưởng phòng Hành chính - Nhân sự Công ty TNHH May mặc AMP Việt Nam - Phong Điền cho biết, công ty đã ký được nhiều đơn hàng sản xuất trực tiếp cho các thương hiệu lớn xuất đi thị trường châu Âu, châu Mỹ... Nhưng với tình hình khó tuyển được người lao động như hiện nay, chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến hợp đồng, sản lượng, doanh thu của đơn vị.
Những năm gần đây, các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn gia tăng về số lượng và quy mô sản xuất. Điều này không chỉ đem lại nguồn thu cho doanh nghiệp và địa phương mà còn giải quyết số lượng lớn nhu cầu việc làm của người dân trên địa bàn. Xu hướng phát triển này cũng kéo theo sự dịch chuyển lao động nông nghiệp nông thôn trên địa bàn. Trước đây, ở TX. Phong Điền và huyện Quảng Điền, đa phần người lao động tập trung sản xuất nông nghiệp với nguồn thu nhập thấp, bấp bênh, không có những chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội... Nhưng nay, hầu như nhà nào cũng đều có 1, 2 lao động vào làm việc cho các xí nghiệp, nhà máy sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Riêng tại Công ty Scavi Huế đang giải quyết việc làm cho khoảng 7.000 lao động, thì người tại địa phương và các vùng lân cận cũng đã chiếm trên dưới 70% trong số này.
Tuy nhiên thực tế hiện nay, nguồn nhân lực đã bão hòa, số người lao động địa phương không tăng nhiều dù đã tính đến lao động di cư trở về. Trong khi đó, nhiều nhà máy sản xuất may mặc lần lượt hình thành, quy mô sản xuất được mở rộng... nên bài toán tìm kiếm, tuyển dụng người lao động đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp càng trở nên nan giải.

Đào tạo nghề may cần được định hướng và có chiến lược đầu tư để phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp
Thêm chính sách và bắt tay đào tạo
Công ty TNHH May mặc AMP Việt Nam - Phong Điền chuyên may hàng xuất khẩu hiện đang cần tuyển thêm 300 lao động; trong đó, cần 200 công nhân có tay nghề và 100 lao động chưa qua đào tạo. Để giải bài toán khó về tuyển lao động, ngoài áp dụng tăng thêm các chế độ, chính sách, phúc lợi..., công ty tự tuyển dụng lao động phổ thông chưa qua đào tạo và tổ chức đào tạo lại. Đối với những lao động chưa qua đào tạo khi được tuyển vào làm việc sẽ được công ty hỗ trợ mức lương trong thời gian đào tạo 3 tháng là 3,8 triệu đồng/người/tháng và phụ cấp.
Không riêng AMP Việt Nam - Phong Điền, để cạnh tranh nguồn lao động giữa các doanh nghiệp cũng như thu hút từ các thị trường lao động ở những vùng miền, khu vực khác khi nguồn nhân lực đang khan thiếu, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra các chính sách hỗ trợ, lương, thưởng đãi ngộ, chính sách hỗ trợ đào tạo nâng cao chuyên môn nghiệp vụ giúp lao động có cơ hội thăng tiến... Đơn cử, trong đợt này, để tuyển được 1.000 công nhân may và 500 người học nghề may, Công ty Scavi Huế đã ra các chính sách thu hút, giữ chân người lao động, như: Tăng lương thực nhận bình quân; hỗ trợ con nhỏ với 400 nghìn đồng/tháng/thành viên; thưởng công nhân may lên đến 3 triệu đồng/thành viên khi ký hợp đồng chính thức; thưởng tiền cho "đại sứ tuyển dụng" khi giới thiệu công nhân may vào làm việc tại công ty và nhiều chế độ đãi ngộ về nhà ở, xe đưa đón, trường mầm non...
Nguyên nhân khan thiếu nguồn nhân lực phục vụ cho ngành may mặc một phần do khâu tạo nguồn, định hướng nghề nghiệp, quy mô đào tạo chuyên ngành còn hạn chế. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn chưa có đầy đủ trang thiết bị, giảng viên để đào tạo ngành may. Vấn đề này đã được nhiều chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp phân tích, đồng thời đề xuất cần xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thực tế đang cần, trong đó có ngành may mặc.
Để đáp ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp hiện tại và trong tương lai gần, trường nghề và doanh nghiệp phải cùng đồng hành xây dựng, điều chỉnh chương trình đào tạo, đánh giá người học; hỗ trợ trang thiết bị đào tạo chuyên ngành; đưa giảng viên và sinh viên đi thực tế, thực tập tại doanh nghiệp… để nâng cao năng lực đào tạo, đáp ứng chất lượng, yêu cầu công việc.
Hiện nay, không riêng nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn lao động ngành may, Công ty CP Kim Long Motors Huế chuyên sản xuất ô tô đóng tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đang cần tuyển 1.000 lao động; trong đó, cần 830 lao động có trình độ sơ cấp nghề và gần 150 lao động trình độ đại học trở lên vào các vị trí như kỹ thuật hàn, sơn, lắp ráp, thiết kế, công nghệ thông tin, kiểm định... Hay, Công ty TNHH chế xuất Billion Max Việt Nam chuyên sản xuất đồ chơi đang cần tuyển gần 1.200 công nhân ép nhựa, lắp ráp, kỹ thuật điện, cơ khí...