Ngành Kiến trúc nội thất đòi hỏi sự sáng tạo, mức lương phụ thuộc vào tay nghề

Sinh viên ngành Kiến trúc nội thất được đào tạo để sáng tạo ra các không gian sống đẹp mắt, bền vững, an toàn và hiệu quả.

Kiến trúc nội thất là ngành học kết hợp tất cả các yếu tố khoa học kỹ thuật, nghệ thuật nhằm kiến tạo không gian cho các thể loại công trình. Đây được đánh giá là ngành học có nhiều tiềm năng phát triển và phù hợp với xu thế thời đại.

Với sự phát triển nhanh chóng về đời sống, sản xuất công nghiệp, cùng nhu cầu thẩm mỹ của con người về chất lượng không gian sống ngày càng nâng cao, sinh viên ngành Kiến trúc nội thất ngày càng có cơ hội nghề nghiệp rộng mở.

Sự khác biệt giữa ngành Kiến trúc nội thất và Thiết kế nội thất

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ, Kiến trúc sư Lê Anh Đức, Phó trưởng bộ môn Nội thất, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, ngành Kiến trúc nội thất và ngành Thiết kế nội thất có những điểm tương đồng như đều hướng tới việc tạo ra không gian sống và làm việc hài hòa, tiện nghi, thẩm mỹ.

Tuy nhiên, sự khác biệt chính nằm ở mục tiêu và phạm vi của từng ngành. Ngành Kiến trúc nội thất chú trọng đến việc kiến tạo không gian tổng thể của công trình, bao gồm cấu trúc, hình dáng, vật liệu và các yếu tố kỹ thuật khác.

Sinh viên ngành Kiến trúc nội thất được đào tạo đầu ra làm kiến trúc sư với mục tiêu kiến tạo không gian kiến trúc từ bên trong, được học cách tạo ra các không gian sống không chỉ đẹp mắt mà còn bền vững, an toàn và hiệu quả.

Trong khi đó, ngành Thiết kế nội thất tập trung vào việc trang trí và sắp xếp nội thất bên trong các không gian đã được xác định trước, bao gồm việc lựa chọn màu sắc, đồ nội thất, ánh sáng, và các vật dụng trang trí khác để tạo ra một không gian sống hoặc làm việc thẩm mỹ và đảm bảo công năng.

Chia sẻ điểm khác biệt giữa hai ngành học này, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoan, Trưởng ngành Kiến trúc Nội thất, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Kiến trúc nội thất là ngành thiết kế sáng tạo và đặc thù trong xây dựng, nhằm đào tạo nguồn nhân lực theo hướng kiến trúc sư chủ trì, đặc biệt đối với công trình quy mô nhỏ và vừa.

Theo thầy Hoan, người tốt nghiệp ngành Kiến trúc nội thất có khả năng làm việc xuyên suốt quá trình thực hiện dự án, từ khâu thiết kế kiến trúc, thiết kế nội ngoại thất đến thi công sản phẩm. Đây là khác biệt lớn so với ngành Thiết kế nội thất truyền thống khi chỉ tập trung giải quyết các vấn đề mỹ thuật, nội thất ở không gian trong công trình.

 Tiến sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoan, Trưởng ngành Kiến trúc Nội thất, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoan, Trưởng ngành Kiến trúc Nội thất, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.

Khi tốt nghiệp, sinh viên học ngành Kiến trúc nội thất tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh được cấp bằng kiến trúc sư ngành Kiến trúc nội thất, trong khi sinh viên tốt nghiệp ngành Thiết kế nội thất nhận bằng cử nhân Thiết kế nội thất.

Cơ hội nghề nghiệp rộng mở, mức thu nhập có sự phân hóa rõ rệt

Theo Thạc sĩ, Kiến trúc sư Lê Anh Đức, cơ hội nghề nghiệp trong ngành Kiến trúc nội thất hiện nay rất rộng mở. Sự phát triển nhanh chóng của ngành xây dựng và bất động sản, cùng với nhu cầu ngày càng cao về chất lượng không gian sống và làm việc, đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ngành này. Hơn nữa, nhu cầu tuyển dụng trong các doanh nghiệp, từ các công ty thiết kế kiến trúc, nội thất đến các tập đoàn xây dựng, bất động sản lớn luôn ở mức cao.

Thầy Đức cũng cho biết thêm, tỉ lệ sinh viên ngành Kiến trúc nội thất ra trường có việc làm luôn ở mức cao, dao động từ 90-95% trong những năm gần đây. Mức lương của ngành Kiến trúc nội thất có sự khác biệt rõ rệt giữa sinh viên mới tốt nghiệp và những người đã có nhiều kinh nghiệm. Đối với sinh viên mới tốt nghiệp, mức lương khởi điểm thường dao động từ 8-12 triệu đồng/tháng. Mức lương này có thể thay đổi tùy thuộc vào vị trí công việc, quy mô công ty và khu vực làm việc.

Đối với những người đã có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng chuyên sâu, mức lương có thể cao hơn đáng kể, dao động từ 20-30 triệu đồng/tháng hoặc thậm chí cao hơn, tùy thuộc vào năng lực và vị trí công việc.

Những kiến trúc sư nội thất có kinh nghiệm thường đảm nhận các vị trí quan trọng như trưởng nhóm thiết kế, quản lý dự án, giám đốc thiết kế. Thu nhập phản ánh trách nhiệm và mức độ phức tạp của công việc.

 Sinh viên ngành Kiến trúc nội thất Trường Đại học Xây dựng Hà Nội thực hành môn học. Ảnh: NTCC.

Sinh viên ngành Kiến trúc nội thất Trường Đại học Xây dựng Hà Nội thực hành môn học. Ảnh: NTCC.

Trong khi đó, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoan cho biết, sau khi ra trường, người học có thể đảm nhiệm các công việc như: Chủ trì, tư vấn thiết kế kiến trúc công trình quy mô nhỏ và vừa; Chủ trì thiết kế nội ngoại thất công trình; Giám sát, thi công công trình kiến trúc, nội thất, ngoại thất; Nghiên cứu tại các viện khoa học công nghệ; Khởi nghiệp đa lĩnh vực ngành xây dựng...

Mức lương các ngành trong lĩnh vực xây dựng khá đa dạng, phụ thuộc vào năng lực, kinh nghiệm cá nhân, môi trường làm việc cũng như thời điểm khác nhau. Khi người học đáp ứng được chuẩn đầu ra của ngành, có khả năng làm việc một cách chủ động, tư duy xuyên suốt từ kiến trúc đến nội ngoại thất và triển khai thi công, cơ hội việc làm và mức thu nhập sẽ cao hơn.

“Sinh viên mới tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu trên sẽ có thu nhập dao động 10-15 triệu đồng/tháng. Đối với kiến trúc sư giàu kinh nghiệm, thu nhập có thể vượt mức 30-40 triệu đồng/tháng”, thầy Hoan cho hay.

 Sinh viên năm nhất ngành Kiến trúc nội thất, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cùng kết quả môn học Đồ án cơ sở 3 - Diễn họa kiến trúc. Ảnh: NTCC.

Sinh viên năm nhất ngành Kiến trúc nội thất, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cùng kết quả môn học Đồ án cơ sở 3 - Diễn họa kiến trúc. Ảnh: NTCC.

Cần kết hợp kiến thức trên giảng đường với trải nghiệm thực tế, chú trọng nhiều kỹ năng

Theo Thạc sĩ, Kiến trúc sư Lê Anh Đức để đạt được mức lương lý tưởng, công việc trong ngành Kiến trúc nội thất đòi hỏi sinh viên phải có một loạt các kỹ năng và thái độ cần thiết để thành công.

Trước hết, kỹ năng sáng tạo là yếu tố quan trọng nhất, giúp sinh viên có thể nghĩ ra những ý tưởng thiết kế độc đáo và đột phá. Tiếp theo là kỹ năng tư duy không gian, cho phép họ hình dung và thiết kế các không gian một cách hợp lý dựa trên cơ sở kết cấu, công năng và thẩm mỹ.

Khả năng làm việc nhóm cũng rất quan trọng, vì trong ngành này, sự hợp tác giữa các kiến trúc sư, kỹ sư, nhà thầu và khách hàng là điều không thể thiếu. Sinh viên cần có kỹ năng giao tiếp tốt để trình bày ý tưởng của mình một cách rõ ràng và thuyết phục.

Ngoài ra, thái độ chủ động, cầu tiến, cẩn thận và kiên trì là những yếu tố cần thiết giúp họ vượt qua các thử thách và đạt được thành công trong công việc. Khả năng sử dụng thành thạo các phần mềm thiết kế cũng là một yêu cầu cơ bản trong ngành này.

Trong khi đó, Kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Nam, cựu sinh viên ngành Kiến trúc nội thất, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện anh đang làm công việc liên quan đến chuyên ngành nội thất và chiếu sáng.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa kiến thức trên ghế nhà trường và công việc chính là sự thực tế và trải nghiệm. Khi đi làm, việc áp dụng lý thuyết được học ở trường là đúng nhưng là chưa đủ, trên cơ sở lý thuyết cốt lõi đó sẽ có nhiều cách thức và phương án phù hợp với bối cảnh thực tế. Việc trải nghiệm thực tế các dạng công trình giúp thiết kế được đa dạng hơn, đồng thời giúp kiến trúc sư hiểu rõ hơn về các chi tiết kỹ thuật.

Theo Kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Nam, sinh viên ngành Kiến trúc nội thất ngoài các kỹ năng về phần mềm thiết kế, kỹ năng trao đổi phối hợp nhóm, khả năng tự trau dồi bản thân, cần có thêm sự bền bỉ và kiên trì, vì không phải ai cũng đủ kiên trì để theo nghề.

Ngoài ra, do Kiến trúc nội thất là một ngành rất rộng và luôn đổi mới, không chỉ đơn thuần là “vẽ”. Vì vậy, ngoài việc tìm hiểu, học hỏi kiến thức thiết kế và thi công, sinh viên không nên vội nản chí khi gặp khó khăn, cũng như không nên quá nóng ruột khi đi làm mà chưa đạt được thành tựu hay kinh tế tốt. Những thứ đó cần thời gian và sự kiên trì, bền bỉ để đạt được.

Những thuận lợi trong công tác đào tạo

Phó trưởng bộ môn Nội thất, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội chia sẻ, ngành Kiến trúc nội thất tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội luôn thu hút được sự quan tâm lớn từ các thí sinh. Hàng năm, số lượng thí sinh đăng ký vào ngành này đều rất cao. Do đó, điểm chuẩn của ngành Kiến trúc nội thất thường cao hơn so với các ngành khác tại trường.

Điểm chuẩn ngành Kiến trúc nội thất tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội 4 năm gần đây theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Cũng theo Thạc sĩ, Kiến trúc sư Lê Anh Đức, công tác đào tạo ngành Kiến trúc nội thất tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội có nhiều thuận lợi nhờ vào sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía nhà trường, đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm và cơ sở vật chất hiện đại.

Tuy nhiên, công tác đào tạo cũng gặp không ít khó khăn. Ngành Kiến trúc nội thất luôn đòi hỏi sự đổi mới và sáng tạo, do đó, việc theo kịp xu hướng mới nhất trong thiết kế và công nghệ là một thách thức lớn. Ngoài ra, đảm bảo đủ điều kiện thực hành cho sinh viên cũng là một vấn đề cần được quan tâm, đặc biệt là trong bối cảnh số lượng sinh viên ngày càng tăng.

Trong khi đó, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoan cho biết, chương trình đào tạo ngành Kiến trúc nội thất tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp khối kiến thức có sự giao thoa, tương hỗ về kiến trúc công trình, thiết kế tổ chức không gian, thiết kế trang trí nội thất trên nền tảng kỹ thuật, mỹ thuật, nghệ thuật, văn hóa…

Thêm vào đó, chương trình học đề cao tính liên môn, liên ngành, các môn học được sắp xếp và nối tiếp nhau, giúp người học vận dụng một cách tối đa lượng kiến thức của môn học trước áp dụng vào môn học sau. Sinh viên được cọ xát thực tế thông qua nhiều kênh tương tác với doanh nghiệp.

Từ đó, sinh viên được phát triển toàn diện kiến thức và kỹ năng ở mức độ chuyên sâu, đồng thời đảm bảo tính thống nhất và xuyên suốt của ý đồ thiết kế, cũng như giảm thiểu các xung đột về thiết kế trong quá trình thực hiện dự án.

 Sinh viên ngành Thiết kế nội thất, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ kinh nghiệm lên ý tưởng thiết kế. Ảnh: NTCC.

Sinh viên ngành Thiết kế nội thất, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ kinh nghiệm lên ý tưởng thiết kế. Ảnh: NTCC.

Đặc biệt, với phương pháp “Project By Learning – Dạy học theo Dự án”, người học được đào tạo bằng hệ thống chuỗi 16 đồ án chuyên ngành có tính nối tiếp, kế thừa nhau từ quy mô, tính chất cho đến các giai đoạn phát triển. Nhiệm vụ thiết kế thực tế tại các doanh nghiệp cùng các yêu cầu khắt khe từ khách hàng được giả định làm đề bài môn học.

Về khó khăn trong công tác đào tạo, thầy Hoan chia sẻ, đây là một ngành sáng tạo đặc thù, tính liên ngành, đa ngành cao và bề dày hình thành ở cơ sở chưa lâu. Vì vậy, đội ngũ giảng viên phải liên tục cùng nhau xây dựng và hoàn thiện các môn học mới, phương pháp giảng dạy để đáp ứng được yêu cầu của ngành đề ra.

Bích Ngọc

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nganh-kien-truc-noi-that-doi-hoi-su-sang-tao-muc-luong-phu-thuoc-vao-tay-nghe-post244651.gd
Zalo